Ngày xuân, lên chùa xin chữ…

ĐẶNG TRƯƠNG 11/03/2023 09:22

(VHQN) - Đến chùa Linh Bửu (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) những ngày đầu tháng Giêng, khách thập phương không chỉ được vãn cảnh chùa yên bình mà còn được Đại đức Thích Viên Hải cho chữ.

Xin chữ ở chùa. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Xin chữ ở chùa. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Duyên với chữ

Đại đức Thích Viên Hải bén duyên thư pháp từ năm 2005 với bút hiệu Viên Hải Mặc Nhân. Vị sư này từng tham gia nhiều cuộc triển lãm thư pháp gây quỹ từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh; tham gia cuộc hội ngộ ông đồ do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình và Vũng Tàu...

Đại đức Thích Viên Hải còn là đồng tác giả phần thư pháp chữ Việt cùng với Đại đức Thích Trung Nghĩa phần thư pháp chữ Hán thực hiện cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận đây là tập thơ có kích thước lớn nhất Việt Nam.

 

Có lẽ vì cái duyên sâu nặng với thư pháp Việt như thế, nên mùa xuân này, trong khuôn viên chùa Linh Bửu, Đại đức Thích Viên Hải đã kỳ công tạo dựng một khu triển lãm thư pháp với hai dãy nhà mái tranh tre nằm đối diện nhau, tạo thành không gian triển lãm độc đáo với hàng trăm bức thư pháp nhiều kích cỡ và nội dung câu chữ. Ý tưởng hình thành một không gian trưng bày thư pháp đã có từ lâu, nhưng mãi đến cuối năm 2022 mới hoàn thành dựa trên sự đóng góp công đức của chư tăng, Phật tử. Đến với không gian triển lãm thư pháp này, mọi người sẽ được Đại đức Thích Viên Hải cùng một số vị sư và Phật tử am tường thư pháp tặng chữ đầu năm.

Nét bút thư pháp của Đại đức Thích Viên Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nét bút thư pháp của Đại đức Thích Viên Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nét đẹp ngày xuân

Với không gian đặc biệt ấy, từ cuối năm Nhâm Dần cho đến những ngày đầu tháng Giêng năm Quý Mão, chùa Linh Bửu lúc nào cũng đông đúc người đến thắp hương và xin chữ… Nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. 

Như một mạch ngầm lặng lẽ với thời gian, nghệ thuật thư pháp hàm chứa nhiều giá trị nhân văn. Thư pháp được viết bởi tâm, tình và tài năng của những vị sư như Đại đức Thích Viên Hải hay Đại đức Thích Hải Ân (trụ trì chùa Tân Bình, xã Tam Thành, Phú Ninh). Những ngày xuân, trong tâm thế của người vãn cảnh chùa, lạy Phật cầu một năm mưa thuận gió hòa, lòng người hoan hỷ… lại được các vị sư tận tay phóng bút tặng chữ thì thật ý nghĩa.

Có lẽ vì thế ý tưởng tạo nên không gian triển lãm thư pháp trong khuôn viên chùa Linh Bửu của Đại đức Thích Viên Hải là một cách tiếp nối truyền thống tặng chữ và xin chữ đầu năm của người Việt.

Người viết trong cái thú chơi chữ, viết như một cuộc chơi, như một nhu cầu giao cảm với con người và trời đất mỗi độ xuân về. Tất cả đều biết trọng “cõi tinh thần”, biết hướng đời sống về một vẻ đẹp thanh cao. Còn biết chơi chữ, quý chữ, quý người cho chữ là còn biết trọng cái “thiên lương”, là muốn sống sao cho tốt đạo, đẹp đời.

Đại đức Thích Viên Hải cũng như nhiều nhà thư pháp xứ Quảng viết câu đối, thơ... cũng là cách để nuôi dưỡng tâm hồn. Nét chữ, nết người, người viết thư pháp luôn phải để tâm mình tĩnh lặng mới có những chữ bay bổng, mang cái hồn thư pháp...

ĐẶNG TRƯƠNG