Tản mạn trà chè xứ Quảng

LƯU ĐÌNH LONG 25/01/2023 06:36

(Xuân Quý Mão) - Bên cạnh trầu, bánh trái thì trà, chè là thứ không thể thiếu của người Việt, trong đó có người dân xứ Quảng, nhứt là dịp tết đến xuân về.

 

Người Quảng, có khi cả năm không mua trà, nhưng cuối năm lại mua gói trà về để dành pha cúng ông bà tổ tiên cho ngày xuân thêm ấm cúng. Dù bao đổi dời thì lễ nghĩa đó không thể bỏ, không nên giản lược.

Bát chè xanh của ngoại

Chè xanh có lẽ là hương vị mà tôi nhớ nhứt mỗi khi nhắc về ngoại - người bà mà tôi thương thiệt nhiều, đã rời xa cõi tạm tròn 20 năm nay. Kèm theo đó là hình ảnh ngoại lụi cụi mỗi sớm ra vườn hái một mớ chè non rồi bỏ lên bếp củi đun sôi, lâu chừng 20 phút bắc xuống, để nguội và uống.

Vị đắng, chát ấy khiến ta tỉnh, uống vào thấy hậu vị ngọt, dễ chịu. Đôi khi, ta cũng nếm những vị đắng từ cuộc đời nhưng nuốt được rồi sẽ có vị ngọt phía sau. Chén chè xanh dạy điều ấy.

Uống trà đầu xuân, nhâm nhi ly trà cánh hạc hoặc bình dị với bát chè xanh cũng là để nhắc mình đang nợ cuộc đời, vay mượn đất trời.

Ngoại tôi hay kể về mấy cây chè. “Đó là giống chè sẻ ngoại trồng từ hồi mới về cục đất này, cũng mấy chục năm rồi”. Ngoại vẫn hay nhớ về những thứ xa xăm, như hồi chiến tranh, chạy giặc, rồi những năm tháng khó khăn sau đó. “Cả nhà phải ăn sắn khoai ghế cơm nhưng khoai sắn nhiều hơn cơm. Vậy mà cũng sống được khỏe re luôn đó bây”, ngoại nói.

Mỗi thời mỗi khác nhưng cái nhớ của người già về thuở lao khó là để nhắc lớp cháu con biết, đất nước và mỗi người dân mình đã từng trải qua những đêm đông giặc giã, đói kém rã rời rồi mới khấm khá hơn, hiện đại hơn như ngày nay. Ôn cố tri tân. Biết để trân trọng mọi thứ đang có ngay hiện tại.

“Như cây chè xanh ni, càng trải qua năm tháng càng cho ra lá ngon hơn. Con người cũng vậy, càng trải qua thăng trầm, càng thấy rõ bản chất cuộc sống, càng sống tinh tế hơn”, ngoại nói triết lý ấy cho thằng cháu 17 tuổi, hồi đó cứ nghe như vịt nghe sấm.

Màu chè xanh ngoại pha cũng thật đặc biệt. Xanh um và thơm. Mùi thơm chè xanh không lẫn vào đâu được, nên tôi cũng bắt đầu tập uống chè theo ngoại. Chiếc ấm bằng nhôm nấu chè trên bếp củi dính đầy lọ nghẹ cũng là miền nhớ thăm thẳm mang tên Ngoại - người âm thầm dạy cháu bằng chính cách sống của mình - nhẫn nại, kiên trì.

 

Ngoại nói, để có bát chè ngon, mình phải lựa những lá không quá non cũng không quá già và cần thời gian nấu phù hợp, với củi lửa cháy không quá hỗn. Lửa cháy hỗn là lửa ngọn, bùng lên to nhưng lụi tắt nhanh.

Rồi ngoại dặn, mình sống trong đời này cũng cần vừa phải trong mọi sự để không lên nhanh xuống nhanh như ngọn lửa đun chè cháy hỗn. Cứ vậy, người lớn tuổi như ngoại, ít học hành trường lớp nhưng trải nghiệm sinh tử, quan sát cuộc đời thì có thừa nên ngoại truyền trao những điều giản đơn mà nhẹ nhàng thấm sâu.

