Quảng Nam trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
(Xuân Quý Mão) - Giải A duy nhất của giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 năm 2022 vừa được trao cho cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Đăng - người dịch tác phẩm - đã có cuộc trò chuyện với Báo Quảng Nam, chia sẻ những vấn đề liên quan đến xứ Quảng trong sách này.
* Thưa ông, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, vùng đất Quảng Nam được thể hiện và đánh giá ra sao?
Ông Phan Đăng: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là tác phẩm địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, được vua Gia Long (trị vì từ 1802 - 1820) chỉ thị cho Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định (1759 - 1813) khởi soạn từ năm 1803, tức chỉ một năm sau khi nhà vua lên ngôi. Tác phẩm hoàn thành và dâng lên vua vào năm 1806.
Bộ sách được xây dựng nội dung bằng cách lệnh cho quan chức địa phương miêu tả tỉ mỉ về vùng đất của mình đang trấn nhậm theo một quy cách thống nhất rồi trình lên trên, nhờ vậy nên trong thời gian không dài, tác giả đã tập hợp được nguồn tư liệu đồ sộ, đáng tin từ khắp cả nước để biên soạn thành công trình giá trị này.
Đất Quảng Nam được trình bày trong sách ở mục “Quảng Nam dinh thực lục” (ghi chép về dinh Quảng Nam) từ tờ 36a đến 50a quyển 5 của bản chữ Hán, tức từ trang 286 đến 298 bản dịch tái bản năm 2021.
Với Quảng Nam, sách chép về cương giới như sau: “Phía đông là biển, phía tây là những dãy núi cao, phía nam giáp với Quảng Ngãi ở Trì Bình, phía bắc giáp với Quảng Đức ở Vân Quan, là vùng núi non hiểm trở, cồn đảo bao quanh, đồng bằng rộng thoáng, xe thuyền quần tụ.
Lỵ sở đóng trên đất xã Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh thuộc phủ Điện Bàn. Từ đây đến kinh đô theo hướng bắc là 59.057 tầm 2 thước thành ra hơn 273 dặm. Dinh Quảng Nam quản lĩnh 2 phủ, 5 huyện và 8 thuộc... Thống quản 5 đồn phân thủ đầu nguồn là: Lỗ Đông, Vu Gia, Chiên Đàn, Thu Bồn và Hữu Bang. Cùng 5 đồn cửa biển: Đại Chiêm, Đà Nẵng, Câu Đê, Tiểu Áp và Đại Áp” (tờ 36a Q.5 chữ Hán - tr. 286-287 bản dịch năm 2021).
Ở Quảng Nam, Hội An là thương cảng đã hình thành và phát triển rất mạnh từ thời các chúa Nguyễn, rất tiếc trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chỉ miêu tả sơ lược, chưa ghi lại được hình ảnh sầm uất của một thương cảng tầm quốc tế của xứ Đàng Trong từ trước đó.
* Đặt trong quá trình Nam tiến, khởi phát từ thời Lê Thánh Tông, Quảng Nam được xem là vùng đất phên giậu, có vị trí chiến lược quan trọng, là bàn đạp đầu tiên tiến về phương nam. Vậy triều Nguyễn có thể hiện quan điểm nào trong cái nhìn chiến lược gìn giữ lãnh thổ ở vùng yết hầu này không?
Ông Phan Đăng: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là một bộ địa chí đúng nghĩa, tức chỉ chú trọng miêu tả hiện trạng, như một “bức chân dung” về địa lý và những gì đang có, ít bình phẩm hay đánh giá…
Dinh Quảng Nam được chép trong đó theo một mẫu chung như các dinh trấn thành khác, nghĩa là ít quan tâm đến lịch sử, xã hội mà chỉ lưu ý đến hiện trạng, hình thế của đất nước.
Ví dụ, khi viết đến núi xã Chiêm Sơn, chỉ nêu: “… Phía nam núi này có lăng bà Đoàn Huệ phi của thời Hiếu Chiêu Hoàng đế tiên triều. Phía đông nam lăng này có kho thuốc súng cũ, dấu tích nay hãy còn” (tờ 43a Q.5 chữ Hán, tr.293 bản dịch năm 2021).
