Phát triển công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản
(VHQN) - Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.
Đối với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế...
Nguồn lực di sản chính là lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương. Xác định phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là điều nhiều địa phương đang hướng tới.
Báo Quảng Nam ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng: Lấy người dân làm chủ thể chính để phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Ngành công nghiệp văn hóa đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Chính nó sẽ làm đa dạng hóa cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Nên lấy người dân làm chủ thể chính để phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Người dân địa phương là người tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hóa của địa phương mình. Họ sẽ thấu hiểu những thế mạnh mang bản sắc của địa phương hơn bất kỳ người nào khác. Do vậy, việc nâng cao nhận thức, mở rộng sự hiểu biết của cộng đồng địa phương về ngành công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết.
Các địa phương của Việt Nam đều là những vùng đất giàu tài nguyên văn hóa. Mỗi miền đều có những bản sắc, câu chuyện lịch sử riêng. Làm thế nào để biến những tài sản văn hóa đó thành sản phẩm văn hóa đem lại giá trị kinh tế, rồi từ sản phẩm văn hóa chuyển thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách là câu chuyện không hề dễ dàng.
Do vậy, các địa phương cần chú ý việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến văn hóa sáng tạo, để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển của địa phương mình. Đồng thời cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Các địa phương cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp văn hóa và lĩnh vực du lịch với cách tiếp cận rằng công nghiệp văn hóa là động lực để phát triển du lịch, du lịch văn hóa là một bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ngược lại, du lịch là cơ sở để thúc đẩy công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa - nguồn tư liệu của ngành công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, địa phương cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang có quá trình số hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa văn hóa đến người tiêu dùng. Số hóa tạo nên sự thay đổi về chất trong các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, các địa phương cần tận dụng vai trò của công nghệ trong việc khai thác các tiềm năng lợi thế về văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng: Giá trị văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt
Du lịch văn hóa được xem là một trong các loại hình du lịch hết sức quan trọng, có khả năng tạo ra sự khác biệt, đồng thời là yếu tố quyết định sức hút trong phát triển du lịch. Đà Nẵng và một số địa phương khác ở miền Trung, từ nhiều năm nay đã thống nhất xây dựng thương hiệu chung là “Miền di sản diệu kỳ”, với mục đích phát huy các nhóm sản phẩm như “Hành trình di sản” hay “Con đường di sản miền Trung”… Đây là nhóm sản phẩm du lịch phát huy được các yếu tố văn hóa vùng miền rất rõ nhằm tạo sự khác biệt không chỉ với khách quốc tế mà ngay cả với khách du lịch trong nước.
Đến nay, dù chưa có đánh giá chi tiết về tỷ lệ sản phẩm du lịch văn hóa trong tổng thể các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng, tuy nhiên với những sản phẩm liên quan đến du lịch hiện có, dễ dàng nhận thấy các nền tảng văn hóa chiếm đa số. Có thể kể đến sản phẩm du lịch văn hóa về di sản, ẩm thực, văn hóa địa phương, nếp sinh hoạt cộng đồng…
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách, chiến lược để phát triển công nghiệp văn hóa, thế nhưng nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ, kể cả kinh tế và nhân lực chưa đáp ứng nên chưa có nhiều sản phẩm nổi trội. Do đó, vấn đề hiện nay là chúng ta phải biết phát huy thế mạnh của văn hóa như thế nào để mang đến sức hút hấp dẫn và sự khác biệt trong du lịch.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Quần thể di sản Huế có thể xây dựng thành phim trường
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhận thức của cả hệ thống chính trị về công nghiệp văn hóa, về nguồn lực, thế mạnh của mình là gì. Đặc biệt, phải có quyết tâm đầu tư xứng đáng, không chỉ về nguồn lực vật chất mà còn là đầu tư về con người, về cơ chế chính sách để khai thác công nghiệp văn hóa như thế nào mới hết sức quan trọng.
Đơn cử, như tỉnh Thừa Thiên Huế có quần thể di tích rất phong phú nên du lịch văn hóa chắc chắn phải là thế mạnh và xưa nay cũng đã khai thác tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại ở đó, mà còn thấy rõ Huế hoàn toàn có thể trở thành một phim trường trong nước và quốc tế, công nghiệp điện ảnh có thể đem lại cho Huế rất nhiều thứ từ việc khai thác các giá trị văn hóa di tích này.
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Cần thay đổi nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa
Nhìn tổng thể việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chưa như kỳ vọng. Vì vậy, Bộ VH-TT&DL cần sớm trình Chính phủ ban hành chiến lược mới với mục tiêu tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Phải nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó đặt công nghiệp văn hóa là một trong các điểm nhấn trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững.
Tất nhiên, bên cạnh đó còn nhiều giải pháp nữa nhưng phụ thuộc rất lớn vào ý chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo các địa phương, đồng thời phụ thuộc cả vào nhận thức của chủ thể cực kỳ quan trọng là người dân của từng địa phương đối với phát triển công nghiệp văn hóa. Nếu như nhận thức được vai trò, thế mạnh, ưu thế của công nghiệp văn hóa cũng như có lộ trình và những giải pháp thiết thực, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa vào năm 2025 - 2030 như kỳ vọng.
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình: Hỗ trợ người dân khai thác thế mạnh địa phương
Hiện nay, nhiều địa phương và điểm đến di sản tiêu biểu ở Quảng Bình đã và đang phát triển các sáng kiến, triển khai nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ nguồn vốn di sản.
Bên cạnh tài nguyên du lịch văn hóa, Quảng Bình có nhiều hang động tự nhiên kỳ vĩ đang được khai thác phát triển du lịch. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, kích thích phát triển du lịch từ các lễ hội, sự kiện văn hóa - du lịch cũng là một trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa mà Quảng Bình hướng đến trong tương lai.
Lễ hội là một sản phẩm văn hóa, nếu như chúng ta biết đẩy mạnh quảng bá, thông tin rộng rãi đến du khách sẽ có hiệu ứng kích cầu du lịch rất tốt. Để duy trì sức hấp dẫn của lễ hội, người dân ở địa phương phải là chủ thể, là người hiểu các giá trị và bản sắc riêng của lễ hội, giữ gìn giá trị của lễ hội một cách phù hợp trước bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định sẽ khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch làng nghề mạnh mẽ hơn. Quảng Bình sở hữu 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Ngoài giá trị kinh tế, các sản phẩm do làng nghề truyền thống làm ra còn thể hiện tinh hoa, sắc thái văn hóa của mỗi vùng quê, là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch làng nghề.
Tất nhiên, để thực sự khai thác được những tiềm năng to lớn này, ngoài yếu tố tự thân của các làng nghề trong việc gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, chính quyền các địa phương liên quan cần có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, hợp lý để hỗ trợ người dân khai thác những thế mạnh quan trọng này.