Hẹn gặp ở Lệ Bà Thu Bồn...

XUÂN HIỀN - MAI LINH 27/02/2023 07:29

Trở thành “thương hiệu” văn hóa của huyện Nông Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn (diễn ra từ ngày 1 - 3/3, nhằm ngày 10 - 12/2 âm lịch) tại dinh Bà ở thôn Trung An, xã Quế Trung, luôn là thời điểm được người dân sở tại và những người con xa quê trông ngóng, trở về...

Các nghi thức truyền thống trong Lễ hội Bà Thu Bồn tại Nông Sơn. Ảnh: S.H
Các nghi thức truyền thống trong Lễ hội Bà Thu Bồn tại Nông Sơn. Ảnh: S.H

Huyền tích thượng nguồn

Năm 2020, Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội Bà Thu Bồn (còn gọi Lệ Bà Thu Bồn) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở cả hai địa phương Duy Xuyên và Nông Sơn.

Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội này ghi lại, Lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở vùng Thanh Nghệ, Đại Việt qua nhiều đợt di cư đến khai phá vùng đất mới, lập làng, lập xã hiệu vào thế kỷ 15 và được bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay.

Tại vùng đất Quảng Nam, dọc lưu vực sông Thu Bồn, cộng đồng người Việt đã tụ cư và giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa để tạo nên tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn. Nghi thức lễ rước nước tại Lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm cũng là yếu tố văn hóa biến thể từ nguồn gốc tín ngưỡng của người Chăm xưa.

Xuất phát từ truyền thuyết, huyền tích về sự hiển linh của Bà Thu Bồn, cộng đồng cư dân ở dọc sông Thu Bồn đều thống nhất rằng ở Phường Rạnh, làng Trung An, xã Quế Trung là nơi sinh quán, hay cụ thể, chính là nơi Bà Thu Bồn tử trận. Bà ngã xuống bên sông Thu Bồn và dòng nước cuốn trôi đưa thi thể Bà về bến sông của làng Thu Bồn, xã Duy Tân, Duy Xuyên.

Các nghi thức truyền thống trong Lễ hội Bà Thu Bồn tại Nông Sơn. Ảnh: S.H
Các nghi thức truyền thống trong Lễ hội Bà Thu Bồn tại Nông Sơn. Ảnh: S.H

Di tích Dinh Bà Thu Bồn ở Trung An hiện nay còn khá nguyên vẹn và hầu như các công trình kiến trúc, địa danh như cổng tiền, cổng hậu, giếng Bà, ao Bà, vườn Bà, ghềnh Bà… đều gắn với các truyền thuyết về Bà, mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của cư dân miền sông nước.

Lệ Bà Thu Bồn ở Nông Sơn được tổ chức xuyên suốt 3 ngày, trong đó, các nghi thức từ lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ tế Bà luôn thu hút sự tham gia của dân làng địa phương và khách thập phương...

Chiều trước hôm lễ tế Bà diễn ra, cư dân trong làng chia thành từng nhóm, với đầy đủ sắc phục truyền thống, cùng tề tựu tại nhà vị thủ sắc để làm lễ rước sắc. Trong tín ngưỡng dân gian, Bà đã trở thành một vị thần của xứ sở. Người dân vẫn luôn tin truyền thuyết về Bà là có thật, để dồn cả thành tâm vào lễ tế…

Không gian lễ hội

Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, Lễ hội Bà Thu Bồn với phần lễ và phần hội được cộng đồng người dân địa phương chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước. Bước vào những ngày lễ chính, từ chiều mùng 10 tháng 2 âm lịch, ban nghi lễ gồm các bô lão trong làng đã chuẩn bị lễ vật đầy đủ về dinh Bà để cúng tế.

Theo hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lệ Bà Thu Bồn, lễ vật cúng thường có một con trâu to khỏe hay nghé chông, (trâu tế sau khi bị giết, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, dùng huyết của nó bôi lên lăng để cúng) và mâm xôi lớn cùng nhiều hương, hoa, quả, trầu cau, gạo, muối, áo giấy… Sau này, thay vì tế trâu, người dân dùng vật phẩm khác để dâng cúng Bà.

Vẫn như các năm, phần hội năm nay có nhiều chương trình văn hóa - thể thao như hát tuồng, văn nghệ quần chúng, giao lưu bóng chuyền nữ, đua thuyền và các trò chơi dân gian...

Năm nào cũng vậy, giải đua thuyền truyền thống trong khuôn khổ Lệ Bà Thu Bồn luôn được người dân chờ đón nhất. Nếu giải đua ghe nan truyền thống là cuộc hàn huyên, tâm sự giữa những người một thời gắn với sông nước thì giải đua ghe tuyến là cuộc so tài gay cấn, hấp dẫn giữa những tay chèo đến từ các huyện lân cận như Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đại Lộc… Sáng sớm, đoạn ngay bến sông trước dinh Bà, người dân đã đứng dọc hai bờ sông, hào hứng cổ vũ các tay chèo.

Ngoài hoạt động đua thuyền truyền thống, đêm hát tuồng luôn là sản phẩm văn hóa đặc sắc và là điểm nhấn của ngày hội Lệ Bà. Nghệ sĩ ngoài các đội tuồng được hình thành từ chính người dân ở làng, còn có các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp từ các đoàn tuồng Sông Thu hay nhiều năm còn có nghệ sĩ đến từ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Các trích tuồng cùng những đặc sắc riêng có của loại hình diễn xướng đặc biệt này đã góp phần để ngày hội Lệ Bà luôn là không gian bao chứa và gìn giữ truyền thống vùng miền...

Người ở thượng nguồn Thu Bồn, lại hẹn nhau gặp ở Lệ Bà năm nay...

XUÂN HIỀN - MAI LINH