Dạy, học, và sách
Bạn thời đại học bình luận trên trang facebook của tôi một câu vu vơ “có sách gì hay gửi mình đọc với”. Tôi nhắn tin riêng hỏi bạn muốn đọc thể loại nào, bạn đang cần sách gì... thì nhận được một câu trả lời thật khó: sách gì cũng được. Tôi thật sự không có cuốn “sách gì cũng được”, nếu có tôi cũng sẽ không gửi nó đi vì biết rằng nó hoàn toàn không chứa đựng một ý nghĩa nào cả.
Bạn tôi dạy văn ở trường phổ thông hơn 20 năm với lý luận nền tảng “dạy đại học như cậu hay làm biên tập như B. mới có cơ hội và cần đọc sách nhiều chớ bọn mình toàn đọc sách giáo khoa, sách tham khảo”.
Tôi tin bạn nói thật lòng nhưng vẫn kinh ngạc khi biết rằng, bạn không phải thuộc về số ít. Hằng năm, bạn vẫn là giáo viên dạy giỏi, học trò bạn vẫn đoạt giải rất cao trong các kỳ thi và thành tựu nghề dạy học của bạn thực sự không nhỏ. Chỉ có bản thân bạn ngại ngùng khi thú nhận rằng, dạy văn và đọc sách là hai việc rất ít liên quan nhau...
“Học văn dạy toán” có lẽ không còn là khái niệm biệt đãi sinh viên theo học chuyên ngành ngữ văn theo hình thức đào tạo ngày càng thực dụng của các trường đại học. Thưởng thức một môn học, một ngành học mà việc nghiên cứu, khám phá nó cũng đồng thời mang lại chức năng cảm thụ và giải trí cá nhân, chắc không có bộ môn nào hạnh phúc như môn văn.
Tôi thường làm quen với các bạn sinh viên buổi đầu bằng một bài test nhỏ đại loại như: kể tên những cuốn sách yêu thích của bạn/nói về cuốn sách mà bạn thích nhất/vì sao bạn chọn môn văn/hãy nói về tủ sách gia đình của bạn...
Những câu hỏi giản dị của tôi không phải bao giờ cũng được đón nhận một cách hào hứng. Hơn 20 năm giảng dạy, không khí giữa thầy - trò buổi ban đầu thường tác động không nhỏ đến thành công hay thất bại suốt cả một học phần giảng dạy.
Một sinh viên chưa từng đọc hết tác phẩm “Chí Phèo” trừ đoạn trích trong sách giáo khoa sẽ không đủ sức xử lý một bộ trung thiên tiểu thuyết, càng rất dễ ngao ngán với khái niệm trường thiên tiểu thuyết. Để khích lệ việc đọc trên nền tảng “sở học” từng cá nhân, tôi cho rằng đó là thử thách không nhỏ, cam go và không phải lúc nào cũng đạt thành tựu như mong đợi.
Trong thế giới phẳng và rất đầy như hiện nay, đọc sách đã được “làm mới” bằng nhiều hình thức: đọc nhanh, đọc ngắn, đọc đa phương tiện, sách nói, sách audio bên cạnh phương thức đọc truyền thống trên bản giấy.
Nhịp sống càng gấp, nhu cầu đọc nội dung ngắn càng lấn át vì nó rất dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, giúp người đọc biết thêm nhiều thông tin một cách nhanh chóng. Chúng ta rất khó cưỡng lại nội dung ngắn vì nó gây cho người đọc ảo giác về sự hiểu biết của mình và tưởng rằng nó thật rộng và ngày càng rời xa độ sâu.
Điểm mạnh cũng chính là điểm yếu của “đọc ngắn” là mặc dù có thể vẫn chứa đựng tính giáo dục và rất hữu ích nhưng nó không thể giúp chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc. Sinh viên của tôi đọc một bản tóm tắt tiểu thuyết vẫn có thể nắm được cơ bản tinh thần tác phẩm, song để thấu hiểu, đam mê, cảm xúc thì chắc chắn sẽ rất khó đạt được.
Tôi vẫn tin rằng, đọc sách giấy truyền thống không phải là con đường duy nhất nhưng nó cũng vẫn sẽ là một giá trị lâu bền. Một cuốn sách với lời chép tặng, ghi lại một thời điểm hay một kỷ niệm, một đoạn, một dòng, một giọng đọc hay sẽ trở thành dấu ấn, trở thành nguồn năng lượng tinh thần giúp con người sống sâu hơn, thấu cảm hơn.
Khuyến đọc không phải là một phong trào, không nên là một phong trào, khuyến đọc trong giáo dục càng phải được bồi dưỡng và thực hành thường xuyên. Tôi có thể vẫn chưa thành công hoàn toàn khi số lượng sinh viên muốn đọc ngày càng ít nhưng tôi vẫn tin rằng, không đồng hành với sách, bạn chỉ đơn thuần làm nghề thợ dạy.