Nhẩn nha dăm chuyện cầu may

HỨA XUYÊN HUỲNH 08/01/2023 07:41

Ngày xuân luôn trỗi dậy trong lòng người những ý niệm thiện lành. Chuyện cầu may, dù gửi gắm vào phiên chợ đầu năm, cũng đã vượt thoát khuôn khổ bán - mua thường nhật để tỏ bày niềm mong ước bình an…

Một nét xuân xứ Quảng. Ảnh: H.X.H
Một nét xuân xứ Quảng. Ảnh: H.X.H

Những phiên chợ lạ lùng

Quãng tháng Chạp, người vợ trong tùy bút “Thương nhớ mười hai” đã tha thiết nghĩ đến chợ tết rồi. Khi ấy, nhà văn Vũ Bằng để cho người vợ thỏa sức kể về các phiên chợ trong nỗi-thương-nhớ-thứ-11, “Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết”. Người vợ tỉ tê với chồng rằng, em nghe nói trước đây ở chợ Đồng (Hà Nội), chợ Phủ Giày (Nam Định) có những người cứ đến phiên chợ cuối năm thường cố mang một thứ hàng, bất kể nhiều ít tốt xấu, để đi bán. Chỉ mong bán chạy, chớ không mong lấy tiền, bán như thế là bán cái xúi quẩy của năm cũ đi…

Rồi người vợ chuyển dần câu chuyện chợ búa ngày tết vào phía nam. Ở Nghệ Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên, ngày trước cũng có tục đến phiên chợ tết thì đem đồ đi bán và rao “có ai mua dại ra mua”. Nhưng rao lên thế thôi, chứ… không cần bán, cũng không cần ai trả lời có mua hay không. “Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm cũ”, người vợ thủ thỉ.

Những phiên chợ tết lạ lẫm kiểu như thế tôi cũng vừa nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn nhắc lại. Trong lần gợi chuyện về các tục lệ cũ, ông bảo ở miền Bắc có tục ném đồng xu cầu may ngày tết. “Vào đến Huế, thấy người người đầu năm đi bán đồ cũ của mình và mua đồ cũ của người khác”, ông nói.

Hai phiên chợ tết ở xứ Huế, theo hai cách mô tả, dĩ nhiên có chỗ khác nhau vì một phiên “mua bán dại” một phiên “mua bán đồ cũ”. Nhưng cả hai lại hé lộ về nét sinh hoạt đầu năm rất thú vị ở vùng đất bên kia đèo Hải Vân.

Tục đầu xuân xứ Quảng

Với xứ Quảng, đương nhiên nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn có nhiều ký ức hơn về các phiên chợ cầu may.

Như truyền thuyết về trò ném kén tằm cầu may được ông điền dã mấy chục năm trước, chép lại những câu chuyện cổ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông chỉ vắn tắt về nơi chốn, rằng “mỗi khi tổ chức hội xuân, người quê tôi có lệ ném kén”. Khi tôi hỏi kỹ ra, ông bảo tục ném kén tằm cầu may lưu giữ ở vùng Giao Thủy (Đại Lộc)...

Lúc ấy, từ trên chòi cao, một người lầm thầm khấn nguyện mong nữ thần dâu tằm cùng thành hoàng, tổ tiên phù hộ dân làng trước khi tung kén tằm ra bốn phía. Ở bên dưới, trong tiếng trống dập dồn, người người tranh nhau lượm kén, mang về giắt lên mái tranh hay bệ cột đầu hồi, coi như một thứ bùa “trấn trạch”. Họ tin chắc năm mới sẽ có những mí (lứa) tằm chín, những cuộn tơ đẹp, làm ăn phát tài phát lộc.

Trò ném kén ở làng nghề trồng dâu nuôi tằm xứ Quảng là đoạn cuối của một truyền thuyết làng nghề. Truyền thuyết kể, có năm nọ khô hạn, làng nghề mất mùa, cây dâu không ra lá, con tằm èo uột chết dần.

Thế rồi có nữ thần dâu tằm xuất hiện, thông qua cô gái xinh đẹp (là con của một người đàn bà góa chuyên ươm tơ mướn cho những nhà làm tằm lớn trong làng) để dạy bảo cách cứu đồng dâu.

Từ đó, dân làng thoát khỏi tai ách, nên mỗi khi mừng mùa tằm mới lại có tục ném cái kén may mắn cho mọi người… Lâu dần, thành lệ. Về sau, kén tằm thật được đổi bằng kén tằm giả, làm bằng những hom dâu dài chừng 2 – 2,5cm, vót nhọn một đầu.

Nhưng ngày đầu xuân ở xứ Quảng không chỉ có tục ném kén tằm cầu may.

Cư dân ven sông Thu Bồn, Vu Gia vẫn quen với nếp nghĩ “mương may, chày rủi”, tức con cá mương tượng trưng cho sự may mắn còn cá chày thì mang lại rủi ro. Một số cụ già ở Quế Sơn đã “góp chuyện” để làm nên một truyền thuyết khác về con cá mương.

Chuyện kể rằng, cư dân thượng nguồn Thu Bồn tin rằng Phật bà Quan Âm từng xé chiếc áo cà sa ném xuống biển để cứu người bị nạn. Mảnh vải lớn hóa thành cá Ông, nhưng có mảnh vải nhỏ theo gió cuốn đã bay vào đất liền, rơi xuống thượng nguồn Thu Bồn. Mảnh vải ấy hóa thành những con cá mương. Cư dân ở phía trên Phường Rạnh xác tín cá mương là loài mang lại may mắn.

Và kể từ đó, dù thịt không ngon, nhưng loài cá màu bạc ấy lại trở thành món hàng đắt đỏ trong buổi chợ cầu may ngày tết. Chợ mở vào mùng ba Tết ở Quế Trung (Nông Sơn), chỉ bán duy nhất mặt hàng cá mương… Người dân tranh mua để mang về làm món cúng tiễn ông bà và cũng để tự nhắc nhớ mình về lòng biết ơn, về điều may mắn sẽ đón nhận trong năm mới, nếu biết sống hiền lành.

*
*        *

Theo thời gian, tục lệ cầu may xứ Quảng ít nhiều phai lạt, hoặc vẫn còn đâu đó nhưng không được gọi tên. Thời nào cũng vậy, niềm tin yêu vẫn luôn rất cần trong cuộc sống để nâng đỡ hồn người… “Ở Quảng Nam mình có nhiều tục lệ hay lắm! Những chuyện đó, kể ra quá lý thú trong ngày tết. Ngày tết càng nên nhắc lại những phong tục cũ, những phong tục hay, nhất là giúp cho giới trẻ nhìn thấy được nét văn hóa đẹp của dân tộc mình” - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn ngỏ ý.

HỨA XUYÊN HUỲNH