Mai vàng phương nam trên đất Phật Yên Tử
(Xuân Quý Mão) - Hoa mai vàng rực rỡ là biểu tượng cho mùa xuân ở phương nam ấm áp. Nhưng trên núi Yên Tử, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, lại tồn tại một rừng mai vàng phương nam từ nhiều thế kỷ trước.
Cách đây hơn mười năm, một nghiên cứu khoa học đã khẳng định mai vàng năm cánh trên Yên Tử cùng loài Ochna integerrima (Lour) Merr với mai vàng phương nam; và khi cấy ghép với mai vàng phương nam mới cho kết quả cao nhất. Mai vàng Yên Tử có mùi thơm dịu, cánh hoa màu vàng chanh, nhiều hoa trên cụm và cụm hoa trên một cành.
Mai vàng Yên Tử có nguồn gốc tự nhiên tại chỗ hay di thực từ nơi khác đến là câu hỏi còn để ngõ.
Truyền thuyết của cư dân vùng Đông Triều cũng như các nhà khoa học nghiên cứu đề tài trên, cho rằng cây mai vàng trồng ở đây kể từ khi vua Trần Nhân Tông về tu trên Yên Tử, cách đây hơn 700 năm. Điều này khá trùng hợp với chuyến vân du của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành vào năm 1301.
Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi, lên làm Thái thượng hoàng và đi tu vào năm 1293. Năm 1299, ngài đến Yên Tử tu hành, năm 1301, vân du sang Chiêm Thành từ tháng 3 đến tháng 11.
Chính sử không ghi chép cụ thể ngài đến những nơi nào và làm gì, ngoài việc hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Nhưng các sử liệu khác cho rằng Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đến Vĩnh Hảo, Cà Ná, nơi sau đó vua Chế Mân và hoàng hậu Huyền Trân cũng đến thưởng ngoạn cảnh đẹp Cà Ná và vùng mai uyển Vĩnh Hảo.
Hòa thượng Thích Như Điển, trong phóng tác lịch sử “Một mối tơ vương của Huyền Trân công chúa”, cho rằng vua Chế Mân cùng Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đi thăm khắp đất nước Chiêm Thành, đến tận xứ Phan Rang, Phan Rí “thăm vườn hoa nổi tiếng Mai Uyển gồm nhiều loại mai như: bạch mai, hoàng mai và hồng mai”, “gần vườn mai nhiều màu sắc này còn có con suối Vĩnh Hảo cho nước khoáng tươi mát ngọt ngào”, “khi mùa xuân đến hoa mai nhiều màu đã nở rộ, Chế Mân và hoàng hậu thường đến nơi đây để thưởng lãm”.
Địa chí tỉnh Bình Thuận cũng ghi: “Suối Vĩnh Hảo tục truyền là “suối tiên”, vào thế kỷ 14, vua Chàm là Chế Mân và hoàng hậu người Việt là Huyền Trân công chúa (con vua nhà Trần) thường đến ngự du và tắm nước suối ở đây”.
Theo Tự điển địa danh đối chiếu Việt - Các dân tộc thiểu số miền Trung - Trường Sơn - Tây Nguyên - Nam Bộ: “Lịch sử ghi nhận, năm 1292, sau khi thắng giặc Nguyên - Mông, để thể hiện tình đoàn kết, giao lưu, vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) đã ghé thăm Champa được vua Chế Mân đưa đi thăm danh lam thắng cảnh Cà Ná và suối Vĩnh Hảo. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân, một lần nữa cũng đưa Huyền Trân công chúa đến nơi đây để thưởng ngoạn”, “Tương truyền ngày xưa, khu vực này là vườn thượng uyển của vua Champa”.
Theo nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Huy: “Sử tích Chăm kể rằng Huyền Trân được nhà vua đưa đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của Chiêm Thành. Các suối nước nóng dọc bờ biển miền Trung được dành riêng cho bà tắm rửa, kể cả suối Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Phan Thiết)”.
Tại Cà Ná và Vĩnh Hảo cũng từng tồn tại một rừng mai vàng tự nhiên. Vào dịp tết, người ta còn chặt cành đem về thành phố Phan Rang bán.
Trong số 35 bài thơ của vua Trần Nhân Tông còn lưu lại có 10 bài viết về mùa xuân, trong đó 4 bài thơ về hoa mai: Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, Hoa mai sớm (bài 1), Hoa mai sớm (bài 2) và Cây mai, trong đó chỉ có Hoa mai sớm (bài 1) đặc tả hoa mai. Bài thơ được Lê Mạnh Thát dịch như sau:
Vàng điểm tua hoa năm cánh tròn,
San hô chim bóng vẩy phô tuôn.
Ba đông cành trắng hoa khoe sắc,
Một nén hương xuân nhánh hãy còn.
Cam lộ ngát thơm say bướm tỉnh,
Dạ quang tựa nước khát chim buồn.
Hằng Nga nếu biết đây hoa đẹp,
Quế lạnh cung Thiềm thôi ở luôn.
Xem thơ tả hoa năm cánh màu trắng nhụy vàng là hoa mơ. Hoa mơ là một loài thuộc chi mận mơ, tên khoa học là Prunus mume.
Bài kệ nổi tiếng của Đại sư Mãn Giác, theo học giả Hoàng Xuân Hãn “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”; “nhất chi mai” không phải “một cành mai”, hoa mai vàng, mà là “một cành mơ”.
Như vậy, vào thời điểm vua Trần Nhân Tông làm bài thơ Hoa mai sớm (bài 1) - chưa có hoa mai vàng phương nam trên Yên Tử. Phải chăng trong chuyến vân du về phương nam vào năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã qua những vùng mai vàng tự nhiên của đất nước Champa, đã đến rừng mai vàng Cà Ná, “Mai uyển” Vĩnh Hảo và “phải lòng” loài hoa này, từ đó hoa mai vàng phương nam đã theo nhà sư - Thái thượng hoàng về đất bắc và thích nghi kỳ diệu trên Yên Tử?
Và từ đó, hoa mai vàng Yên Tử tỏa sắc hương xuân cùng ánh đạo vàng trên rừng thiêng đất Phật.