Tạo môi trường để di sản sống tại cộng đồng
Ngày càng nhiều hơn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có đất để trình nghề, phô diễn; đây là nỗ lực đồng thời cũng là trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, vốn dĩ rất mong manh trong giai đoạn hiện nay...
Ông Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hóa, cũng là người đang vận hành triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định, bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, chính là tạo được môi trường để di sản sống tại cộng đồng.
Sức sống từ cộng đồng
* Di sản là cốt lõi để tạo nên bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) được nhận định như thế nào trong câu chuyện sáng tạo và kế tục, thưa ông?
- Ông Phạm Cao Quý: Di sản VHPVT được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi. Xét về nội hàm của khái niệm di sản từ UNESCO, di sản VHPVT được hiểu là những truyền thống văn hóa do các thế hệ trước kế thừa, lưu giữ, thực hành, sáng tạo và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Chúng thường được thực hành không đơn độc mà có tính tương tác giữa những cá nhân, nhóm người khác nhau thông qua tiếp nhận và trao truyền từ đời này sang đời khác, thích nghi với môi trường xung quanh và hình thành trong mỗi cá nhân, nhóm, tộc người ý thức về bản sắc và sự kế tục, kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai, góp phần nhận diện và tạo ra sự gắn bó, khuyến khích ý thức về bản sắc để khẳng định cá nhân hoặc cộng đồng nhỏ thuộc về một cộng đồng lớn hơn và toàn xã hội. Mặc dù những giá trị phi vật thể có thể vô hình - không cầm hay chạm vào được, nhưng chúng có vai trò rất quan trọng.
Thống kê từ Cục Di sản Văn hóa, Việt Nam hiện có 64.000 di sản VHPVT, trong đó có 14 di sản VHPVT đã được UNESCO ghi danh, 396 di sản VHPVT đã được ghi vào danh mục Di sản VHPVT quốc gia, 1.390 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú (77 nghệ nhân nhân dân, 1.313 nghệ nhân ưu tú); 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Một chuỗi chu trình khép kín: thực hành - trao truyền - thực hành di sản VHPVT chính là quá trình gắn liền với nhu cầu sáng tạo của cá nhân và cộng đồng. Con người đóng vai trò chủ chốt trong việc sáng tạo và truyền giữ di sản VHPVT. Tất cả thành viên trong các cộng đồng là những người cùng sáng tạo, gìn giữ và truyền dạy.
Di sản VHPVT tồn tại dưới nhiều hình thức, linh hoạt và bất định. Nó nằm trong con người và chỉ được nhận diện khi được con người thể hiện ra bên ngoài bằng hoạt động, sản phẩm cụ thể. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT không thể là hoạt động làm “đóng băng” di sản, hay coi di sản VHPVT chỉ là di sản mà quên mất đặc tính, rằng di sản luôn sống trong đời sống đương đại, luôn đồng hành với cuộc sống của con người và luôn biến đổi, được sáng tạo nhưng cũng bị loại trừ khi không còn phù hợp với đời sống hoặc mất đi cùng với sự mất đi của người nắm giữ.
* Như vậy, vai trò của nghệ nhân rất quan trọng?
- Ông Phạm Cao Quý: Nghệ nhân, người thực hành di sản VHPVT được truyền dạy, kế thừa, rồi tiếp tục thực hành, trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Quá trình thực hành là quá trình sáng tạo, bởi mỗi lần thực hành là một lần di sản VHPVT được biểu hiện khác nhau. Sự khác nhau này là do những tác động từ chính người nghệ nhân, người thực hành, do tâm lý của cá nhân và cộng đồng, không gian, thời gian, bối cảnh khác nhau tùy thuộc vào đó là cá nhân hay cộng đồng.
Nghệ nhân là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản VHPVT. Trong truyền thống nghệ nhân còn là người được cộng đồng thừa nhận, còn trong môi trường có trình độ cao thì nghệ nhân là người có trình độ rất cao về kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về di sản VHPVT mà họ đang nắm giữ và còn cả về đạo đức tốt trong lối sống, thực hành di sản. Họ được tiếp cận với di sản từ nhỏ, được học và thực hành hàng ngày nên họ luôn tâm niệm bảo vệ di sản VHPVT là bảo vệ những gì thuộc về mình, của cộng đồng họ.
Khác với các hoạt động văn hóa thông thường khác, quá trình sáng tạo trong việc thực hành di sản VHPVT là quá trình mà nghệ nhân, người thực hành lấy di sản VHPVT làm cơ sở và cảm hứng để sáng tạo ra các giá trị VHPVT phù hợp với đời sống mà nghệ nhân, người thực hành đang sống, thường không khác biệt quá nhiều so với di sản VHPVT mà họ được kế thừa, đôi khi sản phẩm sáng tạo có thể mang những giá trị văn hóa mới dựa trên cảm hứng từ di sản mà họ kế thừa.
Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT ở nước ta nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung, đang có những dịch chuyển nhất định cả về phương diện lý luận và nhận thức.
Từ việc thời gian qua tập trung cho việc sưu tầm, tư liệu hóa, thì nay đang có xu hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT tại cộng đồng, tạo môi trường để di sản sống tại cộng đồng. Quan điểm này không mới, nhưng chưa được quan tâm đúng mực.
Nếu hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT tại cộng đồng làm cho di sản sống trong đời sống của cộng đồng và có những đóng góp thực sự vào việc phát triển văn hóa, kinh tế của cộng đồng, thì vai trò sáng tạo, thực hành và chuyển giao của nghệ nhân, người thực hành di sản VHPVT được phát huy tối đa.
Phát huy giá trị di sản
* Dự án “Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng” đều chọn các bảo tàng để... báo cáo kết quả? Ông có thể chia sẻ thêm về sự lựa chọn này?
- Ông Phạm Cao Quý: Đây là một dự án nhằm nâng cao giá trị của tài nguyên cũng như tăng cường sự hiểu biết của người dân và bảo tồn nguồn lực địa phương thông qua việc thúc đẩy phát triển du lịch. Bằng cách sử dụng di sản VHPVT, đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được lựa chọn, đồng thời đề xuất mô hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT các dân tộc thiểu số gắn với du lịch. Đối tượng hưởng lợi là thành viên các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng yếu thế, sống tại địa phương nắm giữ di sản hoặc có những gắn bó xã hội và lịch sử với các di sản.
Ngoài ra, còn có những người thực hành sáng tạo tương tác với di sản nhạc và phim của Việt Nam như nhà quản lý, nhà nghiên cứu, lưu trữ viên, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, nhà hoạt động chính sách... Các hoạt động chủ yếu của dự án gồm: Xây dựng mô hình kết nối di sản VHPVT “Lễ mừng cơm mới/lúa mới của người Bru Vân Kiều” trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình - Quảng Trị; xây dựng mô hình kết nối di sản VHPVT “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu” trong hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng tại huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) và huyện Đông Giang; xây dựng mô hình kết nối di sản VHPVT “Nghệ thuật khèn của người Mông” trong hành trình du lịch Hà Giang - Lào Cai.
Sở dĩ chúng tôi chọn bảo tàng để tổng kết dự án ở mỗi vùng, bởi bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là nơi giới thiệu, trình diễn di sản. Nếu như nói văn hóa là hình ảnh, là thương hiệu của mỗi quốc gia thì các bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa - những giá trị kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc, của quốc gia đó. Trình diễn nghề tại bảo tàng cũng là cách để tạo sinh khí mới cho bảo tàng. Các bảo tàng đã trở thành đối tác chiến lược trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có việc phát huy giá trị di sản.