Làng xưa ven phố Tam Kỳ
(VHQN) - Về thăm TP.Tam Kỳ hiện nay, du khách sẽ gặp điều đặc biệt: nguyên vẹn nhiều làng xóm xưa vẫn còn nằm sát phố thị. Trong tịch lặng của phố vẫn nghe văng vẳng tiếng gà gáy cuối đêm, vẫn nghe tiếng gõ dập dồn của những thuyền lưới rê đánh cá trên sông…
Có người ví von Tam Kỳ là thành phố của những nhánh sông và dòng suối; điều ấy đúng, bởi từ xưa sông Tam Kỳ, sông Trường Giang (Phước Yên), sông Bàn Thạch (Phước Xuyên) từng được sử sách ghi tên và các dòng Suối Đá (Thạch Tuyền), Suối Ngã Ba chảy qua các phường An Sơn, Phước Hòa, Hòa Thuận, Tân Thạnh của nội thành từng được ghi rõ ràng trong các sổ bộ ruộng đất.
Chín phường và ba xã của TP.Tam Kỳ hiện nay là sự thay đổi địa giới và địa danh từ 27 làng xã xưa thuộc các tổng Chiên Đàn và Phú Quý thuộc huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20.
Khi Tam Kỳ dần lên phố từ thời Pháp thuộc và mở rộng dần đến đầu thế kỷ 21, phần lớn địa bàn các làng Tam Kỳ, Tứ Bàn, Trường Xuân, Ngọc Thọ, Đông Yên, Mỹ Thạch, Đoan Trai, Phương Hòa, xưa đã thành những khu phố trung tâm. Nhưng, do độ bao phủ các phố xá chưa đều nên xen kẽ giữa phố đã có tên đường vẫn còn những xóm ấp với lũy tre đặc trưng hiện diện.
Phía nam trung tâm thành phố là phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc. Xưa, đây là hai vùng trồng thuốc lá nổi tiếng - từng “chết tên” với thương hiệu thuốc lá Trường Xuân. Nay, những vườn thuốc lá được chuyển sang trồng lài, đậu phụng. Giữa những mảnh vườn xanh mướt đầu xuân, ánh lên sắc màu của những nhà vườn chuyên trồng hoa.
Giữa phường Trường Xuân, cạnh con kênh xanh xanh là đồi Cây Cốc rất đẹp với hai cây cốc cổ thụ lớn nhất vùng; trên đồi này có khu di tích mộ vị tiền hiền làng Trường Xuân và mộ hai võ tướng thời Tây Sơn là các ông Lê Văn Thủ và Lê Văn Long.
Phía tây nam là khối phố Mỹ Thạch Tây và khối phố Trà Cai thuộc phường Hòa Thuận. Xưa, đây là đất của hai làng Mỹ Thạch và Đông Yên giáp với làng Phương Hòa. Ở Mỹ Thạch Tây, từ đường xe lửa nhìn lên, thấy nhiều vườn cau xanh mướt nối tiếp nhau. Dưới nắng chiều, bóng cau phủ rợp mặt lúa tạo nên một quang cảnh rất riêng ít nơi nào có được.
Tên Trà Cai gắn liền với tên Đá Dựng - một bãi đá thiên nhiên kỳ thú gần đó. Quanh bãi đá ấy, xưa là một vùng trồng thơm (dứa) nổi tiếng. Từng có nông trường Chiên Đàn trồng thơm bao gồm cả vùng Trà Cai được lập từ sau ngày đất nước thống nhất. Nay, trong vườn nhà Trà Cai vẫn còn thấy bóng dáng các lùm thơm sum sê gợi nhớ một thời sản phẩm “trái thơm Chiên Đàn” nổi tiếng khắp cả tỉnh.
Đến giữa phường Hòa Thuận - nơi có xứ đất Bà Môn nằm ở trung tâm làng Phương Hòa xưa - du khách sẽ gặp nhiều ngôi cổ miếu bao bọc chung quanh đình Phương Hòa.
