Rộn rã cầu ngư, cúng biển
Tháng Giêng, ở hầu khắp làng biển trên địa bàn tỉnh, các cộng đồng ngư dân rộn rã tổ chức lễ hội cầu ngư, mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang...
Sôi động lễ hội
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Nam về cơ bản giống nhau ở cả phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra ở 3 lăng chính là lăng tiền hiền, lăng thờ thần Nam Hải và lăng thờ cô bác.
Bậc chánh tế là cao niên, trưởng thượng trong cộng động ngư dân mặc áo dài, đội khăn đóng, dâng đồ lễ, cúng vái, kính cẩn đọc văn tế trước lăng thờ; sau đó mời thần Nam Hải chứng giám, báo cáo năm khai thác hải sản và cúng tế cầu mong thần độ trì, cưu mang, giúp ngư dân làm ăn trên biển được an toàn.
Phần hội tiêu biểu với các hình thức hát múa bả trạo cầu mong thần Nam Hải chở che trong suốt quá trình khai thác hải sản. Nhiều địa phương còn tổ chức đua ghe, đánh bóng chuyền, bóng đá để tạo không khí rộn ràng, sôi động, ấm áp những ngày đầu xuân.
Hát múa bả trạo trên địa bàn Quảng Nam đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, cái khó là đội ngũ hát múa bả trạo đã quá lớn tuổi, đội ngũ kế cận thiếu, người trẻ không mặn mà hát múa bả trạo do xu hướng của nghề cá Quảng Nam dịch chuyển lao động từ biển lên bờ, người dân dần xa rời tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng đặc thù nghề cá. Ở các lễ hội cầu ngư trên địa bàn tỉnh, các địa phương đều thuê biểu diễn từ đội hát múa bả trạo Phước Trạch (phường Cửa Đại, Hội An).
Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, từ ngày 12 âm lịch, cộng động ngư dân An Lương đã tổ chức lễ hội cầu ngư. Ở mỗi địa bàn có nghề cá trong xã (gọi là vạn) đều tổ chức cầu ngư với đầy đủ nghi thức tế lễ, nghinh thần Nam Hải, hội hát bả trạo và rước, thả long chu trên biển.
“Đối với ngư dân, cá voi, cá ông là hiện thân của thần Nam Hải - luôn có mặt kịp thời khi tàu thuyền của ngư dân không may bị nạn và đưa người, phương tiện về bờ, tránh những tình huống xấu xảy đến. Thần Nam Hải luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng ngư dân. Nghề biển vốn dĩ đối mặt với thời tiết thất thường, dông lốc, nguy hiểm rình rập nên lễ hội cầu ngư luôn được tổ chức vào mỗi mùa biển mới của ngư dân” - ông Siêm nói.
Ngày Rằm tháng Giêng, cộng đồng ngư dân thôn Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình Minh) nghiêm trang tổ chức lễ hội cầu ngư. Từ sáng sớm, đông đảo ngư dân, tư thương buôn bán hải sản và người dân trong vùng tề tựu về lăng Ông sát biển.
Cụ ông Hồ Tấn Nga - chánh tế lễ hội cầu ngư thôn Tân An nói: “Lễ hội vừa khẩn cầu mùa cá bội thu, an toàn, vừa cầu phúc, thiện, lành để bà con lối xóm an yên, làng quê thanh bình, cộng đồng cư dân ven biển hạnh phúc”.
Gìn giữ bản sắc
Lễ hội cầu ngư theo thời gian đã trở thành tập tục của cộng đồng ngư dân, tiếp nối từ đời này sang đời khác. Dấu ấn qua các lễ hội cầu ngư Quảng Nam là hát múa bả trạo khắc họa nét sinh hoạt văn hóa của ngư dân. Đội bả trạo gồm 3 tổng là tổng tiền, tổng thương và tổng lái.
Các “con trạo” là ngư dân cầm lấy mái chèo, theo tiếng hô của các tổng nhịp nhàng phác họa quá trình chèo lái con thuyền trên biển. Khi thì các “con trạo” nhẹ nhõm diễn tả quá trình đánh bắt hải sản yên bình trên biển; khi thì động tác mạnh mẽ vượt qua bão tố.
Ông TrVương Công Hùng - Trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình cho rằng, qua các màn diễn xướng bả trạo, có thể nhận thấy khá rõ tâm thế, tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân “ăn sóng nói gió”, cả một đời lênh đênh biển cả. Đối với họ, nguồn hải sản ở biển khơi đem lại cuộc sống no ấm, khi gặp bão tố vẫn luôn mang niềm tin được thần Nam Hải che chở.
Hát bả trạo Quảng Nam có sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, nghi lễ, múa dân gian với âm nhạc dân ca truyền thống. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng bả trạo, có thể nhận biết được chiều sâu đời sống tinh thần của cộng đồng ngư dân là sự lạc quan, tin tưởng, yêu nghề. Dẫu cho nghề biển lắm tai ương nhưng ngư dân luôn kỳ vọng vượt khó vươn khơi.
Chính vì những yếu tố nhân văn, lan tỏa sáng tạo, thông điệp tin yêu cuộc sống, lễ hội cầu ngư đã trở thành bản sắc văn hóa, trao truyền, lưu giữ tồn tại lâu đời trong đời sống của cộng đồng dân cư ven biển.