Đánh thức kho tàng văn học dân gian miền núi
Đưa tác phẩm văn học dân gian vào những sinh hoạt thường xuyên tại cộng đồng, từ đây khơi gợi tinh thần tự hào và ý thức bảo tồn của người dân miền núi... là mục tiêu xuyên suốt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” mà Bộ VH-TT&DL vừa ban hành.
Tại Quảng Nam, hiện có hát lý - nói lý của đồng bào Cơ Tu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp quốc gia cũng đồng thời là một trong 7 loại hình văn học nghệ thuật miền núi.
Trong khi đó, kho tàng văn học dân gian của đồng bào các huyện miền núi khá phong phú; có đến 4 nhóm người là Cơ Tu, Xê Đăng (bao gồm nhóm Ca Dong, Mơ Nâm), Giẻ Triêng, Co với gần 140 nghìn người, chiếm tỷ lệ 9,25% dân số toàn tỉnh.
Nhiều thách thức
Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay, cùng với nghệ thuật nói lý - hát lý của dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam còn có 3 DSVHPVT của các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, gồm múa tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, trang trí cây nêu và bộ gu của dân tộc Co.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVHPVT cấp quốc gia đối với nghệ thuật hát ting ting của người Ca Dong và Xê Đăng, lễ cầu mùa của dân tộc Ca Dong, phong tục cưới và nói lý hát lý - hát đối đáp của người Bhnong, lễ khai năm mới tạ ơn rừng, lễ mừng lúa mới và nghệ thuật điêu khắc của người Cơ Tu...
Tuy nhiên, Quảng Nam hiện vẫn chưa có các cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên nghệ nhân - người nắm giữ các tri thức về di sản để thực hiện trao truyền di sản trong cộng đồng.
Các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống của các dân tộc đang đứng trước thực trạng có nhiều biến đổi. Có đến 220/263 thôn không còn sở hữu bộ trống chiêng của cộng đồng, chưa kể các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ.
Ở nhiều cộng đồng, văn hóa truyền thống không còn được coi là cốt lõi, là linh hồn của dân tộc. Tiếng nói, chữ viết, trang phục không còn hoặc ít được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Sự mai một của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn thể hiện ở yếu tố suy giảm số nghệ nhân dân gian - những người được coi là “báu vật sống” ở các cộng đồng làng.
Trong khi đó, từ sau khi nhà dân tộc học Nguyễn Tri Hùng mất đi, gần như miền núi Quảng Nam đối diện với một khoảng trống khá lớn trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đặc biệt là các loại hình văn học dân gian miền núi.
Đây cũng là điều ngậm ngùi khi ông Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận định, đã nhiều năm trời, chi hội này không kết nạp được thành viên nào làm công tác nghiên cứu kiểm kê sưu tầm tri thức của đồng bào miền núi.
Mở ra những kết nối
Tuy vậy, vẫn có nhiều địa phương cũng như cộng đồng nhận thức về vị thế của văn học dân gian trong đời sống văn hóa bản địa.
Ông Alăng Ngước - Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và miền núi cho rằng, lâu nay công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn học nghệ thuật của cộng đồng người miền núi đã có nhiều bước tiến đáng kể.
“Riêng với nghệ thuật hát lý - nói lý, hiện nay từng địa phương miền núi đã có đề án bảo tồn riêng cũng như ở các huyện miền núi đã thành lập các đội văn nghệ dân gian.
Tại các điểm trường của người Cơ Tu đã tổ chức truyền dạy nghệ thuật này cho các em. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ tại các cộng đồng làng đã ý thức và tự hào về nghệ thuật độc đáo của đồng bào mình nên đã tự tìm tòi học và thực hành” - ông Alăng Ngước nói.
Tuy nhiên, các hoạt động mới chỉ dừng ở việc khơi gợi nhận thức ban đầu về nghệ thuật truyền thống cho các em học sinh miền núi. Hiện số đông học sinh là người Cơ Tu vẫn chỉ mới biết như thế nào là nghệ thuật hát lý - nói lý, chưa biết cách thực hành chúng ra sao.
Ngay cả trong cộng đồng của người Cơ Tu, hiện nay mới chỉ nắm bắt được câu chuyện văn hóa và nhận thức về bảo tồn nghệ thuật truyền thống, chưa thể đưa ra ứng khẩu.
“Thời gian tới, hy vọng các địa phương miền núi tiếp tục phát triển các đề án bảo tồn của địa phương thành đề án tổng thể chung của người Cơ Tu để truyền dạy cho đồng bào về các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ những nghệ nhân dân gian, kể cả nghệ nhân trẻ tuổi để tiếp tục tham vấn sưu tầm, cũng như nên tập trung khai thác tư liệu từ những nghệ nhân này” - ông Alăng Ngước chia sẻ thêm.
Cho rằng văn học dân gian của các dân tộc là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam với sự độc đáo và đa dạng nhất định, đề án bảo tồn do Bộ VH-TT&DL yêu cầu việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác.
Cụ thể, các loại hình văn học dân gian gắn kết với phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc... Đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như giáo dục, an ninh, thông tin và truyền thông.
Yêu cầu trong quá trình bảo tồn giá trị văn học dân gian cần có sự tiếp thu, phát triển, phải đảm bảo gìn giữ được những nội dung cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng văn học dân gian của các dân tộc thiểu số được đặt ra cho các địa phương.
Trong đó, nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian tiểu biểu của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một cao. Đây chính là động thái để từng bước giảm nguy cơ đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống bản địa...