[eMagazine] - Người nặng lòng với dân ca, bài chòi

HOÀNG ĐẠO 24/01/2023 21:56

(QNO) - Ngoài Hội An, việc gìn giữ hô hát bài chòi ở nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi các loại hình văn nghệ hiện đại đang chiếm lĩnh. Các địa phương tìm nhiều cách để vực dậy một loại hình diễn xướng dân gian được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

 
 
Ông Trần Khánh cùng nhiều người tâm huyết đang nỗ lực gìn giữ dân ca, bài chòi. Ảnh: H.Đ
Ông Trần Khánh cùng nhiều người tâm huyết đang nỗ lực gìn giữ dân ca, bài chòi. Ảnh: H.Đ

Trong tâm thức của người dân Điện Hồng, mảnh đất này từng là đất mạnh của phong trào dân ca, hô hát bài chòi. Sau ngày đất nước giải phóng, những nghệ sĩ làng ở đất Điện Hồng từng nổi danh khắp các cuộc thi phong trào của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ.

Thế nhưng theo thời gian, hô hát bài chòi đi vào suy thoái và im ắng. “Các loại hình văn nghệ khác nổi lên nên lời hô hát chỉ còn “chảy” trong tâm hồn của thế hệ cao niên, trung niên mà thôi. Lớp trẻ không còn mấy mặn mà” – nghệ nhân hô hát bài chòi Trần Khánh (thôn Thành An, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) nói.

Bởi yêu dân ca, bài chòi nên từ tuổi thanh xuân trong sắc áo xanh bộ đội rồi phục viên về quê, ông Khánh vẫn theo đuổi nghiệp cầm ca, ráng gìn giữ lấy từng làn điệu mà cha ông hình thành qua trăm năm dựng đất, lập làng. Ông Khánh kể, thập niên 90 trở đi là thời kỳ đi xuống nhất của bài chòi khi tiếng hô hát không còn nghe trong những nẻo xóm, thôn làng, kể cả dịp tết, lễ. Đời sống phát triển sau mở cửa kéo theo sự du nhập của các dòng nhạc, các loại hình tiêu khiển mới… đã “xâm lấn” vị thế của bài chòi.

 

Cùng nỗi niềm này, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH thị xã Điện Bàn cho biết, bài chòi của Điện Bàn từng theo lớp cha ông mở cõi. Trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, câu hát là “vũ khí” để làm binh địch vận. Sau ngày giải phóng quê hương, các đội thông tin lưu động của các hợp tác xã mang bài chòi đến từng ngõ ngách cổ vũ cho phong trào sản xuất, tái thiết quê hương.

“Cả một quãng thời gian bài chòi im ắng khi thế hệ trẻ say sưa với các dòng nhạc trẻ, tân thời mới lạ. Bài chòi bị co hẹp lại ở một vài nhóm người, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện mà thôi. Mãi đến khoảng năm 2014 rồi đến gần đây, bài chòi mới có được bước phát triển lại” – ông Dũng nói.

[VIDEO] – Nét hấp dẫn của hô hát bài chòi:

 

Đều đặn mỗi tuần, CLB dân ca, bài chòi huyện Phú Ninh tổ chức sinh hoạt để những con người cùng đam mê hội tụ, tập luyện. Họ là những giáo viên, nông dân và cả học sinh cùng sở thích ca hát dân ca, bài chòi. Mỗi lần tập như thế, cô giáo Võ Thị Phương Thảo phải sắp xếp chuyện trường lớp, rong ruổi gần 30 cây số từ Núi Thành ngược lên Phú Ninh. Nắng hay mưa đều vậy, chị miệt mài không vắng buổi tập nào.

 

Là giáo viên dạy văn, Thảo khéo léo lồng ghép dân ca, bài chòi vào các tiết dạy, các buổi sinh hoạt ngoại khóa hay trong các chương trình văn nghệ của trường. Người phụ nữ này yêu dân ca, bài chòi này đã minh chứng được một điều: nếu có tình yêu thì đam mê sẽ bùng cháy, lan tỏa.

“Chịu khó sửa cho các em học sinh từng câu hát, truyền nhiệt huyết cho các em mỗi khi các em mệt mỏi… rồi tự làm lấy trang phục, đạo cụ để dàn dựng nên những tiết mục đặc sắc. Và may mắn khi trường tôi liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh nên ban giám hiệu đã tin tưởng. Nhờ đó, Trường THPT Cao Bá Quát hình thành được CLB dân ca – bài chòi gần 2 năm nay rồi và hoạt động thường xuyên” – Võ Thị Phương Thảo hồ hởi kể.

