Về nhà chạp mả
Cuối năm, những đứa con xa lại được dịp nghe quê nhà gọi với một niềm tha thiết nhớ, là cái hẹn với cội nguồn để tất bật quay về: chạp mả.
Trong bộn bề công việc của cuối năm, có lẽ chạp mả là dịp tề tựu đủ đầy nhất của gia đình, dòng tộc. Hai mùa mưa nắng của dải đất miền Trung, có thêm cái rét tháng Chạp đưa về theo những cơn gió mùa đông bắc, càng làm dậy lên nỗi nhớ quê, nhớ nhà. Có lẽ vì thế mà lòng cứ nôn nao khi nghe tin ba mẹ điện nhắc từ cả tháng trước, rằng thu xếp để về quê, về làng chạp mả.
Ký ức trong tôi
Ký ức trong tôi của những ngày còn nhỏ, là lăng xăng quanh hiên nhà ngoại, cái hiên đất nhỏ, rợp mát hàng dây mướp đã lên xanh, chờ người lớn sai vặt mua cái này, thức kia cho lễ chạp. Quanh sân, má tôi, mấy dì, mấy mợ ngồi xay nếp, lặt rau, mớ gạo nếp thơm lừng đã được bà ngoại cẩn thận cất giữ từ vụ mùa trước để dành cho ngày đám chạp.
Phía sau nhà, cậu, dượng mổ heo, thứ heo quê được nuôi từ rau cám mập tròn, thơm mùi củi bếp từ nồi nước sôi sùng sục. Không khí chộn rộn mà vui, những chuyện trò từ đời sống, chuyện cháu con xa quê lập nghiệp, chuyện quê xứ... cứ thế tuôn ra, tiếp nối cho không khí ấm áp thân tình. Nhà ngoại, hình như chỉ có đám chạp và giỗ tộc là vui nhất.
Chạp mả, nhà ngoại tôi đông người, nên thường từ hôm trước đã tề tựu để lo chuẩn bị. Mờ sáng, khi các dì, các mợ còn tất bật với mâm cơm ở nhà ngoại, ba tôi cùng các cậu, dượng tập trung đưa con cháu lên nghĩa trang gia tộc để dọn cỏ, thắp hương ông bà. Nắm đất được đắp lên từng nấm mộ, nhắc nhớ về máu mủ ruột rà. Mùi nhang trầm thơm phảng phất.
Lũ trẻ chúng tôi sau khi thắp nhang cho người trong tộc, lại được phát một nắm nhang, cắm quanh những mộ phần ở gần đó, mà theo lời người lớn, là để “hàng xóm” của ông bà “ấm” hơn trong mùa chạp mả. Trong buổi sớm mai tĩnh lặng, có một sợi dây nối kết huyền nhiệm giữa những người đã khuất với lớp lớp con cháu hôm nay, trong thứ mùi vị rất quê nhà...
Nhiều năm sau này, khi điều kiện sống đã tốt hơn, những ngôi mộ cũng được xây sửa khang trang, ốp đá, lát gạch, tộc nào có điều kiện còn làm hẳn mái che cho mộ của ông bà. Không giẫy dọn cỏ nữa, thì quay sang dọn rêu trên mộ, tô sơn lại chữ khắc trên bia. Không còn cực nhọc, nhưng vẫn là bảng lảng khói nhang linh thiêng của ngày chạp mả, như trao truyền tục lệ đẹp của quê nhà, dòng tộc.
Cơ hội gắn kết tình thân
“Thằng cu nớ con nhà ai?”; “Bé cháu ni lâu rồi mới thấy về quê!”; “Đây là mộ của ông ngoại bác”; “Kia mộ dì”... Thăm mộ cũng là dịp để con cháu biết đến bà con dòng tộc, biết đến ông bà, khi cha mẹ chúng mải miết mưu sinh suốt cả năm ròng xa quê xứ.
Xong việc giẫy mả ở nghĩa trang, cả dòng họ lại được dịp quây quần bên nhà tộc, bày biện lễ cúng. Dự phần những đám chạp mả, đôi lúc bất ngờ vì những người bạn, người anh em mới nhận ra nhau mình là... bà con.
Tôi về quê chạp mả bên nhà vợ ở Tam Hòa (Núi Thành), gặp ông anh đồng nghiệp đã quen thân từ nhiều năm, ngồi bắt chuyện mới hay dây mơ rễ má thế nào anh lại là... cậu họ hàng khá gần bên vợ. Về phố, “cậu vợ” thi thoảng lại gọi... “em cháu” xuống nhà chơi, nhất là khi có bà con ở quê lên thăm nhà và ngược lại. Tình bằng hữu, thêm tình máu mủ họ hàng, càng dễ sẻ chia nhiều điều.
Ở thời hiện đại, ngược xuôi theo cuộc mưu sinh, những lúc trở về quê xứ, mới nhận ra người này còn người kia mất, biết anh biết em. Có cả chuyện đôi bạn trẻ mới tìm hiểu nhau, dẫn về dự đám chạp mả mới biết có họ hàng khá gần, nhờ người lớn phân tích mà tránh được chuyện yêu đương gần huyết thống...
Mỗi khi về nhà đám chạp, tôi thấy được không chỉ những tảo tần, mà cả thương yêu, chăm lo từ người lớn trong tộc họ đến cả những đứa nhỏ xúm xít bên chân người lớn, thấy nghĩa xóm làng trong từng tấm bánh gói mang sang nhà bên. Hoàn toàn không phải là nghĩa vụ, đó là thứ tình cảm thiêng liêng, là niềm hạnh phúc khi được dự phần, là cơ hội trải nếm ân tình máu mủ.
Một người anh viết, dọn cỏ cho nơi yên nằm của người đã khuất, là dọn mình cho tâm hồn lắng đọng yêu thương. Thật thế, nên những cuộc gọi cuối năm về làng chạp mả cứ đau đáu trong lòng.
Cuộc mưu sinh thì muôn dặm, với kẻ xa quê còn thêm lắm nỗi gieo neo, nên con cháu có lẽ cũng khó đủ đầy như ngày trước. Vắng người này, thiếu người kia, có lẽ cũng là bất khả, nhưng cứ dấy lên nỗi áy náy khôn cùng. Vậy nên, cũng cố về, để một lần nữa thấy thương quê, để nhắc nhớ và quý yêu nguồn cội...