Tục "Críh ping" của người Cơ Tu
(VHQN) - Dù là tập tục mới, nhưng bằng sự chân thành của người ở lại, người Cơ Tu tin rằng sau những lần “viếng thăm” ấy, người thân dưới suối vàng sẽ cảm nhận được tình cảm đặc biệt, giúp họ trở nên an lạc hơn, tiếp tục phù hộ cháu con bình an trong cuộc sống…
Người Cơ Tu dùng từ “Críh ping” (quét dọn, làm sạch mộ - PV) để nói về ngày tảo mộ. Tập tục này xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây, khi người Cơ Tu thoát khỏi nỗi lo sợ về khu nghĩa địa - “rừng ma của làng”. Những năm gần đây, tục Críh ping trở thành nét văn hóa tốt đẹp, thể hiện tình cảm và sự quan tâm của người thân trong gia đình với người đã khuất, để họ “bớt lạnh lẽo” dưới suối vàng.
Nhớ về người đã khuất
Những ngày cuối năm, sau khi hoàn tất công việc nương rẫy, người Cơ Tu thường đi viếng mộ người thân đã khuất. Một nhóm khoảng chừng 20 - 30 người cùng nhau tìm đến mộ phần, trên tay mang theo đủ đầy lễ vật để cúng. Đại diện nhóm người, thường là con trưởng hoặc người có tiếng nói nhất trong gia đình tiến đến trước mộ của người thân, thắp 3 nén hương, vừa lạy vừa nói vài ba câu hàm ý “báo cáo” với người đã mất về sự có mặt, cũng như xin phép được dọn dẹp, làm sạch mộ phần.
Sau đó, từng thành viên trong gia đình mỗi người một công việc tìm đến phát dọn, lau chùi bia mộ, làm sạch khu vực xung quanh mộ phần. Khi mọi thứ đã hoàn tất, họ trải một tấm chiếu, rồi đặt toàn bộ lễ vật trên mâm, tiến hành cúng theo phong tục truyền thống.
Trên mâm cúng không thể thiếu con gà trống đã luộc chín. Máu tươi của gà được đặt trên đĩa nhỏ, các thành viên tham gia cúng dùng một vật hình bông lúa quệt vào máu để rẩy phía trước, cùng với nắm gạo. Người Cơ Tu tin những lễ vật đó như cầu nối truyền đi thông điệp đến với thần linh và người đã khuất về lời nguyện cầu của người thân.
Không được trùng sự kiện của làng
Cũng cần nói thêm, mặc dù là công việc riêng của gia đình, nhưng trước khi tổ chức tảo mộ, nếu trong làng có sự kiện quan trọng hơn thì chủ hộ phải báo cáo, xin ý kiến của hội đồng già làng. Điều đó đặc biệt quan trọng và đáng lưu ý đối với người vừa khuất chưa giáp năm. Câu chuyện đó, mới đây, người viết bài này chứng kiến ngay tại thôn Azứt (xã Bha Lêê, Tây Giang). Hôm ấy, ông Zơrâm Hùng tìm đến nhà của già làng Hôih Apla bàn công việc gia đình, cũng là để xin thời điểm tổ chức tảo mộ đầu tiên cho người thân vừa mất.
Sau khi nghe ông Hùng trình bày, già Apla lập tức đồng ý với điều kiện phải làm trước ngày khánh thành gươl của làng. Bởi, năm nay thôn Azứt dựng gươl mới, dự kiến khánh thành có tổ chức lễ hội ăn trâu, đánh trống chiêng cúng thần linh. Vì thế, trước khi lễ hội chung diễn ra, các hộ dân phải tổ chức tảo mộ trước nhằm tránh trùng ngày hoặc “đè” sự kiện của làng, tức là làm sau.
“Người Cơ Tu quan niệm, nếu việc tảo mộ làm sau lễ cúng của làng, vô tình chuyện không hay “đè” lên chuyện hay, là điều không nên” - già Hôih Apla nói.
Nét đẹp văn hóa mới
Theo ông Pơloong Plênh - cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang, trước đây do người Cơ Tu quan niệm chỉ giỗ năm đầu tiên, nên nhiều mộ phần bị bỏ rơi giữa khu nghĩa địa của làng. Vì ít người đến viếng nên dần dà trở thành các nấm mộ hoang, khu nghĩa địa cũng được xem là “rừng ma”, ít người dám đặt chân đến.
Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều vùng người Cơ Tu đã thay đổi cách nghĩ, nhiều phần mộ được chôn cất riêng ở khu nghĩa trang tộc họ hoặc gia đình nên việc chăm sóc, hương khói được quan tâm hơn.
“Vào những ngày cuối năm, đặc biệt là cận Tết Nguyên đán, người thân chọn ngày tổ chức đến dọn dẹp, viếng hương ngôi mộ người quá cố. Bằng niềm tri ân, tình cảm sâu đậm với người đã khuất, người Cơ Tu cầu mong nhận được sự phù hợp để cuộc sống ngày thêm an yên” - ông Plênh chia sẻ.
Ông Alăng Kích - người dân ở thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) cho biết, thông thường sau lễ cúng trên mộ phần, tất cả thành viên đi tảo mộ đều phải ngồi lại, ăn ít nhất một miếng thịt gà, hoặc xôi cúng tại chỗ, trước khi ra về. Nhiều thanh niên ngồi lại uống rượu và ăn cho hết phần thịt - lễ vật cúng, xem đó như sự tri ân và tôn trọng người quá cố.
Kết thúc buổi tảo mộ, người thân về nhà tổ chức cuộc “ăn giỗ” chung, thể hiện tấm lòng nhớ về người đã khuất trong ngày cuối năm.