Thúng mủng giần sàng, những hồi ức rời
(VHQN) - Cái gì liên quan đến tre đều thân thiết với người Việt và luôn lôi cuốn tôi. Những câu chuyện liên quan đến cây tre và các sản vật từ nó vẫn còn là một đề tài gợi ra những suy nghĩ về môi trường và đời sống con người đang đứng giữa lằn ranh của hiện đại và truyền thống…
Chuyện tre với làng
Hồi khởi công xây dựng hồ chứa nước Đông Tiển ở Thăng Bình, tôi lang thang vào mấy xóm thôn mà nay mai sẽ chìm dưới lòng hồ. Có một căn nhà tôn chỉ rộng khoảng 30 mét vuông.
Cái giếng nước xây bằng đá. Khoảng chục con gà chạy tìm mồi ngoài sân, sau hè, dưới mấy gốc mít đầy trái bu sát gốc. Cái rổ sảo đựng khoai lang mới đào về, đặt bên cạnh cái nia đã cũ. Tôi vào bếp, ấn tượng đầu tiên là mấy cái rổ, cái sàng treo trên giàn bếp… đã lên nước nâu bóng, vài cái rế bằng tre...
“Giờ người ta dùng toàn đồ nhựa, tìm đâu ra của quý này?”, tôi hỏi anh chủ nhà và nhận được câu trả lời: “Ồ, gia tài của tui đó! Mai mốt đi tái định cư tui cũng mang theo thôi!”. Thời buổi mà người ta tính gia tài là nhà, xe hay con cái thành đạt, thì gia tài của anh nông dân Đông Tiển chỉ có vậy!
Rồi cả cái làng An Thanh (ghép từ hai thôn An Tự và Thanh Tú, thuộc thị xã Điện Bàn) ngày xưa toàn nghề chẻ tre đan cót. Người già trong làng từng ngồi tính với tôi, mỗi năm dân ở đây đan hơn triệu mét cót, chưa kể các loại giỏ làm hàng theo mùa vụ nông nghiệp. Cuốn tấm cót lại rồi vác đi bộ xuống phố Hội bán cho các ghe hàng xuất dương hay nhà kho trữ hàng. Vác ra Đà Nẵng, tuy hơi xa nhưng giá cao hơn.
Sau này khi có xe đò đi Đà Nẵng hay Hội An, thì người dân An Thanh đỡ cực nhọc hơn. Làng nghề đan cót nổi tiếng vậy nay cũng không thể vực dậy, vì nguyên liệu chính là cây tre đã bị phá bỏ ở các làng “nông thôn mới” và làn sóng đô thị hóa. Làng nghề mai một và hình ảnh tinh hoa của làng nghề cũng không còn!
Năm lên bảy tuổi đã đi theo chị tôi lên làng La Thọ, nay thuộc xã Điện Hòa (Điện Bàn) trồng thuốc lá. Sau đó thì theo cha mẹ lên Tứ Sơn hay vào Phú Chiêm, Cầu Mống phụ việc.
Làng tôi dân đông đất ít nên đi thuê đất khắp nơi. Chừng ấy tuổi, tôi chuyên cầm rổ. Tức cầm một đoạn tre, cột vào đó cái rổ, đưa ra trước miệng gàu khi người lớn đổ nước tưới cho cây thuốc còn nhỏ hoặc lúc khác, khi rà thuốc kỳ 2 gọi là rà phụ, thì cầm theo bó tăm tre, mỗi cây tăm ghim vào mỗi cây thuốc để phân bón và đất không đè vào đọt…
Trong chu kỳ của cây thuốc lá làng tôi, cây tre đã xuất hiện ngay từ đầu vụ, cùng với các loại gàu đan bằng tre và trét dầu rái. Đến mùa thu hoạch, cây tre lại theo, lại dìu dắt từng lá thuốc cho đến khi sản phẩm khô ráo, hoàn tất.
