Mang bài chòi ra đất tổ

XUÂN HIỀN 23/04/2023 08:28

Các nghệ sĩ, nghệ nhân của xứ Quảng mang di sản văn hóa phi vật thể - bài chòi đến với đất tổ Phú Thọ vào cuối tháng 4 này nhằm giới thiệu những đặc sắc văn hóa mà Quảng Nam đang sở hữu đến đông đảo người dân mọi miền đất nước.

Bài chòi là di sản sống - di sản tinh thần vô giá của người xứ Quảng. Ảnh: X.H
Bài chòi là di sản sống - di sản tinh thần vô giá của người xứ Quảng. Ảnh: X.H

Lễ giỗ tổ Hùng Vương và Tuần lễ văn hóa - du lịch đất tổ diễn ra tại Phú Thọ từ ngày 20 - 29/4. Đây cũng là năm đầu tiên, Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023 được tổ chức.

Các tinh hoa di sản ở khắp vùng miền, từ hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), nghệ thuật xòe Thái (Yên Bái), dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh), nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), nghệ thuật bài chòi (Quảng Nam), nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu), cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cùng hội ngộ ở không gian của đất tổ.

Tinh hoa từ xứ Quảng

Bà Nguyễn Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, các diễn viên, nhạc công của đoàn ca kịch đã tập luyện với cường độ cao để mang đến những tiết mục biểu diễn cũng như tổ chức các gian bài chòi hấp dẫn.

Ngay đêm khai mạc của Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Đoàn Ca kịch Quảng Nam cùng các nghệ sĩ cả nước làm nên một dải liền mạch của các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, thông qua những trích đoạn hô hát bài chòi đặc sắc.

Bà Nguyễn Thị Thu Mây nói, nghệ thuật bài chòi của Quảng Nam bao gồm cả sân khấu bài chòi và bài chòi dân gian. Sự tiếp biến với những giá trị đa dạng từ diễn xướng, âm nhạc, văn học đã làm nên nét đặc sắc của bài chòi Quảng Nam.

Đoàn Ca kịch Quảng Nam thay vì mang các trích đoạn ca kịch được dàn dựng công phu, lần này sẽ là những câu hô bài chòi đậm chất tình xứ Quảng cũng như các gian trò chơi bài chòi được tổ chức xuyên suốt hằng đêm.

Cùng với đó, một “không gian di sản văn hóa phi vật thể Quảng Nam” với các hình ảnh, tư liệu trưng bày về nghệ thuật bài chòi cũng như các giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Nam, từ thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, mặt nạ tuồng cổ, các sản phẩm từ gốm Thanh Hà... được trưng bày tại Phú Thọ bắt đầu từ ngày 19/4.

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, gian giới thiệu di sản văn hóa của Quảng Nam trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hô hát bài chòi bao gồm các thẻ bài, nhạc cụ dùng trong bài chòi, các tư liệu như sách báo chuyên đề nghiên cứu về bài chòi.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng trưng bày, cung cấp thông tin sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Nam, từ các tập gấp, sách hướng dẫn tham quan... Sản phẩm từ những làng nghề truyền thống cũng như một số sản phẩm OCOP của Quảng Nam cũng được mang đến giới thiệu cùng du khách đợt này” - bà Nguyễn Thị Hương nói.

Hội ngộ di sản phi vật thể

Tròn 5 năm bài chòi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các tỉnh thành miền Trung đã có nhiều động thái để bảo tồn và phát huy vốn liếng di sản này.

Tại Quảng Nam, bài chòi gần như trở thành món ăn tinh thần trong các dịp hội lễ. Cùng với đó, nhiều địa phương đã tổ chức truyền dạy bài chòi trong nhà trường, với mong muốn các em nhỏ sẽ được tiếp cận và từng bước yêu thích di sản văn hóa truyền thống của quê nhà.

Mô hình gian trưng bày tại Phú Thọ của đoàn Quảng Nam. Ảnh: TTVH
Mô hình gian trưng bày tại Phú Thọ của đoàn Quảng Nam. Ảnh: TTVH

Khác với những di sản phi vật thể của miền Trung, bài chòi không phải tiếng thủ thỉ hay thì thầm của những tâm sự, không êm ái và mềm mại thiết tha như ví giặm xứ Nghệ, bài chòi mang đến không khí của một đời sống tinh thần sảng khoái từ những làn điệu cơ bản như nói vè, xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng... Những câu chuyện dân gian vừa thanh vừa tục được “giai điệu” hóa và biến tấu linh hoạt để gắn kết cùng những quân bài, tạo thành trò chơi dân gian thú vị.

Đại diện ban tổ chức cho biết, từ Bắc vào Nam, các di sản văn hóa đặc sắc của non nước Việt cứ hiện hữu với những mạch nguồn lan tỏa.

“Ở khúc ruột miền Trung, nơi tình đất tình người mặn nồng chan chứa, để được thẩm nhận, được tôn vinh từ miền di sản xứ Nghệ với dân ca ví giặm, từ nhã nhạc - thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến - cho đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được xuất hiện rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa tồn tại cùng chiều dài lịch sử. Thêm phần đa dạng cùng nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, với những bảo tồn hiệu quả từ Quảng Nam” - đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết.

Cuộc hội ngộ di sản văn hóa phi vật thể này lần nữa khẳng định việc tuân thủ thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong suốt 20 năm qua của Việt Nam.

Tại Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Rabat, Maroc vào cuối năm 2022, Việt Nam tham gia với tư cách thành viên của Ủy ban nhiệm kỳ 2022 - 2026, tiếp tục thể hiện vai trò năng động, trách nhiệm, đóng góp cho hợp tác chung trong bảo tồn các di sản của nhân loại.

UNESCO đánh giá cao những nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững từ chính những di sản sống này...

XUÂN HIỀN