 
Một lớp tập huấn bài chòi. Ảnh: H.Đ
Một lớp tập huấn bài chòi. Ảnh: H.Đ

“Nhớ có dịp tết, chúng tôi dựng hội bài chòi, khách vắng hoe nên buồn lắm. Thế rồi có một bác gái đến xem, mua hết thẻ với lý do chỉ cần nghe chúng tôi hát. Xúc động lắm. Đó là động lực để tôi tìm tòi, sưu tầm và dành cả đời mình cho bài chòi” - nghệ nhân Trần Khánh kể chuyện.

Rồi sau đó ông dành hết hầu thời gian, công sức tìm đến các bậc cao niên ở nhiều vùng sưu tầm các lời hát cổ. Mỗi con bài, ông Khánh cũng có được ít nhất 5 lời. Ông chịu lỗ khi thuê âm thanh, ánh sáng mang lời ca phục vụ người dân mỗi độ tết đến xuân về. Đồng thời, ở đâu có nghệ nhân giỏi bài chòi là ông tìm đến học hỏi, giao lưu. Bước qua tuổi 60, ông Khánh đem hết những gì mình biết truyền lại cho các nghệ sĩ trẻ và đang gầy dựng CLB bài chòi của xã Điện Hồng.

“Vẫn còn đó một bộ phận người dân vẫn mê nghe bài chòi nên ráng làm. Và để kéo những người trẻ thì mình biến tấu tân nhạc vào bài chòi để dễ tiếp nhận hơn. Đồng thời, cũng sáng tác lời mới phục vụ phong trào xây dựng nông thôn mới, cổ vũ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” – ông Khánh nói.

Một tiết mục bài chòi tại liên hoan hô hát bài chòi do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Ảnh: H.Đ
Một tiết mục bài chòi tại liên hoan hô hát bài chòi do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Ảnh: H.Đ

[VIDEO] – Một buổi tập dân ca, bài chòi ở Phú Ninh

 
Tuyên truyền lưu động biểu diễn hô hát bài chòi ở Núi Thành. Ảnh: H.Đ
Tuyên truyền lưu động biểu diễn hô hát bài chòi ở Núi Thành. Ảnh: H.Đ

Song hành với gìn giữ bả trạo, Núi Thành đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm lan tỏa bài chòi trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Những năm trước, việc duy trì bài chòi chủ yếu tự phát từ một số cá nhân, nhóm người ở các xã và đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện thì tháng 4/2022 vừa qua, CLB bài chòi huyện Núi Thành đã được thành lập, có ban chủ nhiệm với 5 người.

“Đây là tiền đề để chúng tôi phát triển các CLB ở cấp xã, nhất là các xã nông thôn mới. Nhiệm vụ của CLB là phục vụ nhân dân, đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho các xã xây dựng đội dân ca, bài chòi” – ông Đinh Hiếu Trung, Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện Núi Thành nói.

Đồng thời, đơn vị này cũng tổ chức các hoạt động văn nghệ, hội thi biểu diễn dân ca, bài chòi, tham gia các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Phối hợp cùng Phòng GD-ĐT ký kết liên tịch đưa dân ca, bài chòi vào trường học, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa “Trải nghiệm dân ca, bài chòi Khu 5 trong trường học”…

“Mục tiêu là nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh về giá trị, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa truyền thống kết tinh trong các làn điệu dân ca, bài chòi mang lại. Và kích thích sự thích thú cho học sinh khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, từ đó khơi dậy ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Núi Thành. Nuôi dưỡng từ thế hệ này thì mới hi vọng bài chòi nói riêng, dân ca nói chung tồn tại trong tâm hồn người Quảng Nam” - ông Đinh Hiếu Trung khẳng định.

Đưa bài chòi vào trường học là cách làm hay để gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Ảnh: H.Đ
Đưa bài chòi vào trường học là cách làm hay để gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Ảnh: H.Đ

Đồng quan điểm, nghệ nhân hô hát bài chòi Trần Khánh khẳng định, lực lượng giáo viên, nhất là giáo viên thanh nhạc, mầm non là lực lượng mạnh mẽ, đủ rộng để phổ biến bài chòi cho thế hệ đi sau. “Họ có năng khiếu, có cơ hội để dạy dỗ và truyền đạt cho các cháu nhỏ về loại hình văn nghệ dân gian này. Có thể vài ba năm thì các cháu vẫn chưa yêu bài chòi nhưng gieo hạt mầm vào trong tâm hồn các cháu thì lớn lên sẽ nảy nở, đơm hoa trái” - ông Trần Khánh nhấn mạnh.

 
 

HOÀNG ĐẠO