Giữ lửa hát tuồng
Việc ra đời, giữ “lửa” CLB tuồng cũng như nỗ lực lưu truyền cho thế hệ trẻ là cách mà những người yêu quý tuồng ở Nông Sơn tâm huyết thực hiện để gìn giữ, bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Năm nay bước sang tuổi 79, ông Hồ Ngọc Tranh (thôn Đông An, Ninh Phước) đã có hơn 40 năm tham gia biểu diễn tuồng - loại hình nghệ thuật mà ông hết mực đam mê. Gần 10 năm tham gia và chủ nhiệm CLB Tuồng xã Ninh Phước (trước đây là xã Quế Phước), ông Tranh miệt mài giữ và truyền “lửa” đam mê hát tuồng cho nhiều thế hệ. Với ông Tranh, những điệu bộ, cử chỉ, câu hát tuồng như ăn sâu trong máu thịt mình.
Ông Tranh cho biết, khi mới thành lập, CLB có khoảng 7 thành viên, nay phát triển lên 12 thành viên với nhiều độ tuổi. Đặc biệt, CLB phải tập luyện diễn viên trẻ tầm 10 tuổi để hát các bài giáo tuồng. Để nhớ tuồng, nhớ động tác, các thành viên CLB tranh thủ buổi tối cùng nhau tập luyện, từ việc giao vai, ôn tuồng, tập tuồng mới để có thể nhập vai hết mình trên sân khấu.
Không chỉ tham gia hát tuồng cùng CLB, vợ ông Tranh còn tự chọn mua vải, kim tuyến, phụ kiện và hướng dẫn con dâu may trang phục tuồng để đi biểu diễn. Nhiều năm qua, CLB Tuồng xã Ninh Phước đã biểu diễn nhiều trích đoạn tuồng như “Lê Lai cứu chúa”, “Lưu Kim Đính hạ sơn”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”… và đạt nhiều giải cao trong liên hoan nghệ thuật tuồng do huyện tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Anh - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nông Sơn cho biết, năm 2014 huyện ban hành đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng trên địa bàn. Theo đó, tổ chức thành lập, tập huấn và hỗ trợ kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn cho các CLB tuồng của 7 xã.
Duy trì tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng theo định kỳ hai năm, tạo sân chơi cũng như môi trường trau dồi, biểu diễn, phát huy đam mê bộ môn này. Đặc biệt, trong mỗi kỳ liên hoan đều bắt buộc nội dung thi trích đoạn giáo tuồng do trẻ em thể hiện cũng như khuyến khích lớp trẻ tham gia các vai diễn trong trích đoạn dự thi.
“Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của địa phương cần có nhiều cách để lớp trẻ tiếp cận với tuồng. Các trường học cần nghiên cứu, lồng ghép, đưa tuồng vào sinh hoạt ngoại khóa để học sinh hiểu biết và dần nuôi dưỡng tình yêu với môn nghệ thuật này. Đây là những hạt giống để ươm mầm, từng bước gắn bó và gìn giữ hát tuồng về sau” - ông Anh nói.