Công nghệ số kích thích văn hóa đọc

LÊ QUÂN 23/04/2023 07:49

Thư viện số cộng đồng đầu tiên trên cả nước vừa có mặt tại TP.Tam Kỳ. Chưa kể, những chuyển biến tích cực từ các hoạt động nhỏ nhất để chuyển đổi số trở thành cơ hội cho niềm say mê đọc sách của nhiều người.

Mô hình Thư viện số cộng đồng TP.Tam Kỳ.
Mô hình Thư viện số cộng đồng TP.Tam Kỳ.

Thư viện số cộng đồng

Đúng Ngày sách Việt Nam (21/4) năm nay, TP.Tam Kỳ khai trương thư viện số cộng đồng đầu tiên trên cả nước tại Quảng trưởng 24/3.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, việc thành lập thư viện số cộng đồng nhằm tạo không gian giao lưu, đọc sách qua hình thức trực tuyến, vừa kết hợp đọc sách giấy và cũng là nơi trải nghiệm các hoạt động nhóm, giúp mọi người tiếp cận và làm quen với cách đọc sách mới, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động thư viện của thành phố.

Không gian này cũng sẽ trở thành nơi giao lưu tác giả tác phẩm, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng; tổ chức trao đổi sách, tặng sách từ những người yêu đọc sách.

Đầu tư phát triển văn hóa đọc cho học sinh

HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 21 ngày 19/4/2021 về hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện 52,7 tỷ đồng. Các hoạt động được hỗ trợ bao gồm kinh phí mua trang thiết bị phòng đọc, mua sách, tài liệu bổ sung cho các trường phổ thông; mua sắm trang thiết bị, tài liệu số và cải tạo phòng đọc thư viện điện tử cho 2 trường THPT chuyên. Cụ thể, hỗ trợ 512 trường (239 trường tiểu học, 220 THCS, 53 trường THPT) và 2 thư viện điện tử gần 16,5 tỷ đồng trang thiết bị phòng đọc, hơn 33 tỷ đồng bổ sung sách các cấp học, gần 3,2 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị, tài liệu số thư viện điện tử trường THPT.

“Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Tạo lập được văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen, nếp sống văn minh, đô thị kiểu mẫu thông minh. Đây cũng là địa điểm văn hóa, cung cấp thông tin và tri thức phục vụ đa dạng nhu cầu học tập, nghiên cứu, phát triển kỹ năng cho giới trẻ, giao lưu kinh tế, du lịch.

Không chỉ kích thích văn hóa đọc trong người dân, tại thư viện số cộng đồng, chúng tôi sẽ kết hợp phát triển chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác, ví dụ như mọi người có thể đến đăng ký VNeID, thực hiện chữ ký số, tổ chức hướng dẫn cài app định danh điện tử cho người dân...” - ông Bùi Ngọc Ảnh chia sẻ.

Thư viện số cộng đồng TP.Tam Kỳ được kết nối đến hệ thống thư viện quốc gia và quốc tế (mua bản quyền để khai thác, sử dụng), hệ thống sách đọc điện tử. Do vậy, người dân vào đây sẽ được tự do khai thác đa lĩnh vực như vui chơi, giải trí, nghiên cứu…

Người dân vào thư viện chỉ cần đăng ký sẽ dễ dàng tìm kiếm, tham khảo và đọc nhiều đầu sách tại đây. Thẻ ra vào sẽ được tích hợp trong hệ thống. Bên cạnh đó, tại đây vẫn tiếp tục duy trì cách đọc truyền thống với việc vận hành thư viện hiện có của Tam Kỳ cùng việc bổ sung hơn 1.000 đầu sách mới trên nhiều lĩnh vực. Thư viện sẽ vận hành, hoạt động liên tục từ ngày 21/4/2023, kể cả các ngày cuối tuần, ngày lễ, từ 7h đến 21h30 hằng ngày.

Tam Kỳ cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO. Để tiệm cận hơn với danh hiệu, địa phương này buộc phải xây dựng phong trào đọc sách mạnh mẽ, nhất là với trẻ em, thanh thiếu niên.

Ông Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, mục tiêu của các hoạt động xây dựng phong trào đọc sách là duy trì và phát triển văn hóa đọc, học tập suốt đời cũng như tính bền vững của thư viện vì cộng đồng và tạo nguồn động lực để học hỏi sáng tạo.

“Trong tương lai, thư viện số sẽ trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng; cung cấp trực tuyến nhiều sách, báo, truyện, tài liệu, sách nghiên cứu khoa học cho mọi người dân. Đồng thời cải thiện sự tiếp cận thông tin của người dân; tăng cường việc sử dụng dịch vụ thư viện, giải trí lành mạnh, nơi an toàn và là nơi tiếp cận thông tin chính thống, phục vụ việc học tập suốt đời” - ông Bùi Ngọc Ảnh nói.

Thư viện số cộng đồng là mô hình hoàn toàn mới so với các địa phương khác trên cả nước nên Tam Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành.

“Chúng tôi nhận tham vấn và hỗ trợ nhân sự từ các tổ chức có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số, thư viện số, thư viện điện tử để quản lý, vận hành thư viện số trong giai đoạn đầu khi đi vào hoạt động.

Cùng với đó, liên kết, hợp tác với các nhà xuất bản có thương hiệu để thường xuyên bổ sung nguồn sách phục vụ bạn đọc, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, truyền cảm hứng, để thư viện số cộng đồng là điểm đến của mọi người dân và du khách” - ông Ảnh chia sẻ.

Dữ liệu mở...

Xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia... là những yêu cầu đặt ra đối với chương trình chuyển đổi số ngành thư viện.

 

Đây là chương trình do Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập, bao gồm Thư viện Quốc gia, thư viện công cộng các tỉnh thành hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

Chương trình tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở. Cùng với đó, hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống định danh các thư viện, cơ quan thông tin và các dịch vụ cung ứng tại thư viện cũng như trên không gian mạng.

Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để cung cấp dịch vụ định danh cho người sử dụng; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến và phổ biến rộng rãi tới tất cả người dân. Đa dạng hóa dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện Quảng Nam cho biết, phần lớn các thư viện công cộng đã tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến, bao gồm giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa... để hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân. Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi.

Thư viện Quảng Nam đã số hóa nguồn tài liệu để dễ dàng phục vụ công dân thời đại số. Để bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh đã triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang facebook, website của thư viện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đầu tư khá đồng bộ.

 Những tiện ích từ chuyển đổi số sẽ khơi thông dòng chảy văn hóa đọc trong các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng ngày, việc đọc “sách số” sẽ dần như một thói quen.

LÊ QUÂN