Mang chút quê ra phố
(VHQN) - “Đồ tre, với tôi, không những thân thiện môi trường mà còn gợi lại những ký ức tuổi thơ.
Hồi lớp 7, ông tôi đan cho riêng tôi đôi mủng quảy. Đôi mủng vô cùng chắc chắn và tỉ mỉ nên dùng được lâu lắm. Sau này, khi ông tôi mất, mỗi lần nhắc tới ông, trong tôi như vẫn còn in đậm hình ảnh dân dã và thiết thực đó” - bạn tôi kể “xuất xứ” những món đồ tre xuất hiện trong ngôi nhà ở phố của bạn, từ đũa ăn cơm, rổ đựng rau, cái rế đến lồng bàn, bộ bàn ghế tre… Tôi có cảm giác như bạn mang cả đồ dùng dung dị ở miền quê yên bình đến phố thị vậy.
Mà thực ra, ở phố bây chừ, người ta bán đồ dùng bằng tre có khi nhiều hơn ở quê. Tiệm đồ tre bên hông chợ Vườn Lài (Tam Kỳ) bán đủ thứ, có cả cả nơm đơm cá, nôi tre. Khi tôi ngạc nhiên: “Thời chừ cũng có người mua nôi tre hở anh?”, anh chủ tiệm cho biết: “Mua nhiều lắm chớ. Nhiều người thích dùng đồ tre mà” và anh nói thêm, phần lớn mấy cái giần sàng, mẹt, trẹt, hay những món đồ tre trang trí nho nhỏ nhìn đẹp đẹp này, anh lấy hàng từ các tỉnh phía Bắc. Quảng Nam quê mình có làng đan lát Tam Vinh (Phú Ninh) nổi tiếng nhưng chủ yếu làm những đồ đơn giản, hơi thô nhưng bền, như rế, rổ, nia… mà thôi.
Dùng đồ tre, không chỉ thân thiện với môi trường, mà là gợi lại ký ức tuổi thơ, như lời bạn tôi. Tôi thật biết ơn mấy tiệm đồ tre ở chợ phố, để có chỗ cho tôi thi thoảng lượn lờ, tìm mua những món đồ mới mới, là lạ, để bổ sung “bộ sưu tập” đồ tre của mình, khi thì chiếc rổ, cái trẹt, khi thì đôi mủng đồ chơi.
Ký ức ấu thơ gánh đôi mủng nhỏ chơi bán đồ hàng cùng bạn bè trong xóm nghèo ùa về. Hình ảnh dì tôi bưng mủng giê lúa, mẹ tôi gánh đôi thúng bắp oằn vai, những nong tằm nuôi anh em tôi ăn học, mẹ tôi bày rổ sảo rau củ bán giữa chợ quê…, tất cả theo về trong những món đồ tre tôi mua.
Còn mẹ tôi, khi thấy tôi bày đồ tre trong nhà thì nói: “Chu, khéo ghê, ở thành phố mà cũng có mấy thứ đồ bằng tre y như ở quê mình con hỉ”. Mẹ đâu biết rằng, nhìn những món đồ tre trong nhà, là tôi cảm thấy như gặp được hình bóng tần tảo yêu thương của mẹ, của dì thuở nào... Và nhớ dáng hình cha tôi cặm cụi chẻ nan đan rổ, đan giần sàng… Tôi nhớ cả ngôi làng rợp bóng tre xanh thân thuộc, hiền lành luôn đem lại cho tôi cảm giác yên bình.
Với nhiều gia đình ở phố, đồ tre, khi cần thì chính là đồ dùng; khi chưa dùng đến, lại trở thành vật trang trí. Những chiếc mẹt, rổ, rế, mủng… bài trí trên tường nhà, trông như tác phẩm nghệ thuật. Món ăn bày ra trong những vật dụng bằng tre, nhìn cũng bắt mắt hơn.
Rau sống đựng trong rổ tre, bún đựng trong mẹt hoặc rổ có lót lớp lá chuối, vừa dân dã vừa… duyên dáng. Cũng có những thứ chỉ có thể dùng đồ tre chứ không thể thay thế bằng đồ nhựa. Như mẹ tôi mỗi lần rang đậu phụng, thế nào cũng chuẩn bị sẵn chiếc rổ tre để sau khi rang xong, đổ đậu ra, sảy sàng, chà vỏ lụa. Rau luộc vớt từ nồi ra nghi ngút hơi, cũng đựng trong rổ tre, chứ không dùng rổ nhựa, dù đồ nhựa tiện dụng hơn nhiều.
Nhớ có lần đang chạy xe trên đường, gặp một cụ ông dắt xe đạp, sau yên xe lỉnh kỉnh giần sàng thúng mủng, cả chiếc thang dài ngoằng bằng tre kẹp bên hông xe. Tôi mừng như thấy quê mình ở phố, vội dừng xe hỏi mua mấy món đồ và tranh thủ trò chuyện.
Ông kể, ông ở vùng ven Tam Kỳ, sẵn tre trong vườn nhà, ông làm cho vui, chủ yếu lấy công làm lời, khi đan hơn một ngày mới được chiếc trẹt, bán có mấy chục nghìn đồng. Thấy tôi có vẻ tiếc khi mấy chiếc trẹt, rổ, ông “nức vành” bằng dây nhựa, chứ không phải bằng dây mây như thường thấy, ông vội nói: “Chừ dễ chi tìm ra mây để nức vành nữa con!”.
Những người từ quê ra phố cư ngụ như tôi, sắm mấy món đồ tre trong nhà, coi như đem theo một phần quê kiểng ra nơi phố phường. Mà tôi vẫn thích đồ tre đan thô, chưa qua xử lý, vẫn còn ngai ngái mùi tre thơm ngọt, để còn đó vấn vương hương quê tảo tần. Đó cũng là cách tôi cảm thấy bớt xa cách quê nhà. Tin rằng, những đồ vật làm bằng tre thân thuộc cũng hiểu được lòng kẻ muốn mang quê ra phố, như tôi.