Điểm hẹn từ sắc màu văn hóa Bh’noong
Lần đầu tiên, sau đại dịch COVID-19, Phước Sơn tổ chức trở lại sự kiện văn hóa cộng đồng cho đồng bào Bh’noong. Với nhiều không gian mở độc đáo, ngày hội kỳ vọng sẽ mang đến sự trải nghiệm, khám phá đầy ấn tượng và lý thú đến với du khách, thông qua “điểm hẹn mới” đậm đặc sắc màu văn hóa Bh’noong.
Nâng tầm quy mô
Sau nhiều tháng chuẩn bị, không gian ngày hội văn hóa Bh’noong huyện Phước Sơn đang dần hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho sự hội ngộ của cộng đồng địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Kỷ - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Phước Sơn cho biết, chương trình ngày hội dự kiến tổ chức trong 3 ngày (12 - 14/5/2023), với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo kết hợp không gian trình diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian cộng đồng miền núi, hứa hẹn mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị và ấn tượng.
Theo ông Kỷ, ngày hội năm nay, địa phương chọn chủ đề “Sắc màu văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới” để khai mở không gian văn hóa cộng đồng sau thời gian trầm lắng bởi đại dịch.
Bên cạnh tôn vinh, quảng bá và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đến với du khách, ngày hội hướng đến chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vat (12/5/1968 - 12/5/2023) và 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Phước Sơn (12/10/1948 - 12/10/2023).
“Bằng không gian văn hóa đặc sắc, thông qua hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử kết hợp sản phẩm đặc trưng của cộng đồng, ngày hội sẽ tiếp nối tái hiện nghệ thuật trình diễn nghề truyền thống, không gian ẩm thực, cùng nghi thức lễ hội cúng thần của đồng bào Bh’noong... với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, xuyên suốt chương trình ngày hội, chúng tôi tổ chức các hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng; gặp mặt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; diễu hành ở trung tâm thị trấn Khâm Đức và tổ chức thi thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn” - ông Kỷ cho biết thêm.
Đặc biệt, chương trình khai mạc dự kiến diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 12/5/2023, tại sân vận động huyện Phước Sơn, với các hoạt động diễu hành kết hợp nghệ thuật đánh - múa cồng chiêng của nghệ nhân Bh’noong thuộc 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Chương trình liên hoan nghệ thuật kết hợp trình diễn, tái hiện nghi thức lễ hội truyền thống được thể hiện xoay quanh câu chuyện văn hóa Bh’noong; sự hội tụ làm nên giá trị lịch sử của vùng đất; tinh hoa văn hóa, cũng như tôn vinh tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống mới trong cộng đồng các dân tộc vùng cao Phước Sơn hiện nay…
Kết nối văn hóa du lịch
Không nằm ngoài mục tiêu bảo tồn văn hóa, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, các kịch bản chương trình ngày hội được xây dựng một cách kỹ lưỡng, công phu nhằm gợi mở cho du khách về câu chuyện văn hóa Bh’noong, từ đó có thêm điểm nhìn mới đầy sinh động trong hành trình kết nối bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Theo ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, điểm mới trong chương trình ngày hội hội lần này, ngoài huy động sự góp mặt của đông đảo nghệ nhân và diễn viên toàn huyện, còn là cơ hội tuyển chọn lực lượng tham gia Ngày hội văn hóa thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023, dự kiến diễn ra tại Phước Sơn vào tháng 8 tới.
Đây được xem như một dịp “tổng duyệt” nhằm cụ thể hóa Đề án 03 và Nghị quyết 05 của Huyện ủy Phước Sơn về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống người Bh’noong gắn với phát triển du lịch, giúp quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng đến với du khách.
Để chương trình ngày hội đạt kết quả cao nhất, huyện Phước Sơn chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiêm túc xây dựng kế hoạch tập luyện; mở rộng sưu tầm hiện vật văn hóa lịch sử; vận động các nghệ nhân, diễn viên tham gia đóng góp chương trình nghệ thuật trình diễn, tái hiện làng nghề đặc sắc và phục dựng các nghi lễ truyền thống.
“Khác với mọi năm, chương trình ngày hội chỉ xoay quanh hoạt động Tết mùa. Năm nay, chúng tôi xây dựng nội dung mới mẻ hơn, mở rộng quy mô văn hóa theo chiều sâu, từ phục dựng nghi lễ cúng thần linh, trình diễn nghệ thuật, cho đến hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng, tái hiện nghi thức hứa hôn, trình diễn nghề truyền thống… Hy vọng, với không gian sắc màu văn hóa đậm chất núi rừng này sẽ mang đến sự trải nghiệm độc đáo, thú vị và ấn tượng đối với du khách” - ông Xoan nói.