Bất cập quản lý di tích lịch sử
(QNO) - Quảng Nam đã phân cấp quản lý di tích lịch sử về cho các địa phương nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích tốt nhất nhưng nghịch lý là không ít di tích xuống cấp, bị lãng quên.
Chưa quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Văn Hiện (cháu nội ông Nguyễn Y Kế, thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, Núi Thành) buồn bã khi nhìn thấy Nhà lưu niệm Nguyễn Y Kế rơi vào cảnh tiêu điều. Khu hoa viên với các tiểu cảnh, cây xanh vì thiếu nước tưới, không chăm sóc nên héo úa và cỏ hoang mọc um tùm. Khu vực phía trước nhà lưu niệm này bị một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi…
Để di tích không bị rơi vào cảnh hoang tàn, gia đình ông Nguyễn Văn Hiện phải tự làm tất cả phần việc như cắt cỏ, chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh và lắp thêm đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng.
“Chính quyền chỉ bàn giao cho chiếc chìa khóa để khi có đoàn đến tham quan, viếng hương thì tôi mở cửa chứ không bàn giao toàn bộ di tích cho gia đình quản lý. Nguồn điện bị cắt nên không mở đèn thắp sáng được. Tôi nhiều lần đề nghị chính quyền phải chăm nom di tích để trở thành nơi giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống của địa phương nhưng mấy năm nay vẫn vậy” – ông Hiện nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Hiện kiến nghị:
Một cán bộ UBND xã Tam Hiệp cho biết, Nhà lưu niệm Nguyễn Y Kế là di tích di tích lịch sử cấp tỉnh nên thuộc quyền quản lý của xã. Tuy nhiên, do ngân sách dành cho công tác bảo tồn di tích rất ít ỏi nên khó thực hiện thuê người chăm sóc, bảo vệ.
Còn tại di tích Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu (Điện Bàn), một số hạng mục của di tích này đã xuống cấp như phần ốp đá chân móng khu vực đặt tượng Hoàng Diệu, phần mái nhà lưu niệm đã thấm dột.
Ông Hoàng Cường – người trông nom di tích này thông tin, sau khi Nhà nước bàn giao, Hội đồng gia tộc họ Hoàng đã thêm kinh phí xây dựng tường rào, thống nhất hỗ trợ kinh phí và giao cho ông Cường quản lý di tích này.
“Khu vực này qua mỗi mùa lụt đều ngập nên hằng năm gia tộc đều phải sơn quét lại. Và gần đây thì chống thấm cho nhà lưu niệm nhưng phần mái thì chưa nên đã có báo cáo lên xã, huyện. Tôi mong chính quyền quan tâm sửa chữa các hạng mục xuống cấp và hỗ trợ kinh phí cho người trông nom” – ông Cường cho biết.
Hiện nay, thị xã Điện Bàn có 65 di tích, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 59 di tích cấp tỉnh. Hầu hết di tích của địa phương này đều có biển chỉ dẫn, các điểm di tích thường xuyên đón khách tham quan như: Nhà lưu niệm Mẹ Thứ, khu di tích thành tỉnh Quảng Nam, Lăng mộ Hoàng Diệu, nhà thờ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, di tích đồi Bồ Bồ...
Từ năm 2021, thị xã tiến hành thực hiện các thủ tục đo đạc, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ di tích. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều di tích chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất vì vướng mắc trong thủ tục hồ sơ.
Để bảo vệ các di tích, Điện Bàn đã tu bổ 11 di tích quốc gia và cấp tỉnh trong tình trạng xuống cấp và xây dựng 10 nhà bia lưu niệm đối với các di tích đang ở dạng phế tích với nguồn đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin thị xã Điện Bàn Lương Thị Mỹ Linh cho biết, đa phần di tích nằm ở những vị trí trũng thấp, ảnh hưởng của thiên tai, di tích nhiều nhưng số lượng được trùng tu tôn tạo hằng năm ít nên nhanh xuống cấp.
"Một số địa phương và chủ di tích còn thụ động trong công tác quản lý và trùng tu di tích, trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Vì khó khăn về nguồn kinh phí nên việc hợp đồng bảo vệ chỉ được thực hiện ở một số di tích cấp quốc gia” - bà Lương Thị Mỹ Linh nêu bất cập.
Sở VH-TT&DL tỉnh thông tin, Quảng Nam hiện có trên 450 di tích được xếp hạng các cấp. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Từ 2015 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết cho công tác quản lý, bảo tồn giá trị di tích lịch sử với tổng mức đầu tư 133,6 tỷ đồng (vốn đối ứng của các địa phương, nguồn xã hội hóa). Theo đó có 15 di tích quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và 73 di tích được dựng bia.
Về chủ trương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND, ngày 21/4/2022 quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí đầu tư gần 91 tỷ đồng.
Theo phân cấp của tỉnh thì di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, bảo vệ. 3 di tích gồm tháp Chăm Khương Mỹ, tháp Chăm Chiên Đàn và Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công được Ban Quản lý Di tích và danh thắng thuộc Sở VH-TT&DL quản lý; di tích cấp tỉnh giao UBND cấp xã quản lý, bảo vệ.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, còn nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể ở một số địa phương chưa có sự hỗ trợ kinh phí cho những người trực tiếp chăm sóc, bảo vệ. Nguyên nhân là do số lượng di tích của tỉnh hiện khá lớn, nguồn ngân sách chủ yếu tập trung cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích.
“Một số nơi chưa thực hiện việc khoanh vùng bảo vệ di tích sau khi được xếp hạng, chưa hoàn thành việc xác lập quyền sử dụng đất cho di tích theo đúng Quyết định số 08 của UBND tỉnh. Trong khi đó, địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý sau đầu tư chính là nguyên nhân khiến di tích chưa được quản lý tốt nhất” – ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, sở đang nghiên cứu, phối hợp với các địa phương có di tích tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích, nhất là những di tích thuộc sở hữu của cộng đồng, tập thể, gia đình.
[VIDEO] - Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu: