Dấu xưa hát bộ Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 18/01/2023 08:18

(VHQN) - Theo truyền khẩu, hoạt động diễn tuồng hát bộ ở vùng huyện Hà Đông (sau nâng lên thành phủ Tam Kỳ) có từ rất lâu đời. Từng có nhiều địa phương ở vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa là nơi xuất phát của nhiều phường tuồng hát bộ - còn gọi là “giáo phường” nổi tiếng.

Sân nhà thờ tộc Đỗ - Khánh Thọ - nơi từng cúng Tổ hát bộ hàng năm (người trong ảnh là ông Đỗ Xuân Ân). Ảnh: P.B
Sân nhà thờ tộc Đỗ - Khánh Thọ - nơi từng cúng Tổ hát bộ hàng năm (người trong ảnh là ông Đỗ Xuân Ân). Ảnh: P.B

Giáo phường Khánh Thọ

Sách Phủ biên tạp lục soạn năm 1776 cho biết vùng nam Quảng Nam có hai giáo phường: “Giáo phường huyện Lễ Dương” và “Giáo phường xã Bào Liên (?); cả hai đều thuộc danh sách nạp thuế riêng biệt (biệt nạp). Sách ấy không ghi tên “Giáo phường Khánh Thọ”. Điều đó cho thấy, có thể đến khoảng cuối thế kỷ 18, ở làng Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, Phú Ninh) chưa có gánh hát bộ nào.

Văn bia lập năm Thành Thái thứ 7 - 1895 (lưu ở Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ) cho biết ông Nguyễn Hiển Dĩnh từng giữ chức Tri huyện Hà Đông vào khoảng năm 1894. Ông tri huyện này rất mê tuồng và từng bảo trợ nhiều “ban hát” (gánh hát bộ) ở những vùng mình trị nhậm. Có thể, giáo phường Khánh Thọ - huyện Hà Đông cũng đã từng được ông này giúp phát triển.

Giáo phường Khánh Thọ thời vua Tự Đức từng ra biểu diễn ở triều đình. Giai thoại từng kể việc vua Tự Đức khen đoàn tuồng Khánh Thọ như sau: “Ca vũ nãi Khánh Thọ giáo phường” (dịch ý: Nói đến ca múa hát bội ắt phải nói đến phường tuồng Khánh Thọ).

Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tam Thái 1930 - 1975” viết: “Trong cuốn “Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam” ghi rằng gánh tuồng Khánh Thọ, xã Tam Thái có từ xóm Khánh Trung, xuất hiện từ thời Gia Long (1802 - 1820).

Khi gánh hát tuồng làng Khánh Thọ trong quá trình phát triển đã thu hút nhiều người ham mê hát bội theo học và đi biểu diễn.

Đến khoảng giữa thế kỷ 19 thì gánh hát này đã nổi tiếng lan truyền khắp vùng, đã đào tạo được nhiều nghệ nhân hát bội tài năng như ông Quản Lan (1883 - 1914), ông Thi, ông Thuyền, ông Từ, ông Tiến, ông Nhồng, ông Cửu Vị, ông Nhưng Ấm.

Từ gánh hát Khánh Thọ, một số nghệ sĩ đã tách ra, lập gánh hát ở huyện Hà Đông (về sau chia thành hai huyện Tam Kỳ và Tiên Phước). Trong số các nghệ nhân tài ba có ông Nhồng, đã lên các làng phía đông huyện Tiên Phước lập gánh hát riêng” (tr. 27, 28).

Ông Đỗ Xuân Ân (cán bộ kháng chiến), sinh năm 1942, quê gốc Khánh Thọ - người từng sưu tầm dấu tích hát bộ vùng Khánh Thọ cho biết, họ Đỗ của ông nhiều đời có người làm nhạc công của tuồng.

Cha ông Ân - cụ Đỗ Xuân Trung, các ông chú Đỗ Xuân Phương, Đỗ Xuân Quang và các ông Tư Lê, Năm Hành (Trần Hành)… là những nhạc công chủ chốt của đoàn tuồng Khánh Thọ khoảng thời gian gần trước và sau năm 1945.

Các nhạc cụ: đàn nhị, đàn bầu, đàn kìm, chập chõa, phách, trống chầu, trống chiến, trống cơm… đều được các cụ thay nhau sử dụng. Ban nhạc này, sau năm 1955 còn kiêm việc cử nhạc phục vụ các lễ cúng đình, đám tang… đến nay vẫn còn người kế tục.

Theo ông Ân, vùng Khánh Thọ có kép Luy chuyên đóng vai Lưu Khánh rất nổi tiếng. Còn có kép Hoành (quê Duy Xuyên - tản cư lên vùng Khánh Thọ) cũng nổi tiếng với các vai trung trong tuồng Sơn Hậu, Kim Thạch kỳ duyên.

