Đêm giao thừa năm ấy...
(VHQN) - Nghi thức cúng giao thừa cùng những kỷ niệm với ba vào giờ khắc thiêng liêng của năm mới cứ thao thiết trong tôi...
Đó là đêm giao thừa cách đây đã hơn 20 năm. Lúc ấy ba vẫn còn sống và khỏe mạnh. Ông phân công nhiệm vụ cho từng thành viên gia đình: người làm thịt gà, người canh lửa bếp, riêng tôi theo ông đến tận rìa sông để thăm chiếc a’ruung đặt cá.
Đêm xuống, sương núi lạnh như cứa vào da thịt, nhưng ba tôi vẫn hì hục dùng lực tháo từng phần a’ruung, rồi đập mạnh xuống đất để lấy những con cá đang mắc bên trong. Được chừng hai ký. Ông đặt lại a’ruung xuống, dắt tay tôi trở về nhà.
Đường xa, ánh sáng duy nhất từ chiếc đèn pin con thỏ, dạng hộp sắt đựng chì không đủ tỏ trong màn sương dày đặc. Mò mẫm trong đêm lạnh, khi vừa đặt chân đến nhà, tôi chạy thẳng vào bếp vừa để sưởi ấm, vừa thăm dò bánh chưng. Lúc này, mọi công việc chuẩn bị đã xong.
Ba tôi lấy ra từ dưới gầm bàn thờ một ché rượu cần được ủ sẵn. Ông dùng vải lau sạch miệng ché, rồi đổ lượng nước suối vừa đủ, đậy lại chờ đến thời khắc giao thừa. Đó là cách mà ba tôi thường làm để hãm rượu cần, quá trình ủ giúp cho ra thứ nước màu vàng đậm, có vị ngọt dùng để cúng thần.
Đúng thời khắc giao thừa, cả nhà tôi quây quần bên ngôi nhà chính, cùng nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước. Một bên là radio, một bên là đài cát-sét được đặt cạnh nhau để thu âm, làm tư liệu phục vụ cho người dân trong làng muốn nghe lại lời chúc mừng năm mới.
Vài phút sau, nhạc xuân lại vang từ chiếc radio. Lúc này, từ dưới bếp, ba tôi bưng lên một mâm cúng, đủ đầy lễ vật được bày biện, từ gà luộc, bánh tét, bánh sừng trâu, cho đến dĩa thịt khô xông khói… Ba mời bác hai (anh ruột của ba) cùng thực hiện nghi thức cúng ở nhà mình, rồi cả hai chuyển sang nhà bác để làm công việc tương tự, theo phong tục gắn kết truyền thống của người Cơ Tu.
Tục này đã lâu. Ngày đó, trong đêm giao thừa, người Cơ Tu thường cúng chung giữa anh em, dòng tộc thể hiện sự gắn kết gia đình. Họ cúng ở trong nhà, mặt hướng về bàn thờ tổ tiên và dùng gạo để rải, dùng chiếc za’nơơr - một vật làm bằng cây tre vót theo hình bông lúa - để chấm vào nước, rượu và máu tươi của gà, rồi rẩy nhẹ lên cao theo từng bài cúng.
Khi bài cúng vừa kết thúc, những người tham gia cúng dùng chiếc za’nơơr ném vào một vị trí đã chuẩn bị sẵn, hàm ý cầu xin thần linh chứng giám lòng thành. Xong xuôi, cả thành viên trong gia đình ngồi thưởng thức các món ẩm thực truyền thống. Những câu chuyện cổ thường được kể, cho đến khi những đứa trẻ không còn đủ sức để thức nữa.
Gần 15 năm trước, ba tôi mất trong một cơn bạo bệnh. Và từ đó, tôi đón giao thừa vắng ba. Căn nhà cũ giờ chỉ còn là ký ức và hoài niệm. Một vài thành viên khác trong gia đình cũng lần lượt ra ở riêng, duy chỉ mẹ tôi và vợ chồng em trai út còn ở lại căn nhà. Nhiều đêm giao thừa sau này, mẹ thay ba thực hiện nghi thức cúng…
Không còn hình ảnh quây quần bếp lửa, cũng chẳng có ché rượu cần đặt bên, đêm giao thừa xập xình bởi tiếng nhạc và ánh sáng lấp lánh từ màn hình ti vi. Mọi thứ đã quá nhiều thay đổi. Ngồi trên chiếc ghế cùng mẹ, những hồi ức cũ năm nào bỗng ùa về trong tôi, thật nhớ.