Con dâu trưởng

LÊ TRÂM 02/01/2023 07:33

(VHQN) - Câu chuyện dài kỳ “con đầu, dâu trưởng” của một cô gái bắt đầu bằng bữa giỗ đầu tiên ở nhà chồng sau khi về làm dâu. 

Trong ngày chạp mả, các cô, các chị chung tay lo việc bếp núc, trách nhiệm nặng nề nhất là những nàng dâu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trong ngày chạp mả, các cô, các chị chung tay lo việc bếp núc, trách nhiệm nặng nề nhất là những nàng dâu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cô dâu mới được phân công… cắt cổ gà. Nghe phân công, cô dâu giật mình bởi từ trước tới giờ có biết làm gà qué chi đâu? Biểu sao nghe vậy, không biết cứ làm khắc biết.

Hậu quả là sau khi con gà bị cắt tiết xong, vừa buông tay, nó bật vùng chạy ra bụi tre. Mà tre của nhà chồng thì um tùm, bao bọc quanh ba phía vườn. Phía gốc, toàn gai chà chươm dễ gì đuổi được. Thế là, cả nhà nháo nhác cùng nhau vây các phía rào để tóm cho kỳ được. Còn cô dâu thì trốn vô buồng để… khóc, bỏ cả bữa giỗ đầu (nhớ) đời ở nhà chồng.

Trong các loại được “tấn phong” có lẽ sợ nhất là được phong lên hàng dâu trưởng! Làm dâu, ngoài cái sự lạ nước lạ cái ở “nhà người” thì khủng hoảng nhất là phải lo các thể loại đám đình. Mà ở quê thì đám đình quanh năm.

Lại càng khổ khi nhà chồng thuộc loại đích tôn, quanh năm lo giỗ quảy cho cả… họ! Nhất là chạp mã! Bây giờ, người ta còn phân chia bớt cho nhà này nhà khác lo, chứ xưa kia toàn quy về nhà con trai đích tôn nên tất nhiên dâu trưởng phải cáng đáng hết.

Nhà nội chạp mả vào đầu tháng Chạp. Công việc cứ thế, đến hẹn lại lên, có vẻ lặng lẽ. Thế nhưng, hình như mẹ tôi, dâu trưởng đã sắp đặt mọi thứ đâu vào đó cả rồi. Đầu tiên là chuẩn bị gạo, nếp. Gạo cho các bữa cơm và nếp dành cho gói bánh các thứ và xôi các loại. Đi kèm là đậu phụng, đậu xanh, đậu đen. Mỗi thứ mỗi việc, phải chuẩn bị dần dần, suốt năm. Rồi, heo, gà bao nhiêu, “trí phần” sẵn đâu đó, nếu không đủ mới tính chuyện mua ở chợ.

Đàn ông chỉ lo phần cúng tế, chuyện bếp núc giao hết cho phụ nữ. Mà giao là giao vậy thôi chứ không biết nội dung như thế nào cả, ngoài chuyện năm nay làm chừng ấy mâm (vài chục mâm là chuyện thường ở quê)!

Chạp mả ở tộc nhà tôi khá nhỏ nhưng đã thấy vất vả huống chi các tộc họ lớn khác. Mức độ to nhỏ tùy theo sự được mất của mùa màng hay chuyện làm ăn. Mấy bà dâu nghe, cứ “chiếu” theo cái ý rất mơ hồ ấy mà tự sắp đặt cho ra chuyện. Rồi còn phải so sánh với nhà này nhà nọ, tộc này tộc kia. Mà ở quê thì chuyện này khó tránh.

Trong ngày chạp mả, các cô, các chị chung tay lo việc bếp núc, trách nhiệm nặng nề nhất là những nàng dâu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trong ngày chạp mả, các cô, các chị chung tay lo việc bếp núc, trách nhiệm nặng nề nhất là những nàng dâu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chuẩn bị lo đám, là khởi từ chuyện phân công đi chợ. Hồi trước, hàng hóa mỗi chợ mỗi thứ nên phải đi các nơi. Rau quả thì phải Hương An. Cá thì chợ Bà mới tươi ngon. Đi chợ Bà phải từ tinh mơ, bởi toàn đi bộ. Mà phải về lúc trời mờ sáng để còn lo sửa soạn các thứ.