Về sau, kép này xuống tham gia một đoàn tuồng ở Chợ Vạn Tam Kỳ. Các đào nữ phần lớn là người ở vùng Chợ Vạn, Hương Sơn dưới Tam Kỳ lên tham gia. Sân nhà thờ tộc Đỗ làng Khánh Thọ (sát nhà ông Ân) xưa là nơi đoàn tuồng tụ họp cúng Tổ hát bộ vào cuối tháng Chạp hàng năm.

Tấm bia ghi chữ “ca trưởng” trên đầu mộ ông Nguyễn Trung Bình.
Tấm bia ghi chữ “ca trưởng” trên đầu mộ ông Nguyễn Trung Bình.

Ở vườn nhà ông Nguyễn Tấn Thanh (tổ 3 thôn Khánh Thọ xã Tam Thái) hiện còn ngôi mộ ông Nguyễn Trung Bình - từng tham gia hát bộ ở Khánh Thọ hồi đầu thế kỷ 20; trên tấm bia chữ Nho ở đầu mộ ghi danh ông Bình là “ca trưởng”.

Xóm hát bộ Chợ Vạn - Tứ Bàn

Lý trưởng Tứ Bàn khoảng 1910 - 1915 là ông Hồ Đình Lan (tên tự Lan Đình); từ năm 1917 được thăng Chánh tổng làng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ - thường được gọi là Chánh Lơn.

Tại nhà hậu duệ ông này lưu giữ một bằng khen của Tri phủ Tam Kỳ ký ngày mùng 10 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 3 (1928) về việc ông Hồ Đình Lan có công đóng góp trong việc tổ chức một đợt biểu diễn hát bộ (gọi là “ca cục”) tại phủ Tam Kỳ để quyên tiền “chẩn tế” nạn dân bị bão lụt (lạo dân) tỉnh Thanh Hóa.

Theo lời kể của các vị cao niên ở Tam Kỳ xưa thì Chánh Lơn là người thích tuồng và thường tổ chức cho các đoàn tuồng về hát tại vùng Chợ Vạn - Tứ Bàn và các xã lân cận. Ông này cũng thường xuyên giao thiệp với các thành viên trong gánh hát bộ Khánh Thọ để hỗ trợ họ (theo lời kể của ông Đỗ Xuân Ân).

Bằng khen của tri phủ Tam Kỳ cho ông Hồ Đình Lan (Chánh Lơn)
Bằng khen của tri phủ Tam Kỳ cho ông Hồ Đình Lan (Chánh Lơn)

Do có sự bảo trợ và khuyến khích, nhiều phường tuồng ở nhiều nơi đã lần lượt chọn vùng Chợ Vạn - Tứ Bàn (nay là vùng giáp ranh hai phường Hòa Hương và Phước Hòa của Tam Kỳ) làm điểm dừng để đi biểu diễn. Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, nhiều gia đình đào kép đã định cư luôn ở đây, lập mấy gánh hát gia đình, đến nay vẫn còn người nối nghiệp.

Ở Tam Kỳ từng lưu truyền một câu đối thật hay, được truyền tụng là ứng tác của cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về tuồng tích và diễn viên hát bội như sau: “Cùng một bọn đi ra: bôi mặt, vẽ mày làm kẻ lạ/ Đem chuyện xưa nhắc lại: Huơ thương, múa kiếm đánh người quen”.

Có thể kể gánh hát gia đình của bà Thông, nổi tiếng với vở diễn Phụng Nghi Đình. Bà Thông đóng vai nam là Lã Bố, con gái bà đóng vai Điêu Thuyền, cả hai hát rất hay, diễn rất khéo, thu hút đông người.

Ông Trần Văn Tuyền (97 tuổi ở phường Hòa Hương) kể, ở ấp Hương Trà của ông có một ban nhạc hát bộ chuyên đánh nhạc trong các buổi hát tại “rạp tuồng bà Võ” ở Chợ Vạn - Tứ Bàn. Ông còn nhớ có ông Than (đờn cò), ông Xoa (trống cơm), ông Tăng (thổi quyển), ông Lũ (thổi kèn)…

Vùng này còn có gánh tuồng gia đình của bà Liễu. Nghe kể lại, đào Liễu có giọng hát rất hay. Khoảng 1945 - 1954 gánh tuồng này tạm cư vùng ấp Hương Sơn (nay là phía đông sân vận động Tam Kỳ). Từng có lời đồn nhiều thiếu nữ ở địa phương nhờ học hát với bà Liễu mà sau chuyển sang hát tân nhạc rất hay vào thời Việt Minh.

Nay, vài ba hậu duệ nữ của các đào kép tuồng ở Tam Kỳ xưa là diễn viên nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) hoặc làm “tổng hò” điều khiển “âm công” trong các đám ma.

PHÚ BÌNH