Dưới bóng chùa làng Phước Định
(VHQN) - Chùa Phước Định (xã Đại Đồng, Đại Lộc) có lịch sử hàng trăm năm, đến nay vẫn giữ được dáng nét ngôi chùa làng. Dưới bóng chùa làng, bao thế hệ lương dân, tín đồ Phật giáo ở làng đã chung sống hòa hợp, bình yên.
Chùa làng Phước Định nằm ẩn mình dưới chân núi, mang dáng vẻ dung dị, gần gũi như chính cuộc sống của dân làng nơi đây. Du khách, người làng đến dâng hương, lễ Phật, sau đó có thể ngồi uống trà, trò chuyện cùng Đại đức Thích Hạnh Quang - trụ trì chùa. Chùa Phước Định trước kia có tên là chùa An Định, trùng với tên làng An Định, xã Đại Đồng.
Về sau, do sáp nhập đơn vị hành chính, chùa được lấy tên của hai làng được sáp nhập: Phước Định. Theo văn bia được lập năm Duy Tân thứ 6 (1912) còn lưu giữ tại chùa thì ngôi cổ tự này được trùng tu, tôn tạo năm Tự Đức thứ 30 (1877), nhưng chưa được tráng quan, tới năm Duy Tân nguyên niên 1907, việc tôn tạo mới được hoàn chỉnh. Có thể xem đây là căn cứ xác định lịch sử hơn 200 năm của ngôi chùa...
Bao đời nay, dân làng An Định trước kia cũng như Phước Định nay luôn xem chùa làng là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi bàn việc làng xã. Vậy nên bất cứ khi nào nhà chùa cần, dân làng đều đến lo liệu, mỗi người một tay. Trong làng, hễ cần lo cúng tế, tang sự, nhà chùa sẽ đứng ra cùng với bà con lo liệu.
Ngôi chùa làng trải qua mấy đời sư trụ trì, trong đó Đại đức Thích Hạnh Quang (ngoài 90 tuổi) có thời gian tu tập rất dài, hơn 50 năm tại địa phương, cũng là người có công rất lớn trong việc trông nom, xây cất, tôn tạo chùa làng. Nay Đại đức Thích Hạnh Quang tuổi cao sức yếu, Đại đức Thích Nguyên Tịnh kế nhiệm trụ trì, tiếp nối sứ mệnh hướng dẫn Phật tử tu học tại chùa làng Phước Định.
Chùa Phước Định trải qua nhiều năm xây dựng và tu bổ, bị tàn phá bởi chiến tranh, song mái chùa làng gắn với văn hóa làng xã vẫn được dân làng nơi đây gìn giữ. Ở chùa Phước Định có sự hòa quyện giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ thần, thờ thánh, tục thờ Mẫu của người Việt cổ, thờ Bà mẹ xứ sở của dân tộc Chăm...
Vào các ngày lễ lớn như rằm tháng Tư, rằm tháng Tám, lễ tết, người dân trong làng đều đến chùa lễ Phật, cầu nguyện... Ông Nguyễn Văn Phương ở sát chùa chia sẻ, người dân trong làng hễ có việc thì tới chùa, bất kể thời điểm nào, ai cũng có thể đến thắp hương, lễ Phật. Phật tử, lương dân, ai nấy sống hòa thuận, nghĩa tình, đạo và đời gắn bó với nhau.
“Khi tôi còn rất nhỏ, đã thấy bóng dáng ngôi chùa làng rồi. Sau chiến tranh, dân làng từng bước phục dựng, tôn tạo ngôi chùa trở lại khang trang như hiện nay. Ngày trước, ở chùa làng còn có tục xin xăm đầu năm, dân làng cứ đến chùa rút xăm, thầy Quang sẽ giúp bà con giải thích nghĩa của quẻ xăm đầu năm. Bây giờ tục lệ đó không còn khi thầy đã già yếu” - ông Phương cho biết.
Bao năm qua, hình ảnh cư dân làng Phước Định mang, xách từng trái bầu, trái mướp, rổ rau, thùng mì tôm chay, canh dầu phụng... tới cúng chùa gợi lên hình ảnh xúc động.
Dẫu thời cuộc biến đổi, chùa làng Phước Định vẫn giữ được nét đặc trưng hồn hậu ở một vùng quê. Trong tiếng chuông chùa vẳng lại mỗi chiều, chợt nhớ tới bài thơ “Nhớ chùa” của cố thi sĩ Huyền Không: “Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng/ Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung/ Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”...