Ngày xuân, đọc tên xưa sách cũ

VÕ VĂN THẮNG 22/01/2023 08:25

(Xuân Quý Mão) - Nguồn chính sử và nguồn dân gian cho chúng ta hình dung bức tranh lịch sử của “Quảng Nam - Kẻ Chàm”, là một vùng văn hóa thấm đượm mồ hôi, nước mắt của nhiều tầng lớp dân cư, cùng góp phần tạo dựng quê hương có bản sắc riêng độc đáo trong không gian chung của cả nước Việt Nam ngày nay.

Bản đồ thế kỷ 17, ghi vùng Quảng Nam là CIAM.
Bản đồ thế kỷ 17, ghi vùng Quảng Nam là CIAM.

Lần giở “Bản tường thuật” (La Relation) của Linh mục Cristoforo Borri viết năm 1635, chúng ta biết được nhiều thông tin về đời sống dân cư Quảng Nam lúc bấy giờ. Văn bản này được Bonifacy, thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) dịch ra tiếng Pháp đăng trên tập san “Những người bạn của Huế” (BAVH) năm 1931.

Trang Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, thế kỷ 17.
Trang Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, thế kỷ 17.

Theo ghi nhận của Cristoforo Borri, Đàng Trong gồm có 5 dinh, được ông ghi theo chữ quốc ngữ thế kỷ 17: “Dinh thứ nhất giáp ranh với Đàng Ngoài, ở đó có vua ở, gọi là Sinuua. Dinh thứ hai gọi là Cacciam, cai quản bởi một ông hoàng, con trai của vua. Dinh thứ ba gọi là Quamguya. Dinh thứ tư là Quignin, được người Hòa Lan gọi là Pullucambi. Dinh thứ năm giáp với Chămpa, gọi là Renran”. Trong bản dich tiếng Pháp, Bonifacy có chua thêm trong ngoặc đơn để giải thích cho tên gọi các dinh: Sinuua là Thuận Hóa; Cacciam là Kẻ Cham, Quảng Nam; Quamguya là Quảng Nghĩa, Quảng Ngai; Quignin là Qui-Nhon.

Trang sách của Cristoforo Borri, 1635, có ghi Cacciam.
Trang sách của Cristoforo Borri, 1635, có ghi Cacciam.

 Đọc tài liệu “Voyages et Misions” do Linh mục Alexandre De Rhodes soạn năm 1653, thấy ông dùng chữ “provinve de Cham” để chỉ tỉnh Quảng Nam và trong một bản đồ cùng thời kỳ, vùng Quảng Nam được ghi là CIAM.

Giở trang bản đồ cổ thế kỷ 17 (Giáp Ngọ Bình Nam Đồ), vẽ khu vực từ cửa biển Hội An lên thượng nguồn, có các chú dẫn “Đại Chiêm hải môn thâm đại” (cửa biển Đại Chiêm rất sâu), “Hội An khố” (kho Hội An), “Hà Thanh đàm” (đầm Hà Thanh), “Chiêm dinh” (dinh Chiêm). Âm “Chiêm” được ghi bằng các chữ Hán, với tự dạng khác nhau (瞻 và một chữ kết hợp 目+占).

 Đến trang sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ 18, chúng ta biết dinh Quảng Nam có tên dân gian là dinh Chiêm, “tự tuần Ải Vân hành chí Quảng Nam dinh, tục hiệu dinh Chiêm, tại Duy Xuyên huyện, Cần Húc xã, bất quá nhị nhật” (từ đồn tuần Ải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tên thông tục là dinh Chiêm, ở xã Cần Húc huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày).

Trang sách của Alexandre De Rhodes, 1653, ghi “Tỉnh Chàm”.
Trang sách của Alexandre De Rhodes, 1653, ghi “Tỉnh Chàm”.

Đặc biệt, trang Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, thế kỷ 17, có vẽ ngôi tháp và chú “Chiêm Thành chủ tổ mộ” (Mộ tổ tiên của vua Chiêm Thành). Vị trí ngôi tháp nằm giữa ba vách núi ở phía tây Duy Xuyên, đúng với vị trí khu di tích Chăm Mỹ Sơn, thường được cho là do người Pháp “phát hiện” vào cuối thế kỷ 19 (?).

Như vậy, mặc dù từ đầu thế kỷ 15, đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành (gần tương ứng với Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã giao cho Đại Việt; Hồ Hán Thương đưa di dân phía bắc vào ở. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập “Quảng Nam thừa tuyên đạo”, chính thức cai quản toàn bộ vùng đất từ Hải Vân đến đèo Cù Mông; nhưng cho đến hai, ba trăm năm sau đó, trong dân gian vẫn gọi vùng đất này là Chiêm/ Chàm.

Các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo và ghi theo tên gọi dân gian là “Cacciam” (nhiều người dịch thành “Kẻ Chàm”) và gọi Quảng Nam là “tỉnh Chàm”. Cuối thế kỷ 18, Lê Quý Đôn cũng ghi nhận tên dân gian thường gọi là “dinh Chiêm” để chỉ “Quảng Nam dinh”. Và ngày nay, các tên gọi Cù Lao Chàm, mỳ Quảng Phú Chiêm… vẫn luôn gợi lên một ký ức sâu lắng.

VÕ VĂN THẮNG