Tín ngưỡng thờ Thần Nông trong du lịch nông nghiệp

HÀ XUYÊN KHÊ 08/04/2023 07:53

(VHQN) - Hội An là vùng đất có tín ngưỡng thờ Thần Nông với những “câu chuyện văn hóa” liên quan đến tín ngưỡng cổ sơ và cũng có đủ không gian, tri thức bản địa cùng những điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp.

Đời sống và tín ngưỡng ở nông thôn luôn có câu chuyện thú vị để khai thác du lịch. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM
Đời sống và tín ngưỡng ở nông thôn luôn có câu chuyện thú vị để khai thác du lịch. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM

Thờ Thần Nông - tín ngưỡng văn hóa cổ sơ

Viêm Đế Thần Nông là vị vua thời thượng cổ được cả người Việt và người Trung Hoa nhận là Tổ của mình. Trước đây, người Việt chỉ lưu giữ ký ức về Thần Nông trong dòng văn hóa dân gian, sau đó mới được ghi thành văn vào thời nhà Trần trong sách “Lĩnh Nam chích quái” như sau: “Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người”.

Trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa thì Viêm Đế Thần Nông đều được xem là vị thần cai quản nông nghiệp, có vai trò mở mang hiểu biết về các cây thuốc, dạy dân làm đồ gốm, chỉ dạy các phương thức sinh sống cho người dân…

 
Lễ cúng Thần Nông ở phường Cẩm Nam. Ảnh: Q.Tuấn 

Vì vậy, thờ cúng Thần Nông là tín ngưỡng lâu đời, là nét văn hóa đặc sắc của cư dân trồng lúa nước. Tín ngưỡng này được thể hiện bằng nhiều nghi lễ khác nhau ở mỗi dân tộc, vùng miền như: lễ cầu mùa, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới, tịch điền...

Các nghi thức này được thực hiện ở đền thờ hay miếu Thần Nông, những nơi không có miếu đền riêng thì Thần Nông được thờ cúng chung ở đình làng. Các vương triều phong kiến trước đây rất coi trọng việc cúng Thần Nông, đặc biệt là triều Nguyễn.

Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, thì đến năm 1806 đã cho xây đàn Nam Giao ở phía nam kinh thành Huế để tế trời 3 năm một lần và lập đàn Xã Tắc gần hoàng thành để cúng Thần Nông mỗi năm 2 lần vào tháng 2 và tháng 8. Nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn giữ gìn tục thờ cúng Thần Nông và các phong tục cổ liên quan tới Thần Nông.

Ở TP.Hội An dù đã hình thành thương cảng, phố thị từ lâu nhưng nông nghiệp vẫn là một trong những nghề nghiệp chính của cư dân ở đây. Bởi vậy Thần Nông vẫn là vị thần được coi trọng, tục lệ cúng Thần Nông vẫn được duy trì tại nhiều nơi, nhiều thời điểm trong năm. Trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn một số ngôi miếu hoặc đàn/ nền Thần Nông nằm rải rác như miếu Thần Nông (số 76 đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô), nền Thần Nông (Hòn Gieo, xã Tân Hiệp), đàn Thần Nông (thôn 5, Cẩm Thanh)... lễ cúng Thần Nông vẫn còn duy trì nhưng không còn được tổ chức quy mô, bài bản như trước kia.

Lễ cúng Thần Nông thường được tổ chức vào đầu xuân năm mới (lễ cầu bông gắn với lễ cầu an, cúng đất); tiết Thanh minh hoặc tháng Ba âm lịch sau khi thu hoạch vụ đông xuân (lễ cúng cơm mới).

Ở Cẩm Nam, người dân thường tổ chức lễ nghinh tổ Thần Nông trong ngày hội bắp nếp diễn ra vào 16 tháng Giêng. Còn ở xã Tân Hiệp, lễ cúng Thần Nông được tổ chức tại nền Thần Nông - Hòn Gieo sau khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên hàng năm. Ở Cẩm Phô, Cẩm Châu thì lễ cúng cơm mới, cúng tạ Thần Nông diễn ra sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 3 âm lịch...

Lễ vật cúng ngoài đồ thổ thần (lễ vật cần có khi cúng Thần Nông) thì chủ yếu là các loại bánh trái nông sản, đặc biệt là phải có nhiều chén cơm in rắc muối đậu hoặc mè và một số cúng phẩm khác. Lễ lớn thì có cả đầu heo, con gà giò (gà trống mới lớn) luộc chín và đĩa xôi màu hồng.

