Trở lại với gốm Chu Đậu

LÊ QUÂN 26/01/2023 07:26

(Xuân Quý Mão) - Phòng trưng bày “Gốm Chu Đậu - cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vận hành, góp phần mở ra những hình dung về sự phát triển của một dòng gốm độc đáo nhất Việt Nam...

Các hiện vật Gốm Chu Đậu.Ảnh: LÊ QUÂN
Các hiện vật Gốm Chu Đậu.Ảnh: LÊ QUÂN

Con tàu kỷ lục

Cho đến bây giờ, gần 25 năm sau cuộc khai quật công phu ở Cù Lao Chàm (TP.Hội An), họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người trực tiếp tham gia khai quật con tàu đắm tại Cù Lao Chàm, còn giữ rất nhiều cảm xúc về số lượng đồ gốm Chu Đậu được trục vớt tại vùng biển này. Hàng trăm nghìn đồ gốm Chu Đậu được nhận diện, gần như là kho tàng đồ sộ ngoài mong đợi của những người làm văn hóa bấy giờ. 

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ 12 - 13, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 - 16 trong suốt thời kỳ Lý - Trần - Lê -  Mạc. Sang thế kỷ 17 gốm Chu Đậu bị thất truyền. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt, phản ánh trung thực nền văn minh của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hiện gốm cổ Chu Đậu được lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 quốc gia trên thế giới.

Theo đó, Dự án khai quật khảo cổ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, do Bộ Văn hóa Thông tin, Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ GTVT) và Trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp khai quật từ năm 1997 và kết thúc vào năm 1999.

Những người đầu tiên phát hiện chiếc tàu này chính là ngư dân vùng biển Quảng Nam, khi đầu thập niên 1990, họ thả lưới vớt được nhiều đồ gốm rồi bán cho thương lái.

“Năm đầu tiên thu được rất nhiều chén đĩa. Cứ mỗi lô như thế có loại hình hiện vật nào mới là cả đoàn chạy đến xem, trầm trồ, xuýt xoa. Nhưng phải đến mùa hè năm 1999, đoàn gần như mới tiếp cận được kho báu khi khai quật những khoang hàng chứa toàn đồ quý, đặc biệt mỗi bận đồ đưa khỏi mặt nước là một lần vỡ òa vì choáng ngợp” - ông Hỷ kể.

Theo tài liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đợt khai quật này thu về hơn 240 nghìn hiện vật và năm xe tải mảnh vỡ đồ gốm Chu Đậu. Ngoài một số ít gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan và Chămpa được xác định là đồ dùng của đoàn thủy thủ, toàn bộ mấy trăm nghìn hiện vật được xác định là gốm mậu dịch được sản xuất ở phía Bắc gồm Hải Dương và Thăng Long mà tên gọi chung là Chu Đậu. Rất nhiều đồ gốm của con tàu đã không bị phá hủy vì chúng nằm trong lớp bùn biển, chính bùn biển đã giữ cho chúng không bị phá hủy khi tàu đắm.

 

“Một số lớn đồ gốm Việt Nam được phát hiện từ con tàu cho thấy đó là hàng mậu dịch và đó là một chiếc tàu buôn Việt Nam đang giương buồm đi về phía nam gần đến vùng Cù Lao Chàm.

Sau khi bị đắm thân tàu đã nhanh chóng chìm vào lớp bùn, nên một phần thân hoặc lườn tàu vẫn còn nguyên vẹn. Do vậy, nhiều đồ gốm vẫn có thể được phát hiện nguyên trạng trong lòng tàu. Rất nhiều kiểu dáng quen thuộc của đồ gốm Việt Nam như đĩa, bình có kích thước lớn trang trí hoa văn thảo mộc vẫn còn nguyên vẹn khi được vớt lên. Trong số ấy phần lớn là những chiếc bát.

Tuy nhiên có một số đồ gốm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, ví dụ như một chiếc bát hoa lam vẽ rồng. Những đồ gốm này đã được xác định là hàng xuất khẩu mà con tàu buôn đang chở đến các nước Đông Nam Á” - tư liệu từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An ghi lại.

 

Thông điệp từ hiện vật

Năm 2000, Bảo tàng Quảng Nam đã chia sẻ, chuyển giao cho UBND TP.Hội An 500 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ này. Ngay sau khi tiếp nhận hiện vật, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã tổ chức quản lý, thực hiện các quy trình chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm đăng ký kiểm kê, bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật. Trung tâm này cũng đã lựa chọn một số loại hình hiện vật để trưng bày, bổ sung tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (80 Trần Phú).

 

Ngày 3/6/2022, UBND tỉnh đã yêu cầu Bảo tàng Quảng Nam chuyển giao 103 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ ở Cù Lao Chàm có tình trạng bảo tồn nguyên vẹn cùng với 40 hiện vật vỡ và 3 mảnh vỡ về Trung tâm QLBTDSVH Hội An để bảo quản và phát huy lâu dài.

Ngay khi “châu về hợp phố”, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu, xây dựng phương án thiết kế để thiết lập Phòng trưng bày chuyên đề mang tên “Gốm Chu Đậu - cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” với hơn 120 hiện vật tiêu biểu nhất của dòng gốm sứ này.

Số cổ vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích con tàu đắm Cù Lao Chàm đưa vào trưng bày giới thiệu có niên đại vào thế kỷ 15, thuộc nhiều chủng loại, bao gồm chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình, tước… có phương pháp và kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao, được chuốt bằng bàn xoay, sau đó được trang trí và tráng men.

Các hiện vật được trang trí chủ yếu bằng các hình thức vẽ, khắc, đắp nổi kết hợp chạm thủng, được tráng hoặc trang trí nhiều loại men khác nhau, phổ biến là các loại men trắng, hoa lam, men ngọc, xanh lục, vàng nhạt, men rạn và men tam thái.

Những họa tiết, hoa văn chủ yếu trên dòng gốm này được thể hiện tinh tế, mềm mại, cân đối, hài hòa với các đồ án trang trí về các loại hoa sen, cúc, đào; cây cỏ, chim, cá; cảnh thiên nhiên, làng quê dân dã; hoạt động thường nhật của con người như hình người đội nón, người câu cá trên sông... Tất cả đều thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng - Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho hay: “Các hiện vật gốm sứ khai quật từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm được trưng bày tại đây sẽ phần nào giúp chúng ta hình dung sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải quốc tế trong nhiều thế kỷ trước. Và chắc chắn rằng, Phòng trưng bày chuyên đề về dòng gốm Chu Đậu được khai quật tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, sẽ góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, góp phần thu hút du khách đến với Bảo tàng Hội An trong thời gian đến”.

LÊ QUÂN