Đoàn Huệ phi tức Đoàn Thị Ngọc, quê ở làng Đông Yên nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, là vợ của Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan, mẹ của Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần. Ngoài là một bà phi, bà cũng là một nhân vật nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm ở đất Quảng Nam, nhưng ở đây chỉ được chép một dòng rất giản đơn.
* Những cuốn địa chí, phương chí khác, khi nói đến Quảng Nam đều nói qua tính cách, học vấn, thói quen, phong tục, tập quán, làm ăn của người dân. Về điều này, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có gì khác biệt, thưa ông?
Ông Phan Đăng: Phong tục, tập quán, sản vật của dinh Quảng Nam được ghi trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cũng khá sơ lược:
- Phong tục: Học trò cần mẫn, cầu tiến, tính dân yên phận với ruộng vườn, đất tốt, phong tục thuần hậu, ít trộm cướp, hình án đơn giản.
- Thổ sản: Mỏ vàng, mỏ sắt, lụa sống, tơ, tơ trắng, gấm, đường cát, quế, chạm khắc đá, đũi, lụa trắng, bông vải, đường phèn, than bùn, thông, trầu núi, dầu phụng, vượn, tê giác, tre, củ ấu, trái lòn bon, hươu, khỉ, voi. (tờ 36a Q.5 chữ Hán - tr. 287 bản dịch năm 2021).
Điểm đáng nói ở Hoàng Việt nhất thống dư địa chí so với một số địa chí khác là khi chép hình thế từng địa phương, tác giả đã miêu tả tỉ mỉ và cụ thể về đường bộ lẫn đường thủy từ nơi này đến nơi khác, hai bên đường có những gì, sinh hoạt của nhân dân như thế nào, đường thủy thì sông lớn hay nhỏ, độ sâu cạn, mực nước khác nhau khi bình thường hoặc vào mùa mưa mùa nắng, nếu có chịu ảnh hưởng của thủy triều sâu cạn ra sao.
* Vậy có điểm nào trong miêu tả, khảo sát, quan điểm ở cuốn địa chí mà ông thấy rằng không khách quan về đất Quảng Nam?
Ông Phan Đăng: Về địa chí của 29 thành, dinh, trấn, đạo của cả nước vào đầu thế kỷ 19 được trình bày trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí gần như đều bằng một mẫu giống nhau. Trong lời tựa sách, Nguyễn Gia Cát, nguyên Tả Tham tri Bộ Lễ cho biết:
“Kính nghĩ Hoàng thượng tự mình trông coi muôn việc, để lòng nơi thiên hạ, đặc biệt giao cho Thượng thư Bộ Binh là Mẫn Chính hầu Lê Quang Định sức cho các trấn quan ghi chép đo đạc hết tất cả đường sá, chia đặt dịch trạm, thời gian đi châm chước cứ lấy nửa ngày làm mức theo sức đi của người bình thường, lại còn kê rõ lộ trình trong hạt của mình, tổng hợp lại để làm thành sách.
Phàm sự khó dễ của núi sông, gần xa của đường sá, giới hạn của bờ cõi, nguồn gốc của biển sông, cho đến cầu kè chợ điếm, phong tục thổ sản, nhất nhất đều ghi vào, sửa sang thành mười quyển…” (Q.1 chữ Hán - tr. 24-26 bản dịch năm 2021).
Điều này cho thấy tư liệu để viết thành Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là do các trấn quan từng địa phương nhận lệnh khảo sát rồi ghi chép tấu trình lên theo một mẫu chung, người làm sách chỉ tổng hợp, biên tập, sắp xếp lại cho hợp lý.
Đáng lưu ý là trấn quan địa phương lúc này phần lớn là người mới được tân triều bổ dụng, nên việc ghi chép chắc cũng rất thận trọng, phản ánh khách quan và chính xác, góp phần tăng thêm giá trị cho công trình.
Nhìn vào nội dung viết về đất Quảng Nam trong sách này, chúng ta cũng có thể hình dung được mặt mạnh mặt yếu của hình thế núi sông, biển đảo, sản vật, nghề nghiệp cũng như cuộc sống của nhân dân địa phương vào đầu thế kỷ 19. Điều ấy có thể cung cấp thêm một phần hiểu biết về quá khứ giúp các nhà chức trách hiện tại có thể vận dụng, đề ra những chính sách kinh tế, văn hóa xã hội thiết thực trong công cuộc xây dựng quê hương hiện nay.
* Trân trọng cảm ơn ông!