Vẽ mắt cho thuyền

NGUYỄN QUANG 21/01/2023 08:00

(Xuân Quý Mão) - “Khai quang điểm nhãn” gọi ngắn gọn là vẽ mắt cho ghe thuyền là một tập tục gắn với khát vọng nghề biển của cộng đồng ngư dân.

Vẽ mắt thuyền là công đoạn người thợ đóng ghe thuyền dành nhiều công sức. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Vẽ mắt thuyền là công đoạn người thợ đóng ghe thuyền dành nhiều công sức. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Nghi lễ độc đáo

Với 125km đường bờ biển, 2 cửa An Hòa (Núi Thành), Cửa Đại (Hội An) và ngư trường rộng lớn Biển Đông, khai thác hải sản là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân Quảng Nam. Nghề biển thường gặp rủi ro nên trong tâm thức, tín ngưỡng ngư dân mang nhiều khát khao, mong ước. 

Buổi chiều muộn, các bạn biển trên chiếc thuyền QNa-91243 khiêng vác lương thực, thực phẩm, đá cây, chuẩn bị cho chuyến biển nghề lưới vây trũ. Tôi tranh thủ bắt chuyện với chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Thanh Chiểu (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, Núi Thành).

Anh bảo, đời người ngư dân gắn bó trước hết là phương tiện đánh bắt hải sản. Khi con thuyền được đóng mới hay khi lên đà sửa chữa, bao giờ cũng phải dùng vải sạch để bao bọc mắt thuyền, tránh bị va đụng, trầy xước. “Đôi mắt là linh hồn của con thuyền. Đôi mắt dẫn đường cho quá trình chinh phục biển cả của chúng tôi” - anh Chiểu nói. 

Làm ăn đạt, an toàn, bạn biển có thu nhập khá, anh Chiểu bảo đó là nhờ ơn trên độ trì. Anh nhớ như in thời điểm làm nghi thức “khai quang, điểm nhãn” cho con thuyền mới. Sau khi chuẩn bị đèn, hoa, trà, rượu, bánh, trái… đủ cả, anh thành tâm khấn vái, nêu rõ đặc điểm của con thuyền, quê quán, tên tuổi của bản thân…

Nghi lễ diễn ra trang nghiêm sau đó chủ trại đóng thuyền bắt đầu các công đoạn tạo tác đôi mắt của thuyền và hoàn thành bằng những nét vẽ sắc nét. Khai nhãn cũng là khai tâm cho con thuyền, nghĩa là con thuyền cũng có linh hồn, che chở, bảo hộ cho chủ thuyền được bội thu những mẻ cá, được an toàn khi ra khơi.

Tập tục vẽ mắt thuyền mang niềm mong ước chuyến biển an toàn và đầy tôm, cá của ngư dân. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Tập tục vẽ mắt thuyền mang niềm mong ước chuyến biển an toàn và đầy tôm, cá của ngư dân. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Mắt thuyền là một biểu tượng văn hóa. Ở đó bao hàm nghệ thuật thị giác, thẩm mỹ. Trên hết là tập tục của ngư dân, là sự giao tiếp tâm linh tín ngưỡng. Mắt thuyền là ẩn dụ một thế lực siêu nhiên, thần linh che chở, bảo vệ nghề biển của ngư dân. Sát ngay mắt thuyền là phần mũi của phương tiện, là nơi ngư dân trang nghiêm thờ tự, cúng kính mỗi dịp xuất bến hay về bến.

Mong ước của ngư dân

Có thuyết truyền lại rằng, ngày xưa, cư dân làm nghề chài lưới thường bị các loài thủy tộc hãm hại đã tìm nhiều cách khắc chế nhưng vô vọng. Vua Thủy Tề mới khuyên bảo người dân nên vẽ mắt lên mạn thuyền thì các loài thủy quái sẽ không tác oai tác quái được nữa. Kể từ đó, cư dân miền biển cứ truyền nhau nghề vẽ mắt ghe thuyền và hình thành nét văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống sông nước đến ngày nay. Cũng từ đó, mỗi con thuyền đi biển chở theo biết bao hoài bão chinh phục biển cả mông mênh, đem về những mẻ cá cho sinh tồn. Hơn hết, mắt ghe thuyền là biểu trưng soi sáng của bao nhiêu ước vọng với biển.

Hơn 30 năm theo nghề đóng sửa ghe thuyền, ông Trần Xuân Trung (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho rằng, trong số nhiều cách tạo tác mắt ghe thuyền, ngư dân Quảng Nam rất chuộng những đường nét của cá Ông.

Bởi cá Ông trong tâm thức tín ngưỡng của ngư dân là sự linh ứng. Nếu không may thuyền đi biển gặp sự cố, cá Ông thường đưa người và phương tiện vào bờ. Cộng đồng cư dân miền biển rất tôn kính, nếu thấy cá Ông lụy dạt vào bờ thì góp tiền mua vải, sắm hòm tẩm liệm, chôn cất, thờ phụng chu đáo. 

Đọc một số thư tịch cổ có nói nhiều về cá Ông. Cá Ông là loài cá hiền lành, linh thiêng, được ngư dân tôn kính và triều đình phong thần. Cá Ông không chỉ phù hộ, độ trì cho ngư dân được an toàn chuyến biển mà còn giúp họ đánh bắt hải sản thuận lợi. Có lẽ vậy cá Ông được cư dân miền biển thờ tự, đem hình ảnh đôi mắt trang trí cho con thuyền của mình với những niệm ý mong mỏi tốt lành cho mỗi chuyến đi biển.

Nghề cá ngày càng phát triển, tàu lớn dần thay thế các ghe thuyền đi biển. Tuy nhiên nhiều tàu cá bây giờ không còn giữ tục vẽ mắt. Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình cho rằng, ở góc nhìn bảo tồn văn hóa, tập tục, nghệ thuật truyền thống, tục vẽ mắt cho ghe thuyền thưa vắng dần là rất đáng tiếc. Bởi vậy, cần nghiên cữu kỹ lại tập tục này, truyền lại trong giới trẻ để lưu giữ nét văn hóa tâm linh đặc sắc này của cộng đồng ngư dân trên hành trình bám biển.

NGUYỄN QUANG