Nghi thức cúng tế được tiến hành theo trình tự giống như việc cúng tế tại đình, nhưng có một bài văn tế với nội dung cầu cúng riêng, mong các vị thần chứng nhận cho tấm lòng thành cùng với ước mong về vụ mùa nặng hạt, trĩu bông.

Sau phần lễ nghi là các hoạt động vui chơi như: rước đoàn/gánh hát bộ về biểu diễn, thi đấu cờ người, đá gà, chơi bài tới, bài chòi, đổ xăm hường hay các trò nhảy bao bố, kéo co, múa thiên cẩu, múa lân sư... tạo thành một lễ hội mùa xuân hết sức sôi động, phong phú của nhiều cộng đồng, dân cư làng - xã ở Hội An.

Câu chuyện tín ngưỡng trong du lịch nông nghiệp

Top 5 trải nghiệm của du khách quốc tế khi đến Hội An do các website, app du lịch bình chọn gần đây có 3 trải nghiệm đến từ du lịch nông nghiệp được du khách quốc tế đánh giá là “rất tuyệt vời và giàu năng lượng”: bơi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu, cưỡi trâu và làm nông dân trồng rau ở Trà Quế.

Vùng sông nước ven đô Hội An. ảnh: L.T.K
Vùng sông nước ven đô Hội An. Ảnh: L.T.K

Nhiều du khách khi được phỏng vấn đã bày tỏ sự hài lòng, thích thú với những trải nghiệm này, thậm chí còn khẳng định đây chính là điểm nhấn trong chuyến du lịch Việt Nam của gia đình mình.

Một chuyến đạp xe đạp thong dong đi thăm thú làng quê giữa cánh đồng lúa yên bình; một chuyến chèo thuyền thúng quanh rừng dừa Bảy Mẫu; một lần cưỡi trâu dưới con đường đất rợp bóng mát; một lần khoác lên mình bộ quần áo nông dân, dép lê, nón lá gánh nước trồng rau… luôn có sự quyến rũ kỳ lạ với du khách khi ghé đến Hội An. Đặc biệt, việc đưa con trâu vào khai thác du lịch là một thông điệp gần gũi nhất từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam đến với quốc tế mà Hội An đã làm khá thành công.

Điều đó cho thấy, phát triển du lịch nông nghiệp đã, đang và sẽ trở thành loại hình du lịch của tương lai, là không gian rộng mở với nhiều tiềm năng để các nhà khởi nghiệp sáng tạo hình thành sản phẩm riêng của mình. Mà để làm tốt điều này thì tính địa phương - một đặc tính cơ bản tạo giá trị khác biệt cho sản phẩm du lịch là điều không thể thiếu.

Gắn phát triển du lịch nông thôn vào nền tảng không gian sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn không chỉ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch mà đồng thời còn bảo tồn và phát huy được không gian, tri thức bản địa, giữ được bản sắc vốn có và không làm phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống…

Chúng tôi gợi mở vài ý tưởng về bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ Thần Nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở Hội An như: phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với truyền thuyết về Thần Nông như lễ tịch điền, lễ cầu mùa, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới...

Theo tín ngưỡng dân gian xưa, miếu thờ Thần Nông chỉ là một nền đất ở ngoài trời nằm gần sát cánh đồng làng, không có tường hay mái che, xung quanh được bao bọc móng gạch để giữ đất và tạo cho nền cao ráo (hiện ở Hòn Gieo xã Tân Hiệp vẫn còn nền thờ Thần Nông), đến ngày cúng dân làng mới lập đàn, thiết lập bàn thờ, trang hoàng cờ lễ... Do đó, việc phục dựng lễ hội Thần Nông quy mô lớn cũng khá thuận lợi, chỉ cần chọn địa điểm và không gian phù hợp.

Trong không gian lễ hội có thể kết hợp tổ chức lễ hội nông sản địa phương và lễ hội ẩm thực cùng những trải nghiệm làm nông thú vị cho du khách như: xuống đồng, cày cấy, cưỡi trâu, trồng rau, hái bắp, chế biến món ăn... Quy mô của lễ hội theo đó cũng có thể phát triển dần từ cấp phường, xã nhỏ lẻ như hiện nay lên cấp thành phố.

HÀ XUYÊN KHÊ