Trang phục tuồng cung đình Huế

PHƯƠNG ĐÌNH 25/01/2023 06:12

(VHQN) - Nghệ thuật tuồng phát triển đỉnh cao thời Nguyễn, bối cảnh lịch sử đó đã ảnh hưởng toàn diện đến nghệ thuật tuồng, từ tư tưởng, văn chương, ca từ, nội dung cho đến phong cách, trang phục.

Phân cảnh tuồng Phụng Nghi Đình. Ảnh: Đăng Tuyên
Phân cảnh tuồng Phụng Nghi Đình. Ảnh: Đăng Tuyên

“Hát bội mặc giống các quan triều đình Huế. Thấy một ông quan mặc đại lễ người ta tưởng là quan hát bội, ngược lại thấy một người kép hát bội sắm tuồng quan văn, người ta tưởng ông quan thiệt vì áo mão giống nhau vô cùng...

Nhiều người thuộc hầu hết các vở tuồng, hễ thấy diễn viên ăn mặc đồ gì thì biết ngay y đóng vai gì. Miễn đừng mặc đồ này mà đóng vai khác, thì khán giả không đòi hỏi thêm chi tiết trong y phục.

Họ tuy không biết tên các y phục, nhưng biết đồ nào dành cho vua, đồ nào dành cho quan, họ phân biệt kẻ trung người nịnh” (Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng, Hát bội, Kim Lai ấn quán, 1970).

Đoạn tài liệu trên cho thấy sự ảnh hưởng trang phục cung đình Nguyễn đến trang phục tuồng cung đình Huế được thể hiện trên nhiều phương diện.

Kiểu dáng tên gọi của áo, mũ

Tuồng cung đình Huế mặc định riêng các loại áo cho từng loại vai diễn. Các vai vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, quan lại, thị tì, binh lính đều phục sức theo lối cung đình. Vai vua có các loại hoàng bào, long bào, long cổn, mũ cửu long; vai hoàng hậu, hoàng thái hậu mặc phụng bào, đội mũ cửu phụng; vai công chúa đến con gái các quan đều mặc bộ cung trang áo thụng (hai ống tay thêu phụng, dưới gấu thêu thủy ba); hoàng tử mặc mãng bào, long chấn; các quan mặc mãng, quan võ mặc long chấn (mãng lan), ra trận mặc giáp...

Năm 2022, lần đầu tiên tuồng cổ ở cố đô Huế quảng diễn dưới phố nhân dịp Festival. Ảnh: LÊ HOÀI NHÂN
Năm 2022, lần đầu tiên tuồng cổ ở cố đô Huế quảng diễn dưới phố nhân dịp Festival. Ảnh: LÊ HOÀI NHÂN

Quy định màu sắc

Màu sắc trong trang phục tuồng cung đình gắn liền điển chế chức vị tương tự triều đình: màu vàng dành cho vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu; tương tự là màu đỏ thẫm - hoàng tử, công chúa; màu tím - quan cao thái sư; các màu xanh mực, xanh lục, xanh đen, đen… - các quan lớn tùy nghi sử dụng; màu xanh ngọc, hồng, trắng… - quý công nương, tiểu thư.

Hoa văn trang trí

Hoa văn trên trang phục tuồng dù không tuân thủ điển chế nghiêm ngặt như ở chốn cung đình nhưng hình thức, kiểu dáng thì tương tự. Vai vua mặc hoàng bào được thêu hình rồng mặt lớn trước ngực áo khi thiết đại triều; dưới tà áo là hình cột thủy, tam sơn, thủy ba; phía trên là 2 rồng nhỏ hướng lên, đối xứng 2 bên tà áo. Hai ống tay thêu 2 con rồng, dài từ khuỷu hướng ra phía bàn tay.

Trước đây, tùy điều kiện mà đoàn hát trang trí họa tiết rồng có sự thêm bớt cho phù hợp. Điều này đã ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ý nghĩa nguyên bản của nghệ thuật trang trí. Long bào sử dụng họa tiết viên long (rồng cuộn tròn) với các hoa văn xung quanh, chủ yếu là mây.

Hoàng tử mặc bào nhưng thêu rồng 4 móng; các quan mặc mãng bào, giao bào, huê bào và áo giao lĩnh gắn bổ tử thêu họa tiết thú. Triều phục của quan võ là long chấn. Các bà hoàng mặc phụng thêu hoa đoàn phụng (bông tròn trong có hình chim phụng), tam sơn, thủy ba…

Phụ kiện và phục sức đi kèm

Tuy không giống nhau về kiểu dáng và chất liệu chế tác, nhưng về cơ bản tên gọi và mô hình phần lớn tương tự giữa hai loại hình trang phục. Vua đội mũ cửu long vàng có hai thẻ đứng phía sau, hia màu vàng hoặc đen; hoàng tử đầu đội đường cân đỏ, chân đi hia; quan võ mặc đại giáp, đội mũ kim khôi, đi hia, thắt đai quanh bụng bên ngoài mãng, bào. Vua dùng đai màu vàng; quan dùng đai màu đỏ hoặc xanh; hoàng hậu thường đội mũ cửu phụng thếp vàng; vương phi, công chúa thì mũ thất - ngũ phụng.

Rõ ràng tuồng cung đình Huế chịu ảnh hưởng quy chế trang phục cung đình. Trang phục tuồng hiện rất phong phú do các nhà hát có điều kiện cấp y trang phù hợp; công nghệ may thêu hiện đại hỗ trợ đắc lực, cho ra đời nhiều mẫu mã sinh động... Khi phục dựng tuồng cung đình, phải chú ý điều chỉnh những điểm chính để đảm bảo tính nguyên bản.

Hệ thống hóa, quy chuẩn trang phục các vai diễn đúng tên gọi, hoàn cảnh xuất hiện. Phân biệt sự khác nhau giữa trang phục tuồng và trang phục cung đình theo điển chế để sử dụng phù hợp.

Trang phục tuồng cung đình được định danh theo trang phục cung đình Nguyễn, nên có thể trước đây, người sử dụng qua nhiều thế hệ đã hiểu quy chế, sự thay đổi theo ý chủ quan, làm “thất bản”, ảnh hưởng đến tính quy chuẩn căn bản của trang phục. Cũng cần thống nhất về hoa văn trang trí.

Từ hệ thống cơ sở dữ liệu truyền thống gắn liền điển chế triều Nguyễn, có thể từng bước phục hồi tiệm cận trang phục tuồng - tuồng cung đình Huế, đảm bảo tính nguyên bản gần nhất, giá trị thẩm mỹ. Đó cũng là yếu tố hấp dẫn đặc biệt giúp thu hút khán giả trở lại với tuồng, mang lại sức sống đặc trưng, phục hồi tính bác học cung đình đặc sắc của tuồng.

PHƯƠNG ĐÌNH