Ký ức tuồng

KHÁNH LINH 08/01/2023 07:40

Họ chỉ là những nông dân không qua trường lớp, vì mê tuồng mà một thời đắm đuối theo nghề. Dù tiếng trống chầu đã ngưng khán giả đã vắng, nhưng ngọn lửa “hát bội” vẫn âm ỉ trong lòng như dòng ký ức đẹp về một thời trai trẻ.

Đoàn chèo bả trạo Điện Dương của ông Hồ Văn Mười.
Đoàn chèo bả trạo Điện Dương của ông Hồ Văn Mười.

Ký ức vàng son

Ông Đặng Hùng Thủy (khối phố Hà Quảng Bắc, Điện Dương, Điện Bàn) lần giở trang giấy học trò viết tay đã úa vàng, từng dòng lời thoại tuồng như nhảy múa dưới đôi tay đã bắt đầu run rẩy. Ở tuổi 75, sức khỏe không còn như trước, trí nhớ cũng ít nhiều phai nhạt nhưng ông vẫn không quên trích đoạn nào. “Nó thấm vào máu tôi rồi”, ông Thủy nói.

Năm 1983, ông Thủy tham gia Đoàn hát tuồng Điện Dương, nói là đoàn cho oai chứ dân làng quen miệng gọi là đoàn hát bội (hát bộ). Đoàn có 15 - 18 diễn viên hầu hết là ngư dân trong làng biết hát được tập hợp, mỗi năm diễn vài lần, chủ yếu dịp tết âm lịch.

Vì là nghiệp dư nên ban ngày ông Thủy cùng các diễn viên phải đi làm, tranh thủ ban đêm rảnh rỗi tập luyện, có khi 12 giờ khuya mới tập xong, 3 giờ sáng phải dậy đi biển.

Để có một vở diễn phục vụ khán giả, đoàn tập luyện ròng rã cả tháng trời, thậm chí có vở phải tập luyện 3 tháng mới xong. Bù lại, người dân cổ vũ nhiệt tình, từ khi tập đến lúc lên sân khấu lúc nào cũng đông kín người, thỉnh thoảng nấu bữa ăn khuya cho đoàn bồi dưỡng tập luyện.

“Giá vé vào xem diễn hồi đó 5.000 đồng, nhưng cũng bỏ vào quỹ thôn hết, diễn viên không có tiền nong chi, chủ yếu làm phong trào, lâu lâu diễn xong được ăn bữa mỳ Quảng là vui rồi” - ông Thủy nhớ lại.

Thời cực thịnh của tuồng Điện Dương kéo dài hơn 10 năm, thậm chí năm 1992 trong Liên hoan hát tuồng toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn hát tuồng Điện Dương đoạt huy chương đồng với vở diễn Lê Lai - Lê Lợi.

Khác với tuồng miền Bắc và miền Nam, tuồng miền Trung, bao gồm tuồng xứ Quảng thiên về các làn điệu nam ai. Đặc biệt, do đi ra từ tuồng cung đình nên lời rất hay, trình thức biểu diễn cũng chừng mực điềm đạm, thiên về nội tâm, bớt những vũ đạo khoa trương hình thể.

Bước sang những năm 2000 khi các loại hình giải trí xuất hiện ngày càng nhiều, cũng như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng Điện Dương hầu như giải tán.

Ông Thủy cùng bạn diễn ra Đà Nẵng tìm xin kịch bản về lập đoàn hát bả trạo như là cách níu giữ đam mê tuồng. Hơn 5 năm trở lại đây sức khỏe suy giảm ông Thủy hầu như nghỉ hẳn, giao lại đoàn cho các bạn diễn của mình tiếp tục duy trì hoạt động.

“Bây giờ lớp trẻ không thích tuồng nữa chỉ có người già nghe thôi, nhưng mà lớp già cũng ngày càng ít nên mình biết được gì thì cố gắng giữ lại để mai mốt con cháu còn biết có môn nghệ thuật này” - ông Thủy nói.

Xoay nghề để... nhớ nghề

Cũng như ông Đặng Hùng Thủy, ông Hồ Văn Mười (khối phố Hà Quảng Bắc) cũng là một trong những người đam mê tuồng ở Điện Dương. Gắn với tuồng từ năm 16 tuổi trong đoàn hát tuồng địa phương, những vở tuồng làm nên “thương hiệu” của đoàn như “Mười tám năm ly hận”, “Tình đời ngang trái”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”… nên hơn ai hết ông Mười hiểu được những giá trị nghệ thuật của loại hình hát xướng này.

“Cái khó nhất của tuồng là điệu bộ, lời hát phải đi đôi với thực hành nên ai diễn hay dân thích lắm. Thời hoàng kim nhất của tuồng là từ năm 1990 - 1993, đêm diễn nào cũng đông khách. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy lâng lâng” - ông Mười kể.

Tuồng là nơi lưu giữ ký ức một thời tuổi trẻ của những người đam mê bộ môn nghệ thuật này.
Tuồng là nơi lưu giữ ký ức một thời tuổi trẻ của những người đam mê bộ môn nghệ thuật này.

Khi tuồng vắng khách ông Mười cùng những bạn diễn như ông Thủy, bà Phạm Thị Chín… thành lập đội hát chèo bả trạo để biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, tâm linh ở địa phương cũng như một số nơi trong và ngoài tỉnh. “Hát bả trạo cũng sử dụng các làn điệu, điệu bộ tương tự hát tuồng nên khi biểu diễn cũng đỡ nhớ nghề” - ông Mười bộc bạch.

Những năm 1990, hầu như xã nào ở Điện Bàn cũng có đoàn hát tuồng hoặc người hát tuồng, đó như món ăn tinh thần của người dân quê sau thời gian lao động vất vả. Một số nơi như Điện Phương, Điện Minh, Vĩnh Điện… phong trào tuồng rất mạnh.

Ông Phạm Phú Thành ở thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh nhớ lại, ông đi diễn hầu như quanh năm cùng Đoàn hát tuồng Quê Hương (Vĩnh Điện), rong ruổi khắp nơi từ Điện Bàn qua Duy Xuyên lên Đại Lộc, Quế Sơn, kể cả ra Huế tham gia cùng Đoàn tuồng Thanh Bình đi biểu diễn ở Quảng Trị.

“Hồi đó, diễn xong về nhà nghỉ chờ, khi nào đoàn hợp đồng được chỗ nào thì mình tập hợp lại. Nói chung đi diễn chủ yếu vì đam mê. Thỉnh thoảng, đêm nào mưa vắng khách thất thu, vợ con phải hỗ trợ chi phí đi lại” - ông Thành kể.

Sau gần 15 năm rong ruổi, năm 1999 ông Thành bỏ nghề khi tuồng vắng khách. Hơn 20 năm nay ông làm tổng nội, tổng ngoại cho các đám tang. Ở tuổi 70 thỉnh thoảng ông vẫn nhẩm lại lời các vở tuồng như “Lâm Sanh Xuân Nương”, “Trần Minh khố chuối”…, để hoài niệm về một thời trai trẻ đam mê với tuồng.

“Nói tiếc cũng không đúng vì quy luật phát triển phải chấp nhận, nhưng nói nhớ thì có bởi tuồng thấm vào người mình rồi. Chỉ mong một ngày nào đó nhà nước đứng ra phục hồi, tập hợp số anh chị em trước đây biểu diễn, hướng dẫn lớp trẻ để giữ gìn tuồng vì đó là vốn quý của văn hóa dân tộc” - ông Thành tâm sự.

KHÁNH LINH