Nói về một chữ “phi”
Cùng với Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu tại Hội An vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thắc mắc của nhiều người, là tại sao lại gọi danh “phi vật thể” đối với các di sản văn hóa này?
Xem lại trong chữ Hán, có nhiều từ được dùng làm trạng từ phủ định với nghĩa “không” như: bất, vô, phi, phủ, phất, mạc…; trong đó một số từ có nghĩa và cách dùng tương đương, có thể thay thế cho nhau. Khi ứng dụng vào tiếng Việt, những từ phủ định này được lọc lại, chỉ còn ba từ tiêu biểu: vô, phi và bất. Ba từ này có ý nghĩa và cách dùng hoàn toàn khác nhau, không thể thay thế cho nhau khi kết hợp tạo các từ tiếng Việt. Theo các nhà ngôn ngữ học, từ bất luôn đứng trước động từ, tính từ, với nghĩa là không/ chẳng (làm, hành động...), không/ chẳng (như thế nào, ra sao...); từ phi đứng trước danh từ, có nghĩa là chẳng phải/ không phải (cái ấy/ việc ấy/ người ấy...); còn từ vô sẽ đứng trước danh từ, nhưng có nghĩa là chẳng có/ không có (người ấy/ việc ấy/ cái ấy...).
Với cách hiểu này, chữ phi có nghĩa đơn giản là “không phải là vật đó”, tức là không dựa vào sự việc/ vật đó để xác định. Từ “phi vật thể” vì thế khác biệt với “không có vật thể”. Văn hóa “không vật thể” nghĩa là văn hóa không có vật thể, còn văn hóa “phi vật thể” nghĩa là văn hóa không dựa vào vật thể.
Nghĩa này phù hợp với định nghĩa các giá trị văn hóa lâu nay, xác định rằng giá trị văn hóa theo dòng lịch sử, đời sống hoàn toàn không gắn chặt, lệ thuộc vào các vật thể, công trình… cụ thể, hữu hình. Đơn cử cả quần thể Hội An là di sản văn hóa được UNESCO công nhận; trong đó, các công trình, vật chất như cầu cống, chùa chiền, nhà thờ, nhà cửa... là những di sản văn hóa vật thể, còn không gian đời sống người dân Hội An, những tập tục, lễ nghi, phong cách sinh hoạt, từ ngôn ngữ đến thói quen biểu đạt, giao tiếp… của người dân Hội An, chính là những giá trị văn hóa phi vật thể. Những giá trị này, không căn cứ sự tồn tại vật thể, mà chỉ gắn kết, biểu hiện trong không gian cụ thể của các giá trị vật thể đó.
Ghi nhận giá trị văn hóa phi vật thể tại phố cổ Hội An, chính là ghi nhận cái hồn phách, cung cách… đã tồn tại trong đời sống người dân địa phương hàng trăm năm qua. Giá trị hồn phách, chất liệu cuộc sống không dựa vào vật thể ấy là luôn tồn tại, được bảo lưu trong tư duy, nhận thức, thói quen của cộng đồng dân cư, không ngừng được tiếp nạp, đổi mới, cập nhật bổ sung những yếu tố mới, phù hợp và tích cực hơn.
Do đó, chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể ở không gian tổ chức Tết Nguyên tiêu và Tết Trung thu tại Hội An, chính là chứng nhận cái tinh thần, những giá trị văn hóa tập tục, ý thức giao tiếp, ẩn chứa/ bộc lộ phía sau những hành vi, sự kiện, sự việc được người dân Hội An tiến hành, tổ chức vào thời điểm rằm tháng Giêng và tháng Tám hàng năm. Việc bảo vệ, lưu giữ và phát huy những hoạt động văn hóa tồn tại trong các hoạt động đón Tết Nguyên tiêu và Tết Trung thu ở phố Hội, chính là công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Điều này cũng giúp giải thích rõ bốn chứng nhận di sản đã có của Hội An, là gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế và nghề khai thác yến sào Thanh Châu. Nhiều người từng thắc mắc, tại sao cả bốn di sản văn hóa này, dính liền với bốn “nghề/ sản phẩm” rất cụ thể tại Hội An, mà vẫn gọi là “phi vật thể”?
Rõ ràng phải hiểu nghĩa chữ phi, chính là “không dựa vào yếu tố vật thể” để xác định, mới hiểu đúng “giá trị văn hóa phi vật thể” ở đây. Đó là, các giá trị văn hóa được tôn vinh, chứng nhận, không hoàn toàn nằm ở những lọ gốm, bó rau… mà là những ý nghĩa biểu trưng, biểu đạt, chất liệu văn hóa vô hình nhưng được tôn vinh và bảo toàn phía sau những sản phẩm cụ thể đó. Ấy là tài hoa chế tác, trình độ sản xuất, cấy trồng, chăm sóc những sản phẩm, vật dụng, mà người dân Hội An đã đúc kết, giữ gìn và duy trì hàng trăm năm qua.
Chứng nhận văn hóa phi vật thể, là chứng nhận những tài hoa, kỹ thuật, trình độ ấy. Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở những lĩnh vực, nghề và không gian đời sống cụ thể của hoạt động đời sống văn hóa ấy, chính là hồn phách, thần thái, biểu đạt giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa bên trong, đằng sau những vật dụng, sự việc, con người cụ thể.