Chuyện mèo trong văn học dân gian

TRƯƠNG CÔNG QUẢNG 20/01/2023 09:31

(Xuân Quý Mão) - Hình ảnh con mèo trong văn học dân gian Việt có mối liên quan với lịch sử, văn hóa thâm thúy, dung chứa nhiều thông điệp mang tính thời sự cho đến ngày nay.

“Cung chúc tân Xuân”. Tranh dân gian Đông Hồ.
“Cung chúc tân Xuân”. Tranh dân gian Đông Hồ.

Mối liên hệ với sự kiện lịch sử

Hồi tôi vừa lên bậc trung học, thầy dạy ngoại ngữ thường giảng giải, đối với những việc mang tính phổ quát, thường hằng, ai cũng công nhận thì các động từ như “to be” trong tiếng Anh chỉ dùng ở thì đơn (simple tense).

Để dễ nhớ, thầy lại đọc câu ca dao Việt như: “Nửa đêm gà gáy canh ba/ Phận em là gái đàn bà nữ nhi” hay “Con mèo con chó có lông/ Bụi tre có mắt nồi đồng có quai” cũng là nói cái phổ quát thường hằng ấy.

Sau này tôi đọc nhiều ca dao tục ngữ mới hiểu thêm không như thầy đã nói. Ca dao gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử là có thật.

 Vậy khi đọc “Con mèo con chó có lông/ Bụi tre có mắt nồi đồng có quai” thì liên quan đến điều gì trong sử sách? Tôi đọc lại lịch sử Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (1496 - 1568) với những chính sách của ông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi sau khi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc ở hai nơi này.

Trong 20 quyết sách về quy dân lập ấp của Bùi Tá Hán, có thể quy lại một số nét chính. Đó là quân đội có trách nhiệm đón tiếp dân, đốn cây dựng nhà. Quan cấp huyện phối hợp với quân đội đón tiếp, cấp 5 tháng lương thực để dân ổn định cuộc sống.

Trích ruộng thục điền do quân đội canh tác lâu nay phân chia cho dân canh tác. Hướng dẫn dân trồng khoai lang và rau màu để có cái ăn sau 3 tháng, bất kể giàu nghèo đều quy định ghế (độn) 20% khoai bắp vào cơm để tiết kiệm. Khuyến khích khai khẩn đất hoang làm tư điền nhưng không được giành theo kiểu “bao chiếm và phá rừng”.

“Yêu Em Gái”. Tranh dân gian Đông Hồ.
“Yêu Em Gái”. Tranh dân gian Đông Hồ.

Quy định mẫu nhà tám cột ba gian, để dân mới đến cư ngụ gần nhau thành xóm ấp, mỗi xóm đào chung một giếng để lấy nước sạch, nhà khá giả có thể đào giếng riêng. Hướng dẫn dân làm nồi đồng, nồi đất để đun nấu. Nồi có lỗ quai để dùng đũa bếp bưng nhắc. Khuyến khích các nghề thủ công để buôn bán và được miễn thuế… (Mai Thị, Phủ tập Quảng Nam ký sự).

Nồi đồng nồi đất phải có lỗ quai để bưng nhắc. Vậy chắc chắn trước đó là chưa có? Dân Đàng Trong đến giữa thế kỷ 16 vẫn dùng cái cặp bằng tre bưng nhắc các nồi có vành miệng uốn cong thôi, nên Bùi Tá Hán mới có chủ trương “có lỗ quai” ấy.

Như vậy câu ca dao trên, theo tôi suy nghiệm đã có bối cảnh lịch sử của nó. Dân gian đã lấy 3 yếu tố thường hằng, chân lý phổ quát là mèo chó có lông và cây tre có mắt là nhằm nhấn mạnh, tuyên truyền cho cái nồi đồng phải có quai. Một cách tuyên truyền chủ trương chính sách quá siêu từ giữa thế kỷ 16 và lấy hình ảnh con mèo để làm cái cớ.

Mèo trong vai ác

Thế hệ tôi đã nghe mẹ hát ru em: “Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”.

Đã có nhiều tranh luận về ý nghĩa của những câu ca dao “Con mèo trèo lên cây cau…” trong văn giới Việt Nam. Có cả một ý kiến thiên về “quan điểm giai cấp” cho rằng hành động “giỗ cha” con mèo như một tiếng nói của giai cấp bần cùng (chuột) phản kháng sự thống trị của nhà cầm quyền phong kiến đầy âm mưu bóc lột (mèo).

Theo tôi, cuộc xung đột ấy diễn ra trong không gian trầu, cau và đám cưới chuột, phải chăng còn có một thông điệp sâu sắc hơn, đó chính là vấn nạn tham nhũng đã làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống?

Tự dưng nhớ trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm viết: “Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu…” trong bối cảnh những ngôi chợ tan hoang dưới giày đinh của quân Pháp càn qua làng quê.

Có lẽ ông đã cảm nhận được những con mèo với món cá, món chim trong tranh dân gian Đông Hồ, mà ta có cảm giác là giống mèo mưu mẹo đã “ngồi yên” sau khi nhận… hối lộ, để cho ngày hôn lễ của đôi trẻ và thông sui gia nhà chuột diễn ra an toàn (?). Nếu đúng vậy, đám cưới chuột có lẽ là bức tranh dân gian tố cáo nạn tham nhũng sớm nhất mà các nghệ nhân dân gian đã gởi gắm vào tác phẩm.

TRƯƠNG CÔNG QUẢNG