Bài ca xứ sở

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/05/2023 08:18

(VHQN) - Xen giữa những trường đoạn bi tráng khói lửa binh đao là khúc ca theo luống cày mở đất. Hơn 550 năm đặt định danh xưng Quảng Nam, những bài ca xứ sở đã thành hình, ghi dấu bao tâm tình tiền nhân người Việt…

Vùng quê xứ Quảng. Ảnh: L.T.K
Vùng quê xứ Quảng. Ảnh: L.T.K

Vào đất cựu Chiêm Thành, khi cư dân bản địa vẫn còn trú ngụ trong nhiều ngôi làng xưa của họ thì người Việt tìm cách lập ra làng mới của mình bằng con đường khai phá những vùng hoang hóa ven sông, cồn bàu hoặc rừng rú.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định về một phần khu vực bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay là đất sính lễ của Huyền Trân công chúa, thời mở cõi còn nhiều nơi lưu dân phải treo mình trên cây mà ngủ vì sợ thú dữ, ven sông đầm phải cắm cọc phòng kình nghê. Trong mênh mang lạ cảnh lạ người, tâm trạng ai mà không khỏi đôi lúc giật mình thảng thốt khi “đến đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng thất kinh”. 

Dần dà qua sông Chợ Củi, ruổi về phía nam, làng xã người Việt được lập thành, cứ chỗ nào khai phá ra thì từng bước lập điền bộ đưa con cháu đến đứng chân, cho nên qua lịch sử đất mở xứ Quảng có nhiều làng cùng gốc tích dòng họ nhưng thuộc nhiều phủ huyện khác nhau.

Và có nhiều trường hợp làng Việt xen làng cũ người Chàm theo kiểu da báo, cộng cư và tiếp biến, hỗn dung văn hóa dần dần qua sinh hoạt, tín ngưỡng, ngôn ngữ… rồi “hay cãi” để so chiếu nhiều điều như kiểu bài đồng dao “Tau đi đường ni có bông có hoa/ Mi đi đường nớ có ma dẫn đường”.

Bài ca địa chí

Đi mở đất lập làng, rồi định vị bằng những tài liệu dư địa chí, xin cấp sắc chuẩn y từ triều đình, hoặc chép sách sử để lại, nhưng các bậc tiền nhân người Quảng còn có cách lưu dấu và truyền khẩu những bài ca mô tả dáng hình xứ xở.

Phổ biến như cách ghi về địa danh xứ Quảng “kể từ ông Bộ kể ra/Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ, Chợ Vạn, Thầu Đâu…”. Hoặc nổi tiếng với câu ca “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/rượu hồng đào chưa nhấm đà say”, kết nối và mở đầu cho những đêm hát nhân ngãi.

Bài ca địa chí định vị rõ hơn về địa hình, địa vật lưu truyền qua nhiều đời nay đã xác lập cương giới “Quảng Nam vốn đất quê mình/núi đồng sông biển đành rành từ lâu”, đó là một khu vực có tứ cận: “Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong/Tây thì giáp đến Mê Kông/rừng cao, rừng thấp mấy tầng núi xanh/Đông thì biển rộng thinh thinh/đất đai trăm dặm rành rành nhớ ghi…”.

Dùng dân ca hò vè để định danh xứ sở là cách quen thuộc của văn học dân gian. Và từ nguồn mạch ấy, các nhà khoa bảng, trí thức, nhà hoạt động văn hóa có những chất liệu mà dựng nên tác phẩm để đời. Điển hình cho sự tiếp nối từ dân gian đến văn học bác học đó là bài “Quảng Nam tỉnh phú” của Đốc học Trần Đình Phong (1843 – 1909).

Vị đốc học tài danh, tâm trong đức sáng này chính là thầy dạy của các danh sĩ Quảng Nam nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, và nhiều nhân vật khác.

Bài phú theo thể lưu thủy và phóng vận của Đốc học Trần Đình Phong khảo tả nhiều lĩnh vực, từ địa lý, nhân vật chí, địa văn hóa, địa kinh tế, làng nghề và sản vật… Đặc biệt cụ nhấn mạnh nơi đây là “Hoàn giác địa linh nhân kiệt, uất vi anh tuấn chi đa” (Mới biết địa linh nhân kiệt sinh nhiều bậc anh tuấn khác thường), nơi không chỉ có nhiều vị khoa bảng mà còn có những người khảng khái anh hùng trí dũng.

Thú vị là trong “Quảng Nam tỉnh phú” có nhiều câu tả cảnh sắc đất xưa đẹp đến nao lòng, chẳng hạn: “Sông Hòa Vang cò thường lặn lội, sắc trắng phơi màu/ Sông Hà Lam sen mọc tốt tươi, mùi hương thơm nức”…

Tiếp nối dòng chảy nghệ thuật

Trên xứ Quảng, và hẳn ở nhiều vùng đất khác cũng thế, cư dân mới cũ gì cũng đều có nhu cầu sinh hoạt tinh thần, dùng văn học nghệ thuật, đặc biệt là lời ca tiếng hát để biểu lộ tâm tình.

Vượt dải Hoành Sơn vào đất phương Nam, bao thế kỷ thăng trầm mà đất mới người Việt “tá thổ” vẫn lưu dấu Chàm trong âm hưởng những khúc ru hời, ru hỡi là ru. Các bậc tiền nhân người Việt lại thêm nỗi niềm hoài quê nhớ xứ, hẳn luôn tìm cách nhắc gợi những điệu lý, câu hò từ thuở họ mang gươm/mang cày đi mở cõi. Rồi từ đó dần hình thành những bài ca, điệu hát mới. Ở xứ Quảng nổi bật là hò khoan, hát đối đáp, hát nhân ngãi.

Rồi bài chòi Thuận – Quảng ra đời, dân ca Quảng đã có hình thái nghệ thuật diễn xướng mang bản sắc riêng. Tiến đến trình độ nghệ thuật bực cao là sáng tạo loại hình hát bội/hát bộ, phát triển cả tuồng pho và tuồng đồ. Vùng Dinh trấn Quảng Nam xưa có dấu tích trường tuồng An Quán do cụ Nguyễn Hiển Dĩnh lập, truyền dạy nghệ thuật hát bội và nhiều gánh hát hình thành ở Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Hà Đông…

Bước qua thời hiện đại, suối nguồn nghệ thuật với tình tự xứ sở lại tiếp mạch chảy qua nhiều thế hệ làm văn nghệ. Và đâu đó trên đường về xứ Quảng người ta lại nghe vang lên âm hưởng của đất nặng nghĩa tình trong các tác phẩm thuộc trào tân nhạc với nhiều tên tuổi nối bước nhau như La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển, Từ Huy, Minh Đức, Hoàng Bích, Phan Văn Minh, Hồ Xuân Hương, Thái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Huy Hùng, Huỳnh Ngọc Hải, Trần Quế Sơn,…

Tìm về những bài ca xứ sở với nghệ thuật dân gian hay bác học, truyền thống xưa cũ hay hiện đại, rốt cùng là để gợi lên tình tự của đất và người, để làm sao cho “ai đã qua đây rồi thì chân bước không đành” mà nhớ thương, thêm yêu quý giá trị văn hóa xứ Quảng!

NGUYỄN ĐIỆN NAM