Ký ức chạp mả tộc

ĐINH VĂN DŨNG 31/12/2022 07:54

Sau ngày quê hương giải phóng vào năm 1975, hồi đó, tôi chỉ là cậu bé lên 8, lên 9, đen nhẻm, từ Cẩm Hà, Hội An theo dì về quê nhà Điện Dương, Điện Bàn. 

Trong ký ức ngây ngô của tôi, ngày ấy quê tôi là một bãi tha ma. Rồi bà con dân quê tản cư chạy giặc từ khắp nơi về lại quê hương lo dựng lại nhà cửa, khai hoang vỡ hóa ruộng đồng, lo cái ăn, cái mặc.

Khi cuộc sống tạm ổn định, các dòng tộc đều đôn đáo lo khôi phục mồ mả ông bà tổ tiên do chiến tranh tàn phá, hầu như bị thất lạc rất nhiều, có khi phải tìm kiếm nhiều lần mới được.

Sửa sang mộ phần ông bà, tổ tiên là trách nhiệm của con cháu trong ngày chạp mả. Ảnh tư liệu
Sửa sang mộ phần ông bà, tổ tiên là trách nhiệm của con cháu trong ngày chạp mả. Ảnh tư liệu

Ký ức về những lần chạp mả tộc bên ngoại vẫn hằn sâu trong tôi. Mỗi năm, vào khoảng tháng 11, tháng Chạp, các tộc họ, chi phái trên địa bàn xã đều tổ chức chạp mả tộc, phái. Ngày ấy, hầu như các tộc họ đều chưa xây dựng nhà thờ nên phải tổ chức chạp mả tại nhà ông tộc trưởng.

Nhiều tộc họ thông thường tổ chức 3 năm hoặc 5 năm một lần mời đông đủ con cháu nội ngoại trong tộc, còn lại hàng năm thì tổ chức cúng đơn giản “trầm trà”, thành phần chỉ gói gọn các vị trong hội đồng gia tộc.

Trước hôm chạp mả vài ngày, tộc họ huy động tập trung con cháu đi giẫy mả ở nghĩa địa của xã và một số nằm rải rác ở những gò đất, bờ ruộng khắp thôn, xóm trong làng. Đồng thời sau khi tính toán thực đơn, tộc phân công một vài chị xuống chợ Hội An, vào chợ Lai Nghi mua rau củ quả về chuẩn bị đám chạp.

Heo thì phân công người trong tộc họ nuôi một con rồi để đến ngày chạp mả xẻ thịt. Tôi nhớ như in hầu như ngày ấy chạp mả tộc chỉ có thịt heo là món chủ lực, tất tần tật các món đều từ thịt heo.

Nhiều vùng quê nghèo khó ngày nào đã lên phường lên phố. Nhưng tục lệ chạp mả ở quê vẫn được các tộc họ định kỳ tổ chức. Đời sống kinh tế bây giờ phát triển nên chạp mả ở quê cũng khác xưa nhiều.

Hầu hết tộc họ đều tổ chức chạp mả tại nhà thờ tộc, chi phái được xây dựng quy mô, hoành tráng. Nghi lễ cúng ngày chạp mả bài bản, tôn nghiêm. Lễ cúng cũng đủ đầy các thức.

Trong tiếng chiêng trống và khói trầm hương nghi ngút, tất cả con cháu chắp tay đứng xếp hàng theo thứ tự, lặng yên lắng nghe tộc trưởng đọc tế văn từ trong gian thờ chính.

Những tình cảm thiêng liêng đối với cội nguồn gia tộc vốn dĩ dễ bị lẩn khuất do bôn ba mưu sinh có dịp bừng thức, như luồng mạch chảy trong huyết quản. Mỗi người cảm nhận được hơi ấm của tình thân, thấy được trách nhiệm của mình đối với gia đình, dòng tộc.

Nhân dịp chạp mả, nhiều dòng tộc còn tổ chức tuyên dương, khen thưởng gương con cháu hiếu học, vượt khó học giỏi; gia đình văn hóa tiêu biểu, tộc họ, chi phái văn hóa tiêu biểu.

Gần đây, nhiều dòng tộc hình thành câu lạc bộ “Nàng dâu hiếu thảo”, câu lạc bộ con dâu, con gái... nhằm gắn kết tình thân tộc họ để chia sẻ thông tin, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

ĐINH VĂN DŨNG