Để tôi kể bạn nghe: Bẻ thuốc thì cần cái giỏ bội lớn để chở về nhà. Trước đó, nhà nông phải đi lựa, đi mua tre về chẻ ra từng sợi “lòi” để xâu thuốc, chẻ lạt cột vào hai đầu lòi để treo thuốc. Hai sợi lạt ở đầu mỗi xâu thuốc sẽ cột vào những cây tre nhỏ và thẳng, gọi là cây sào… Khi thuốc lá đã khô, các thanh tre sẽ làm nẹp cứng bó thành những bó thuốc hoàn chỉnh…
Ông cụ tôi là một nông dân nhưng ưa tổng kết các hiện tượng: “Mấy đứa bay ngó đó mà suy ra lẽ đời, trong suốt chu kỳ sinh trưởng, cây thuốc lá đều dựa vào cây tre. Con người mình cũng vậy, từ cái nôi, cái chõng, cái nhà, thúng, mủng, giần, sàng cũng từ tre; đến cái áo quan cũng cần đến sợi lạt bằng tre cật nữa nghe! À mà tao quên, hồi quy tập mồ mả sau 1975, cái quách bằng tre cũng bán chạy làm đó!”… Nói đến đó, ông cụ tôi cười sảng khoái lắm!
Chuyện sinh tồn của tre
Tôi về quê làm nhà năm 2009. Làm xong cái nhà gạch thì đi tìm thợ tre, thuê đóng hai bộ bàn ghế và chiếc giường ngủ bằng tre ngâm, đánh lên một lớp dầu rái. Bạn bè khắp nơi về, kể cả nam bắc và nước ngoài đều được đón tiếp, ăn ngủ trên các đồ dùng bằng tre ấy. Lại ra chợ mua mấy cái rổ, rá về rửa rau, làm cá thịt như cảnh sinh hoạt những năm 1960 ở quê tôi.
Mấy ông bạn ở Mỹ thích thú vô cùng, còn mấy ông khách từ Hà Nội không ngủ được giường tre nên ra nằm võng. Ông bạn kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và nhà nghiên cứu di sản Trương Quốc Bình nói đùa: Đây cũng là một di sản!
Tôi ngồi với các anh ở nhà tôi tại Thanh Quýt và tỏ ra khoe các hiểu biết của mình: Thưa các anh, thế giới hiện nay có trên hai tỷ rưỡi người sống dựa vào cây tre, sản vật từ tre hiện nay đã đạt mức giao dịch thương mại trên mức 5 tỷ đô la Mỹ. Riêng nước Mỹ có hàng chục cơ quan nghiên cứu, vườn thực vật về tre và quy tụ cả chục nghìn hội viên. Họ cũng đang tiến tới hoàn tất bộ luật xây dựng từ vật liệu tre.
Ở Thái Lan, cây tre hiện là một sản phẩm du lịch với sự bảo trợ của Hoàng Gia. Nhật Bản và Trung Hoa thì tự hào “Có một nền văn hóa tre” ở nước họ với những lễ hội truyền thống được phục dựng từ hình ảnh cây tre và cả trong sản xuất. Còn xin hỏi các anh, ở ta có gì?
Chiếc lồng đèn Hội An mà không có khung tre thì thế nào? Con sông Vĩnh Điện, Trường Giang, Tứ Câu rợp bóng tre hai bên bờ ấy có cần xây kè đâu, từ thời ông cha ta? Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc chống xói lở ở Triêm Tây vẫn bằng cây tre đó thôi, mà chưa thấy các nhà nghiên cứu tổng kết?
Chúng ta có xây dựng được một nền văn hóa tre Việt Nam không, khi mà các làng xây dựng nông thôn mới bây giờ đã chặt phá hết tre? Trong khi các resort ở Hội An, Hòa Phú, Lăng Cô, Điện Ngọc đang ồ ạt thuê các nhà làm vật dụng tre về xây dựng cả chỗ nghỉ và cảnh quan?
Mừng thay, sau gần 15 năm các bộ bàn ghế và giường ngủ bằng tre ở nhà tôi vẫn nguyên vẹn. Mừng hơn nữa là khu du lịch Triêm Tây ngày nay vẫn rợp bóng tre và hai người bạn tôi là kiến trúc sư trẻ Võ Hoàng và nhà thầu Tre Trúc Nhân Hòa vẫn làm không hết việc ở các dự án du lịch!
Ôi cây tre Việt Nam, đâu chỉ đánh giặc, đâu chỉ dựng nêu, đâu chỉ là thúng mủng giần sàng... trong hồi ức!