Lên Bằng Am nghe hương chè
(VHQN) - Kỳ lạ thay, dù bàn chân có đi vạn dặm thì hương nước chè xanh An Bằng giữa núi rừng lồng lộng năm xưa vẫn nguyên sơ cho một cuộc quay về...
Nhà tôi ở thị trấn, nhưng lại nằm dưới chân một ngọn đồi lớn. Tuổi thơ thường lông nhông quanh những lối mòn dẫn vào xóm núi, nơi có lắm thứ quả ngon của đất trời, như trái ô ma, trái khế hay khóm mít mà mỗi lần cả đám hái về làm gỏi xúc bánh tráng, mỗi lần nghĩ lại vẫn còn thấy xuýt xoa thòm thèm.
Dọc theo mấy hàng tre là dăm ba bụi lá lốt, mà chị hai sai đi hái mỗi lần chúng tôi thích ăn bò lá lốt. Tụi con nít thường bày đủ trò ở đó, mùa nào trò ấy, khi thì đá banh, khi thì đi bắn chim, mùa nọ lại đi lượm trái bù lời chơi ống thụt. Sống giữa thị trấn mỗi lúc hiện đại nhưng tâm hồn và ký ức không thiếu những mênh mang của núi rừng.
Sau này thỉnh thoảng thấy “mệt”, tôi vẫn hay rủ bạn bè đi leo núi như là cách để về với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Cảm giác đứng trên đỉnh núi, dù là ngọn đồi ngày còn nhỏ hay là những đỉnh cao hơn, Bà Đen, Lang Biang hay cả Fansipan, đều mang lại cả sự tự do bay bổng xen lẫn niềm thiết tha, kết nối bền chặt với những thứ bên dưới. Leo lên đỉnh núi như là cách mình có thể ngắm nhìn quê hương trọn vẹn, để thấy đó rốt cuộc là nơi mình thuộc về.
Bằng Am một thoáng mênh mông
Càng lớn thì khái niệm quê hương trong mỗi người sẽ càng mở rộng hơn. Như thời học cấp ba, quê hương không còn gói gọn trong cái thị trấn hay xóm núi nữa. Tụi học sinh rảnh ra là rủ nhau đạp xe khắp vùng, vùng A rồi vùng B huyện Đại Lộc, núi cao hay suối sâu đều lần mò tới.
Đi nhiều là lúc tâm hồn mở ra nhiều điều mới lạ hơn. Núi lúc đó không còn là quả đồi ngày bé mà những ngọn núi có tầm vóc hơn. Đứng ở đoạn cầu Ái Nghĩa, nhìn về phía đầu nguồn sông Vu Gia, thấy mấy dãy núi xanh rì, dát vàng những chiều hoàng hôn. Trong những ngọn núi ấy, có một nơi được nhắc đến nhiều hơn. Đó là Bằng Am, một dãy núi đá vôi nằm ở phía bắc núi Hữu Niên thuộc địa phận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, nổi tiếng với khí hậu mát mẻ.
Hình dung về Bằng Am tựa như chiếc bánh ú khổng lồ rồi ai vô tình lấy dao cắt ngang phần ngọn, chừa một khoảng đất rộng lớn bằng phẳng trên cao. Những bí ẩn chuyện tu sĩ Tùng Sơn về ở ẩn trên núi làm đỉnh Bằng Am trở nên hấp dẫn hơn với lũ học trò chúng tôi.
Sau này, dự án du lịch trên Bằng Am được triển khai, người ta mở đường chạy xe lên sát đỉnh, leo lên Bằng Am giờ đây dễ dàng hơn nhiều. Nhưng để thưởng thức trọn vẹn những cảm giác núi rừng, hãy thử leo Bằng Am bằng những lối đi tự nhiên khác.
