Nong, bủa ngậm ngùi...

XUÂN HIỀN 14/04/2023 08:25

(VHQN) -  Những chiếc nan tre vừa đủ để xếp khối thành nông cụ. Là sịa, nong, nia, sàng, mủng rổ... Là công cụ sản xuất nhưng cũng chính đời sống tâm hồn. Một mảnh hồn quê giản dị và không kém phần thâm sâu...

Những chiếc bội mang lá dâu về nuôi tằm. Ảnh: Lê Trọng Khang
Những chiếc bội mang lá dâu về nuôi tằm. Ảnh: Lê Trọng Khang

Ngay khi nhìn thấy những nong tằm xếp dày theo lớp lang của những ngôi nhà nằm dọc theo triền làng Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên), tôi bất chợt nhớ đến bộ sử đặc biệt “Văn minh vật chất của người Việt” của Phan Cẩm Thượng.

Trong khuôn khổ những tường minh về hành trình người Việt với mong muốn dựng nên một bức tranh văn hóa Việt Nam, Phan Cẩm Thượng dành riêng hẳn một tập để nói về đồ vật, vật dụng có sự gắn bó mật thiết với người Việt.

“Các đồ vật của con người không im lặng. Biết lắng tai, sẽ nghe được tiếng nói phong phú, sinh động, sâu sắc của chúng. Chúng kể chuyện. Chúng kể trước hết về nơi con người sống...

Đồ vật Việt Nam kể cho ta lịch sử thiên nhiên Việt Nam, cũng nói về cái cách con người Việt Nam lấy từ thiên nhiên quanh mình để làm ra các vật dụng cho mình và cái cách họ làm ra các vật dụng ấy”.

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong lời giới thiệu, cho rằng các đồ vật ấy nói về văn hóa và cũng là kể lịch sử văn hóa của người Việt.

“Đồ vật còn thậm chí kể về cái dáng của con người Việt Nam, tầm vóc của họ, cái cách họ đứng ngồi, họ đi lại, họ làm lụng... Chính cái dáng ấy khiến họ làm ra đồ vật kiểu này chứ không phải kiểu khác” - nhà văn Nguyên Ngọc viết.

Những nong tằm triệu về chuyện trăm năm... Ảnh: Lê Trọng Khang
Những nong tằm triệu về chuyện trăm năm... Ảnh: Lê Trọng Khang

Có lẽ mỗi đồ vật gắn với đời sống, với lao động hằng ngày của con người đều như chứa một sự tích để tạo nên một thiên lịch sử bất tận về đời sống của người Việt. Nhà nghiên cứu Trần Văn An trong mạch chuyện cùng người viết về nghề nông của xứ Quảng, cho rằng, kiểm đếm lại các nông cụ, thì chủ yếu nguyên liệu làm nên nó đều từ tre.

Cũng dễ hiểu thôi, khi lũy tre đầu làng cuối ngõ chính là chỉ dấu của đất quê nhà. Con người sống dựa vào tự nhiên, xin, cho, vay, mượn của tự nhiên để dùng cho mình. Trong cuộc sinh tồn, thì thế giới vật chất của người Việt biểu hiện cho bản năng và sự sáng tạo vô cùng của họ.

Để nhớ rằng từ hơn mấy trăm năm trước, ngay trước khi danh xưng Quảng Nam ra đời, những nghề nghiệp nông tang trên con đất này đã xuất hiện. Theo bước chân mở cõi về phương nam, người Việt cùng nền văn minh sông nước dựng nên những làng nghề ở đất Quảng.

Những câu chuyện về lai lịch của mấy chục làng nghề trăm năm đã định danh cho Quảng Nam là một vùng đất giàu có về văn hóa. Trong hành trình vàng son của những làng nghề Quảng, dĩ nhiên, phải có những công cụ, tư liệu sản xuất để làm nên “đặc sản” của vùng đất mở.

Ông Trần Văn An nói, nếu kiểm đếm số nông cụ người xưa dùng làm nghề đến nay thì con số phải đến hàng chục. Từ sịa, rổ, mủng, nong, nia cho tới từng vật dụng gắn với câu chuyện trồng trọt thu hoạch như bội, lờ... Mỗi thứ như kể câu chuyện của người nông dân xứ Quảng, trong đó có những thứ gần như trở thành hoài niệm về vùng đất châu thổ.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Duy Xuyên), sau rất nhiều năm chỉ ươm tơ, kéo sợi thì năm ngoái, dựng sịa và nuôi tằm thương phẩm, từ những đồng dâu của HTX Duy Trinh giao lại.

Thay những chiếc sịa đã đôi chỗ gãy nan bằng những nong lớn được triệu về từ nhiều gia đình trong làng, suốt 20 ngày, ông Tuấn “ăn cơm đứng” bên nong tằm. Mẻ tằm chín được bắc lên bủa và làm kén trong sự mong chờ của người làng nghề.

Nhắc sịa, nong, bủa như chạm vào những gì thân thuộc nhất của người đàn ông đã mấy đời nuôi tằm ở xứ này. Cho dù nghề trồng dâu nuôi tằm bao bận thăng trầm, nhưng ông Tuấn chưa bao giờ làm gì khác ngoài ươm tơ.

Miễn là chỉ còn cái tên gọi, cũng chỉ làm một công đoạn rất nhỏ trong cả chuỗi quá trình làm nên tên gọi lụa, nhưng những người ở Lệ Bắc, Chiêm Sơn, ở quê hương của Bà Chúa Tàm Tang này vẫn cố để đời mình gắn cùng dâu tằm.

Ông Tuấn nói số nong và sịa đang có ở nhà mình là gom góp của nhiều gia đình lại. Họ muốn duy trì nghề như ông nhưng không đủ kiên nhẫn. Chỉ mình người đàn ông này, trên biền dâu xanh của HTX cũ, ôm bội cùng vợ hái lá dâu.

Vì tiếc. Gần mấy héc ta dâu trong dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, cũng từng là kỳ vọng trong ấp ủ về một dòng sông tơ lụa, vì những lý do chẳng đặng đừng, đã thưa dần mức quan tâm.

Tôi cứ mơ hồ về những người nông dân trên đồng dâu của bãi biền sông Thu. Họ đã từng không đơn độc bởi những cuộc bắt tay với doanh nghiệp, chính quyền cùng tạo nên liên kết hỗ trợ.

Tuy nhiên, những hoạch định không sát thực tế đã khiến giấc mơ về một “thủ phủ” tơ lụa trong tương lai, đầu tiên từ chính người trồng dâu nuôi tằm phải khựng lại. Con tằm vẫn long đong phận mình trong hành trình đau đớn nhưng quý báu nhất!

Và những nong, những bủa cũng đành ngậm ngùi....

XUÂN HIỀN