Xong việc, mỗi bà sẽ trình “tờ sớ” gồm tất cả khoản chi phí đi chợ để cánh đàn ông lo liệu, nghĩa là sau đám sẽ chia các chi phí cho từng nhà con cháu nội, sau khi trừ phần “đi đám” của con cháu ngoại.

Kế đến là chuẩn bị cho việc chế biến. Hồi trước, kinh tế khó khăn, người về dự lại đông nên chạp mả nhà nào cũng làm món canh môn. Rồi gọt bí, bầu, cà rốt; xắt hành, kiệu, nén; giã tiêu, tỏi… Thêm, làm gà, heo.

Không thể thiếu là bữa tiên thường cho các ông lai rai vào ngày trước bữa chạp. Có tộc tổ chức tiên thường những ba, bốn mâm, để anh em, bà con trong tộc lâu ngày ngồi lại với nhau chuyện trò.

Nấu cho ra món ra tấm với mấy trăm người ăn không phải là chuyện dễ! Phải sắm/ mượn nồi to nồi nhỏ. Phải dựng bếp lớn bếp nhỏ, có cả những lò lớn để nấu bánh chưng bánh ú bánh tét.

Cái gì làm được mấy ngày trước thì làm, còn lại đến sáng ngày chạp lo sớm. Mọi thứ cứ chuẩn bị sẵn đó, ba bốn giờ sáng là xáp vào. Cả đêm đỏ lửa. Nếu không cắt đặt đâu vào đó, mọi chuyện sẽ dồn hết vào… nàng dâu trưởng.

Dọn mâm cúng cho đủ lễ đã mệt! Trong khi các ông khăn áo chỉnh tề khấn vái sì sụp trong tiếng chiêng trống trang trọng và rộn ràng thì dưới bếp các bà các cô dưới sự chỉ đạo của bà dâu trưởng càng thêm khẩn trương.

Dọn mâm để đãi mọi người là một câu chuyện dài. “Phải ưu tiên hết cho con cháu ngoại!”. Vai lớn ngồi trước đến vai nhỏ hơn rồi các vai be bé. Khi người ta ngồi mâm, các bà dâu phải coi trước ngó sau để bưng thêm. Nếu hết thì phải tìm cách nói khéo cho qua chuyện!

Khi mọi chuyện đã xong đâu vào đấy, những người đàn ông của họ tộc hỉ hả trà nước nói chuyện tộc họ, chuyện làng nước khề khà thì các bà (tất nhiên vẫn phải dưới sự cắt đặt của bà dâu trưởng) xúm nhau… rửa chén bát. Sau đó, lại mang trả đồ đạc đã mượn… Rồi coi tính tiền tính bạc trả lại cho người đã đi mua sắm trước đó.

Công việc hòm hòm thì có khi đã… nửa đêm. Lúc này dâu trưởng chỉ mong được ngả lưng một chút để còn sức cho ngày mai. Và, nhiều lúc sực nhớ mình chưa có chi vào bụng!

Bây giờ, các dịch vụ nấu ăn đã có sẵn,  cứ gọi dịch vụ là xong. Thế nhưng, nhiều nơi, nhiều nhà, nhiều “công đoạn” nặng nề vẫn chưa chấm dứt hẳn. Nên “câu chuyện vẫn còn tiếp tục” và có vẻ còn lâu mới dứt. Tôi dám khẳng định điều này bởi tôi cũng là… cháu đích tôn nên hiểu rất rõ. Hiểu và cảm thông, chia sẻ cùng các nàng dâu, nhất là dâu trưởng!

LÊ TRÂM