Có lần tôi đi dọc theo con đường phía Đại Thạnh để vào phía nam đập nước, cảnh sắc rộn ràng bao nhiêu khe suối, núi rừng trùng điệp của Trường Sơn. Đường đi Bằng Am từ Đại Thạnh ngang qua hồ Khe Tân và rừng An Bằng. Hồ Khe Tân nước hiện ra như một bức tranh với các gam màu của nước trời lúc xanh, lúc tím. Bên trên hồ là các đảo cây, sườn núi, khe suối và bờ đập.
Hai dãy núi Thọ Lâm và Hữu Niên nối thành một bức tường dài hàng chục dặm, mái núi thoai thoải hứng nước đổ vào Khe Tân. Rừng An Bằng thì tựa bàn tay chìa các ngón về phía hồ nước. Mỗi ngón là một dãy núi thấp, mỗi kẽ tay là một con suối đẹp. Nào là khe Mài, khe Dài, khe Cối, khe Khế.
Dòng nước ngày đêm từ trên núi cao mang cái mát lạnh của mây trời leo qua các lèn đá nằm chắn giữa dòng tạo nên một màu trắng thác lãng mạn. Tiếp tục ngược sườn các dãy núi về phía dãy núi trước mặt, sẽ được bồng bềnh trong mây trời và thanh âm của núi rừng để rồi chừng nửa ngày thì đến được đỉnh Bằng Am.
Hương chè An Bằng nơi vách đá
Điểm thú vị trên đường lên Bằng Am, còn ngang qua đồi chè An Bằng. An Bằng là vùng chè có truyền thống ngót 200 năm dù cho đã mai một khá nhiều. Nghĩ tới cây chè, người ta thường nghĩ tới những vùng cao Tây Bắc hay Lâm Đồng, nhưng kỳ thực Quảng Nam từng là một vùng sản xuất chè nổi tiếng cả nước.
Ngày nhỏ tôi hay thấy ở góc ngã tư thị trấn, các dì thương lái hay tấp nập đầu giờ chiều. Chè tươi được cột chụm lại, xếp dài từ đầu này sang đầu kia. Mỗi người một gánh tấp lên các xe hàng hay xe khách chuyển xuống các miền dưới. Lúc đó cũng thường tinh nghịch lén bứt vài lá hít hà nghe thơm chứ chưa thật biết giá trị của nó. Trong ký ức, như vẫn còn thơm nồng vị chát mà ngọt thanh đọng lại trong chén nước chè của ngoại.
Lên đến Bằng Am, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm thỏa thích đồi núi trùng điệp cảnh làng mạc yên bình, một bên là đập Khe Tân trắng xóa, một bên sông Thu Bồn khúc rộng, khúc hẹp, vắt vẻo từ dãy núi trập trùng phía thượng nguồn, ngang qua cánh đồng hoa màu mơn mởn của xã Đại Lãnh và Đại Hồng, điểm xuyết đâu đó là con đường bê tông nhỏ dẫn qua các thôn xóm.
Ngồi đây, đốt củi ở ngay vách đá dựng đứng nhìn xuống bên dưới, tranh thủ nấu một ấm nước sôi, vò lá chè tươi An Bằng, thả vào ấm, đợi một lát cho lá chè ra nước. Có khi nào như cư sĩ Tùng Sơn thuở ấy. Chiêu ngụm nước chè tươi mà lòng thơ lai láng với non sông.
Ngọn gió sợt qua, tôi lại rùng mình thoáng nghĩ mai mốt bên dưới lúa ít đi, rau màu hay cả đồi chè An Bằng từng nức tiếng xứ Quảng cũng không còn. Cả những cánh rừng bạt ngàn và những khe suối ngày đêm bên dưới cũng biến mất. Không ai biết được.
Nhưng thử một lần uống chè trên đỉnh Am Thông, mới thấy lòng tự do bay bổng xen lẫn niềm thiết tha muốn kết nối với xứ sở quê hương. Giữa những đổi thay, được mất không tránh khỏi ấy, có những hương thơm và cảnh trí kéo dài từ quá khứ đến hôm nay.