Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ

HỨA XUYÊN HUỲNH 30/12/2022 09:30

(VHQN) -  Lời văn tế “nhơn sanh hồ tổ” xướng lên ở nhà thờ tộc mượn ý từ sách xưa, hay câu ca dao “Con người có tổ có tông…”, tất cả gợi nhắc một tập quán tâm linh luôn đánh động tâm thức người miền Trung: chạp mả.

Phía trước một nhà thờ tộc dịp chạp mả ở miền Trung. Ảnh: LÊ PHI
Phía trước một nhà thờ tộc dịp chạp mả ở miền Trung. Ảnh: LÊ PHI

Ấm ngày giỗ chung

Một người họ Nguyễn ngụ cư tại khu phố mới bờ nam sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng) vừa về quê ở mé trên ga Lệ Trạch (Hòa Vang) chạp mả, nhắc tôi nhớ các tộc họ miền Trung đang vào kỳ lễ tế quan trọng trong năm.

Qua khảo cứu của Võ Văn Hòe, tác giả cuốn “Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời”, ngoài ngày kỵ giỗ riêng, mỗi năm người xứ Quảng có 2 lần kỵ giỗ chung: ngày tu tảo phần mộ và ngày tết.

“Chạp mả là ngày giỗ chung của những vị tiền hiền, tiền bối, cao tổ của dòng họ. Ngày ấy tất cả con cháu, nội ngoại đều tề tựu về từ đường hành lễ”, ông viết. Và cũng bởi trong mỗi gia đình, việc thờ tự chỉ tiến hành đến đời thứ tư trở xuống còn từ đời thứ năm trở lên được thờ tại nhà thờ tộc họ, nên “ngày giỗ chung” càng trở nên quan trọng.

Với người xứ Quảng, theo nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, không vì cuộc sống khó nhọc mà họ bỏ những ngày giỗ kỵ để tưởng nhớ người thân đã qua đời nơi vùng đất mới đến khai cơ lập nghiệp, và cũng bởi đấy là truyền thống lâu đời của người Việt.

Dường như ai cũng có “lời hẹn giỗ chạp” của riêng mình, cứ lặp lại mỗi năm, theo đúng nghĩa là tập tục của một vòng đời. Vòng đời ấy bắt đầu từ với một đứa trẻ, theo chân người lớn ra nghĩa địa sửa sang mồ mả để “nhận diện” người thân.

Rồi đứa trẻ được ông bà cho mở cửa vào bên trong nhà thờ tộc, dịp lễ trọng nào đó còn được cho xem gia phả để hình dung “cây phả hệ” rậm rạp thế nào. Khi đủ tuổi gánh vác và cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nỗi thao thức cội nguồn cứ thế dạt dào, luân chuyển…

Trẻ con xứ Quảng theo người lớn viếng mộ tổ tiên, ông bà dịp chạp mả cuối năm. Ảnh: H.X.H
Trẻ con xứ Quảng theo người lớn viếng mộ tổ tiên, ông bà dịp chạp mả cuối năm. Ảnh: H.X.H

Trong bài “văn tế chạp mả” được nhà nghiên cứu Lê Duy Anh từng cất công sưu tầm ở xứ Quảng, tôi đọc thấy có mấy câu: “Tiên linh. Nhơn sanh hồ tổ, vật bổn hồ thiên. Tổ đức tôn công ngưỡng tài bồi chi ký hậu. Thiên kinh địa nghĩa niệm báo đáp chi nghi nhiên”…

Mới hay, “nhơn sanh hồ tổ, vật bổn hồ thiên” (con người sinh ra có tổ tông, vạn vật gốc ở trời) thường được các bậc trưởng thượng xướng lên ở nhà thờ tộc vừa hàm ý tri ân, vừa nhắc nhở con cháu giữ gìn gốc gác.

Lời văn tế chạp mả xứ Quảng càng thêm sức nặng, khi mượn ý trong sách “Lễ ký”: “Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ” (Muôn vật gốc ở trời, người gốc ở tổ). Khi dẫn lại câu này của sách “Lễ ký”, chính học giả Trần Trọng Kim cũng cao hứng nhận xét: “Ngoài việc thờ trời ra, thì việc thờ tổ tiên là trọng hơn cả” (Nho giáo, thiên 1, NXB Thời đại 2012, trang 39).

Chung và riêng

Chạp mả, dù ở vùng nào, thường giống nhau ở 2 “công đoạn”: ra nghĩa trang sửa sang nấm mộ người thân, về nhà thờ tộc dâng lễ cúng. Nhưng theo thời gian, có nhiều sự khác nhau.

Trước hết là ở thời điểm. Phần lớn chọn dịp cuối năm, để mồ mả ông bà trở nên tươm tất hơn trước khi đón xuân mới. Song vẫn có tộc họ chuyển sang ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, trùng với lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Có tộc lại bày lễ vào dịp Thanh minh.

Từ Hà Tĩnh trở ra, thậm chí dịp cuối năm con cháu chỉ ra nghĩa địa nhổ cỏ, giẫy mả rồi về nhà riêng thắp hương mà không làm giỗ chung. Họ chờ đến rằm tháng 2 hoặc rằm tháng 7 âm lịch năm sau. Nhiều tộc họ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), đến rằm tháng 7 con cháu mới tụ tập đông đủ trong ngày “đi họ”.