Chén trà của thầy

Sau này, khi đi xa đất Quảng trong hành trình “tha hương cầu thực”, có dịp về thăm Hội An, tôi thường ghé chùa An Lạc. Đây là ngôi chùa có thầy tôi, người đã truyền thọ quy giới để tôi quy y thành Phật tử. Trong nhà thiền, ba mẹ là người sinh tấm thân tứ đại của mình, còn thầy là người sinh ra huệ mạng cho mình, để mình thấy rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã.

Một lần ngồi chiêu trà với thầy dịp đầu xuân, thầy bảo: “Mình uống một ly trà là uống cả đất trời”. Nghe xong, chưa hiểu lắm, nhưng thầy đã kịp giải thích: trong cây trà có đất, nước, gió, lửa, nó cũng mượn vay như mình.

Và trong chén trà có đám mây, với sự ngưng tụ từ hơi nước, đủ điều kiện đã mưa xuống, rồi “lưu lạc” vào lòng đất, cho đến khi vào ấm nấu trà của ta. Dường như mọi thứ sáng tỏ dần dần, trong mỗi con người cũng có đất trời với sự có mặt của ánh mặt trời, cơn gió qua từng hơi thở vào - ra, hơi ấm để dưỡng tinh thần.

Uống trà mà ngộ ra mình chẳng là ai nhưng mình cũng có tất cả đất trời là điều thật lý tưởng. Khi mình để cái tôi hòa trong cái mênh mông của vũ trụ thì mình sẽ có sức mạnh nội tâm rất lớn. Đến mức không còn thấy sợ hãi, ngay cả cái chết. “Đó chỉ là nhân duyên như vậy và mình biểu hiện tương ứng như vậy”.

Tứ đại không điều hòa thì bệnh. Cũng như ly trà, khi đủ nhiệt độ, nước, trà, ấm thì nó biểu hiện. Khi nước nguội, trà nhạt thì có thể trở thành rác, trở lại nuôi dưỡng muôn vật và cả con người theo cách riêng. Con người chết đi cũng vậy, cũng có thể trở lại trong một chén trà sớm mai.

Người Quảng uống trà

Với người sành trà, cố nhiên đều nắm rõ nguyên lý “nhứt nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Theo đó, nước pha là quan trọng nhất. Nếu có một chiếc ấm xịn mà nước không đảm bảo sạch thì chắc chắn mùi, vị của trà sẽ không ngon, không giống nguyên bản. Thậm chí, tạp chất trong nước nhiễm bẩn tác dụng hóa học với các chất trong trà, tạo ra những mùi vị khó chịu, uống vào có khi gây hại cho sức khỏe.

Tâm thế người pha, người uống cũng quyết định chén trà có ngon không. Thưởng thức món ăn, thức uống, tâm trạng rất quan trọng. Khi tâm tĩnh lặng, không bị phiền não chi phối thì ngồi uống trà thong dong. Lúc đó mới đủ tỉnh thức để thấy đám mây cũng hiện hữu trong một chén trà bé nhỏ trên tay. Nếu không vui, lòng không có mùa xuân thì trà có ngon mấy cũng thành đắng chát, nhạt miệng vô cùng.

Với chén trà ngày xuân, hẳn người Quảng sẽ nhớ hương vị trà đặc sản quê mình là “danh trà Mai Hạc”. Hồi còn bé, mỗi khi má, ngoại đi chợ mua trà này là biết sắp tết hoặc nhà sắp có giỗ, chạp.

Bình thường chỉ uống chè xanh hoặc chè khô (được cắt ra và phơi từ lá chè xanh, để trữ trong các bao bóng to trong nhà, uống quanh năm, nhứt là với những nhà ít chè, phải xin của hàng xóm). Hương trà Mai Hạc vì thế có thể xem là hương tết, để rồi mỗi khi nhớ tết lại thấy chén trà đậm vị của chính người Quảng của mình làm ra.

LƯU ĐÌNH LONG