Kết nối di sản tương đồng
Di sản Nghệ thuật khèn của người Mông, Lễ mừng cơm mới/ lúa mới của người Bru - Vân Kiều, Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là những loại hình di sản được lựa chọn để thực hành dự án kết nối di sản tương đồng trong mối tương quan cùng du lịch ở quy mô vùng...
Dự án “Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng” đang bắt đầu có những thành quả đầu tiên. Tại Quảng Nam, dự án lựa chọn nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tại huyện Đông Giang để triển khai.
Bảo vệ và phát huy bền vững di sản
Ông Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hóa cho biết, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy để có thể trở thành tiềm lực văn hóa phục vụ cho chính cộng đồng. Dù thông qua các chương trình kiểm kê, xây dựng hồ sơ để đưa vào danh mục DSVHPVT nhưng mức độ bảo tồn vẫn chưa tương xướng.
Trong đó, Di sản Nghệ thuật khèn của người Mông, Lễ mừng cơm mới/ lúa mới của người Bru - Vân Kiều, Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là những DSVHPVT tiêu biểu, phân bố ở một số địa bàn có cộng đồng các dân tộc liên quan sinh sống.
“Những di sản này đều đối diện với nguy cơ mai một do ngày càng ít người truyền nghề, người theo học và sử dụng, không cạnh tranh được với các sản phẩm tiện dụng, hiện đại, sự thu hẹp của môi trường diễn xướng, vùng nguyên liệu, không gian thực hành…
Cộng đồng các dân tộc thiểu số là chủ thể văn hóa các di sản này cũng là nhóm yếu thế, ít có cơ hội được tham gia các sự kiện giao lưu để quảng bá sản phẩm, nhất là với loại hình di sản mang tính đặc thù nghi lễ, tập tục. Khách du lịch vì thế cũng khó tiếp cận với các di sản này và cũng không có cơ hội để sử dụng các dịch vụ liên quan tới di sản” - ông Phạm Cao Quý nói.
Vì lẽ đó, việc xây dựng các điểm có cộng đồng thực hành di sản thành những điểm đến du lịch để kết nối tạo hành trình du lịch di sản được xem là điều quan trọng.
Đây cũng là lý do để Cục Di sản văn hóa triển khai dự án “Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng”, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án nhằm xây dựng các mối liên hệ giữa những cộng đồng có di sản tương đồng để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, bí quyết và tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau trong thực hành và trao truyền di sản của cộng đồng.
Dự án lựa chọn các điểm có di sản tương đồng của các dân tộc thiểu số, từ Nghệ thuật khèn của người Mông ở Hà Giang và Lào Cai, Lễ mừng cơm mới/ lúa mới của người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình và Quảng Trị, Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Đây là các di sản phân bố ở các địa bàn liền kề, đồng thời cộng đồng chủ thể nắm giữ di sản có khả năng và tiềm năng thực hiện, triển khai và áp dụng mô hình hiệu quả.
Tôn vinh nghề dệt thổ cẩm
Ating Thị Thúy - xã Sông Kôn, huyện Đông Giang - là một trong những thành viên tham gia tổ dệt được hình thành theo mô hình của dự án, tự tin thực hành nghề dệt truyền thống cùng các chị em lớn tuổi trong vùng.
Thúy nói, ngày trước làng chỉ có nghệ nhân Bling Thị Tren cùng những người bà lớn tuổi ngồi dệt, nay thì phụ nữ Cơ Tu nào cũng biết cách căng khung chỉ và dệt nhiều loại trang phục đơn giản.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng, riêng với người Cơ Tu, họ bảo lưu một cách tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề dệt và trang phục. Mỗi sản phẩm dệt Cơ Tu có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có.
Hơn thế nữa, nó như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu không chỉ là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú.
Trong khuôn khổ dự án, không chỉ có các hoạt động bảo tồn nghề truyền thống, hướng dẫn cộng đồng tự kể câu chuyện di sản của mình thông qua các phương tiện hiện đại cũng được xem là cách thức để bảo lưu giá trị văn hóa cộng đồng.
Kể chuyện di sản bằng phương pháp Photovoice được lựa chọn để đông đảo đồng bào thực hành. Photovoice là “tiếng nói của những bức ảnh”, nghĩa là sự kết hợp giữa các bức ảnh do người trong cộng đồng tự chụp và các câu chuyện kể của chính họ.
Tại huyện Đông Giang, ngay khi dự án triển khai vào tháng 9/2022, liên tục các đợt tập huấn về cách thức sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh cho cộng đồng được Cục Di sản văn hóa tổ chức.
Để sau 3 tháng thực hiện, những ngày cuối năm 2022, hai bộ phim giới thiệu về các tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm, những giá trị văn hóa truyền thống bao gồm gươl, trang phục, sinh hoạt thường ngày của cộng đồng Cơ Tu tại Đông Giang ra đời do chính cộng đồng người dân thực hiện. Cùng với đó là hàng loạt hình ảnh trong suốt quá trình triển khai dự án được bà con ghi lại.
Một tour du lịch mang tên “Dệt dải thổ cẩm Cơ Tu”, kết nối vùng dệt Cơ Tu tại huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) và huyện Đông Giang đang trong những bước đi đầu tiên. Một điểm giao lưu trình diễn, thực hành di sản tương đồng giữa các cộng đồng chủ thể DSVHPVT trong hành trình kết nối du lịch đang từng ngày một được kỳ vọng...