Nhìn vào số lượng con cháu sum họp mỗi kỳ chạp mả, có thể hình dung tộc họ ấy lớn hay nhỏ. Đây cũng là điểm khác biệt nữa. Người hàng xóm họ Nguyễn vừa chạp mả (ở trên đã nhắc) khi trở về tỏ ý tiếc rẻ vì chạp mả năm nay trúng vào ngày thứ Năm, con cháu không tiện thu xếp công việc nên tiệc chỉ có khoảng 50 người. “Tộc của mình chỉ là bán chi, không nhiều con cháu, nhưng nếu chạp mả trúng vào ngày cuối tuần thì thường có đến 80 người” - ông nói.

Ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bây giờ, nhiều tộc họ con cháu đề huề đến nỗi phải chia hẳn “vai vế” chủ - khách. Hôm ấy, chủ (con cháu nội) lo “phục vụ” khách (con cháu ngoại).

Ở bên kia đèo Hải Vân cũng vậy. Một người họ Phạm ở làng Cổ Lão, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) cho hay, kỵ giỗ dịp chạp mả thậm chí phải làm trước một ngày để dành riêng cho con cháu ngoại, hôm sau mới đến lượt con cháu nội…

Ngược về quá khứ, dường như “chạp mả” không được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận đầy đủ. Khảo cứu về “tứ thời tiết lạp” trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính cũng chỉ đề cập Tết Thanh minh, tục của người Trung Hoa. Và cũng chỉ vỏn vẹn có 5 câu, quá ngắn so với những mô tả về Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…

“Ta không ăn Tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên”, cụ Phan Kế Bính viết.

Gạn đục hơi trong

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân từng đặt nghi vấn rất thú vị về những lưu dân hành phương Nam, rằng họ thoát vùng đất cũ với hy vọng của kẻ đánh bạc chẵn lẻ: hoặc mất, hoặc được tất cả. Chứ dễ gì người xưa chịu đoạn tuyệt mồ mả ông bà để tha phương cầu thực…

Chính những hạng lưu dân theo chân binh lính của Phạm Nhữ Dật (con thứ năm của danh tướng Phạm Ngũ Lão) vào vùng kế cận của châu Ô, châu Rí để lập nên Thăng Hoa đã gợi lên nghi vấn ấy.

Về làng. Ảnh: VIÊN TĂNG
Về làng. Ảnh: VIÊN TĂNG

Khi đáp lời chiêu mộ của chúa Nguyễn, họ mang đai bị, gồng gánh thực phẩm, dẫn dắt trâu bò, vác cuốc lên đường vượt đèo Hải Vân vào vùng đất mới và rộng “để gây một cái ý niệm về hai chữ Quảng Nam”. Lúc đó họ có tâm sự gì? Trong khảo luận “Khi những lưu dân trở lại”, nhà văn Nguyễn Văn Xuân tự lý giải: “Có lẽ họ chết nửa tấm lòng khi phải vĩnh viễn rời quê hương, nhưng cũng mang theo niềm hy vọng thoát ly đời sống khốn khổ”.

Trải nhiều đời, đất mới đã thành đất cũ, đất cũ đã thành quê hương, không phải đoạn tuyệt mồ mả ông bà nữa, thì ngày giỗ chung của tiền hiền (chạp mả) được manh nha và lâu dần thành tục lệ.

Nhiều tộc họ lấy ngày chạp mả làm dịp “điểm danh” con cháu nội ngoại. Biết bao nhiêu chuyện lớn, chuyện chung được bàn thảo và khởi sự. Ngọn lửa hiếu học cũng thường thắp sáng từ đây, ngợi khen những đứa trẻ học giỏi hoặc chìa bàn tay nâng đỡ những đứa trẻ cơ cực…

Tôi hình dung chạp mả cứ như một “hàn thử biểu” để đo đếm sự ấm lạnh của một tộc họ. Bà con ở quê hẳn sẽ chạnh buồn nếu kỳ chạp mả năm ấy thiếu vắng nhiều con cháu. Không về kịp, có nghĩa con cháu không kịp thu xếp công việc. Hoặc đau ốm. Hoặc như những lưu dân thuở xưa mà nhà văn Nguyễn Văn Xuân từng nhắc, đang phải mưu sinh phương xa mà “chết nửa tấm lòng”…

Sau “lễ” thường có “hội”, mà lắm hội cũng… tả tơi. Gánh nặng tài chính, các khoản góp, chút tự ti về thu nhập đôi khi níu chân nhiều người. Rồi va vấp trong ứng xử, trong trao đổi về chuyện họ tộc rất dễ làm bùng phát mâu thuẫn.

Ngay từ năm 1915, cụ Phan Kế Bính từng gợi ý về chuyện giỗ chạp, “giá thử dùng cách nào thanh lịch mà đỡ phiền phí thì có lẽ tiện hơn”. Ấy là bởi cụ Phan nhận thấy chuyện cúng cấp tuy không tốn kém bao nhiêu nhưng nhiều nhà cứ lấy cớ nay giỗ mai tết, sinh ra khốn khó. Chưa kể chuyện anh em khích bác nhau, trách người này một nén hương chẳng mất, người kia keo kiệt…

Người Việt có tục phụng sự tổ tiên rất thành kính, một lòng bất vong bản (không quên gốc gác). “Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên”, lời phê của cụ Phan Kế Bính rất thời sự. Và hẳn các tộc họ ngày nay phải biết cách gạn đục khơi trong, để câu ca xưa càng thêm tha thiết: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.

HỨA XUYÊN HUỲNH