Đình này hiện lưu tấm hoành phi “Thượng đẳng thần” được khắc theo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 7 (1836) ban cho Thành hoàng làng Phương Hòa thần hiệu “Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Thượng đẳng thần”. Phương Hòa có nghề làm bún nổi tiếng; sáng sớm, từ trong các ngõ tre um tùm khắp xóm, các thúng bún to cột sau xe đạp được phụ nữ trong làng chở đi khắp thành phố.
Cạnh các con đường lớn ở phía bắc thành phố thuộc khu vực làng Mỹ Thạch xưa (nay là phường Tân Thạnh) có ngôi miếu thờ tên Bà Lai La. Bà Lai La là tên một xứ đất nằm giữa hai làng Mỹ Thạch và Đoan Trai. Chưa rõ miếu thờ nữ thần Chăm hay thờ vị “Tứ đại thánh nương” theo tín ngưỡng ven biển của người Việt? Chỉ biết, theo truyền khẩu, ngôi miếu này rất linh ứng.
Một địa điểm ở khu vực này cũng được cho là “linh ứng” đó là đình làng Mỹ Thạch nằm sát bờ sông Bàn Thạch. Đình này còn lưu đôi câu đối nói lên phong khí của làng: “Mỹ tự hương yên phong nhã vận/ Thạch đình phụng sự vĩnh tôn mưu” (Hương khói thơm danh làng phong nhã/ Vững vàng đình miếu giữ tôn nghiêm).
Đối diện đình Mỹ Thạch, ở bờ đông và đông bắc sông Bàn Thạch là khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh. Xưa, đây là một xóm ấp biệt lập có tên Đoan Trai. Thời Nguyễn, ấp này lệ vào xã An Thái của huyện Thăng Bình bởi đất này được khai phá đầu tiên từ người dân xã An Thái ở phía bắc. Họ theo sông vào đây trồng dừa nước, đánh cá rồi khai phá đất hoang ven bờ, lập địa bộ.
Đến Đoan Trai, ngoài dấu tích các khu dừa nước ven sông còn có các chươm (lùm cây đặt giữa sông cho cá núp) hàng năm thu hoạch khá nhiều cá. Cuối làng Đoan Trai có cánh đồng Nhong. Đêm đêm, ánh đèn soi cá lẫn tiếng gõ mạn thuyền tạo nên thứ ánh sáng và thanh âm xưa cũ gợi nhớ một thuở yên ắng lúc “làng chưa lên phố”.
Xuôi theo dòng Bàn Thạch về phía đông, đến ngã ba sông Tam Kỳ là đến cuối ấp Hương Trà. Đây là chỗ dừng chân của cư dân miền ven biển Thanh Hóa vào vùng Tam Kỳ lập nghiệp hồi đầu thế kỷ 17.
Song song với nhánh sông Tam Kỳ hướng về phía tây nam là dấu vết một nhánh sông cổ - nay đã trở thành cánh đồng nằm giữa các khối phố Hương Trà Đông, Hương Trà Tây và khối phố Hương Sơn của phường Hòa Hương. Cồn đất sa bồi Hương Trà xưa trồng rất nhiều sưa và cây cừa để giữ đất khỏi lở trôi mỗi mùa lũ lụt.
Đường sưa và Vườn Cừa của Hương Trà đã nổi tiếng lắm rồi; nhưng ở vùng này, ngoài đình Hương Trà, mộ Giày thầy Lánh nhiều người biết, có một tục lệ ít ai biết. Đó là khi đốn hạ một cây sưa, một gốc cừa, nhất thiết phải trồng lại một nhánh sưa, một khóm rễ cừa gọi là “hoàn cội”. Lệ tục này gắn liền với việc trị thủy của dân ấp Hương Trà từ bao đời mà chuyện kể về “con đường đắp” ngăn sông Tam Kỳ là một minh chứng.