Chạp mả vị tha nhân

LÊ THÍ 28/12/2022 08:27

(VHQN) -  Chạp mả của người Việt là một phong tục đẹp, để con cháu cùng nhớ về tổ tiên, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và nhất là thắt chặt thêm tình đoàn kết gia tộc, giềng mối căn bản của xã hội.

Về quê. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Về quê. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Chạp mả hay tảo mộ

Tháng Chạp là tháng cuối năm âm lịch: “chạp” là âm Nôm, có nguồn gốc từ lạp (臘) của chữ Hán. Chữ lạp bao gồm  chữ nhục (月) là thịt và chữ liệp (”獵) là săn bắt. Ngày trước người Tàu thường làm nghề săn bắt. Đến mùa đông giá rét, tháng này nghỉ săn nên phải tích trữ thịt để làm thực phẩm. Họ gọi tháng cuối năm là “Lạp nguyệt”.

Vào tháng Chạp người Việt nói chung, người Quảng Nam nói riêng có một ngày lễ lớn gọi là Kỵ Lạp, dân gian gọi là chạp mả được tự điển tiếng Việt định nghĩa là “thăm và sửa sang lại mồ mả tổ tiên trong tháng Chạp, theo tục lệ cổ truyền”.

Có nơi gọi chạp mả là tảo mộ. Thực ra hai việc này chỉ giống nhau ở chỗ thăm và sửa sang mồ mả còn lại hoàn toàn khác nhau: Tảo mộ có gốc từ Tàu, diễn ra vào tiết Thanh minh (từ 6/4 - 21/4), còn chạp mả diễn ra trước và trong tiết Lập xuân (trước ngày 20/2 dương lịch).

Tảo mộ có quy mô nhỏ, chỉ diễn ra ở không gian khu mộ táng; chỉ việc tu sửa phần mộ rồi hương hoa tưởng nhớ người đã khuất; mang tính gia đình. Còn chạp mả có quy mô lớn hơn, thường diễn ra ở không gian khu mồ mả và nhà thờ tộc; các thành viên tham gia thuộc tộc họ.

Chạp mả có tính nhân văn cao hơn vì thực hiện vào tháng Chạp là thời điểm sau lụt lội, mồ mả có thể bị sạt lở, hư hỏng. Mặt khác người Việt quan niệm “sống cái nhà, già cái mồ”. Xuân về tết đến họ luôn sửa sang dọn dẹp lại nhà cửa của mình cho mới, cho đẹp vì thế cũng không quên chăm sóc “ngôi nhà” của ông bà tổ tiên, để đón Tết.

Chạp mả mang 3 ý nghĩa lớn: Thứ nhất là sửa sang mồ mả (căn nhà) cho ông bà tổ tiên để chuẩn bị đón năm mới. Thứ hai là giáo dục cho con cháu về nguồn gốc dòng. Thứ ba là dịp để con cháu quây quần bên mâm cỗ cùng chia sẻ chuyện dòng tộc, chuyện buồn vui trong cuộc sống, thắt chặt tình gia tộc vốn là cơ sở quan trọng nhất của thiết chế xã hội ta.

Chạp mả gồm các hoạt động chính sau: phân công nhau đi “giẫy mả” ông bà tổ tiên theo từng chi phái; tập trung về nhà trưởng tộc, trưởng chi hay từ đường để làm lễ cúng.

Sau lễ cúng là bàn chuyện họ tộc (thông báo những công việc đã và sẽ thực hiện, báo cáo thu chi, đóng góp bên phía nội và “cúng hương” - dành cho bên ngoại..); cũng nhân dịp này có họ tộc còn xin phép ông bà cho giở gia phả để bổ sung người mới bằng bút đỏ và tô nét màu đen vào tên những người đã mất theo phong tục “sinh chu, tử mặc” (sống đỏ, chết đen). Cuối cùng là liên hoan ăn uống.

Ngoài ra, ở một số làng quê vào tháng Chạp sau khi chạp mả họ là chạp mả âm linh, là việc giẫy mả và cúng tế cho những ngôi mộ vô chủ.

“Đặc quyền” con cháu ngoại

Ở một số vùng, khi chạp mả có phong tục là con cháu bên ngoại được “ưu tiên tối đa”. Không những không phải đóng góp theo kiểu “đếm đầu chia xôi” như con cháu nội, mà chỉ đóng góp theo “tùy hỷ”, tùy theo điều kiện và tấm lòng thông qua việc “cúng hương”.

Nhiều người cho rằng phong tục “ưu ái con cháu bên ngoại” trong ngày chạp mả có lẽ xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ của thời phong kiến trước đây. Người ta cho rằng “nữ nhi ngoại tộc”. Con trai mới là con ta, những người sẽ nối dõi dòng tộc, con gái là con nhà người ta, sẽ có nghĩa vụ với một dòng tộc khác, dòng tộc bên phía nhà chồng.

Chạp mả là công việc của dòng tộc nên phía bên nội phải có trách nhiệm hoàn toàn và đối với con cháu bên ngoại - xem như khách. Mà “khách” thì chỉ có “tình cảm” chứ không phải “nghĩa vụ”. Là khách nên phải được đối đãi tử tế: được ngồi ăn trước, không phải làm việc, không bắt buộc đóng góp.

Ưu ái với “con cháu bên ngoại” vừa thể hiện tình cảm nhưng cũng vừa khuyến khích họ “trở về”, tham gia đầy đủ sinh hoạt của dòng tộc. Ngày trước người ta quan niệm dòng tộc nào có đông con cháu (biểu hiện qua các ngày giỗ chạp, cúng bái) là một dòng tộc “phát”. “Dòng to họ lớn” là niềm hãnh diện của cả dòng tộc với làng xã.

Mặt khác, con gái xuất giá về nhà chồng, phải có nghĩa vụ với dòng tộc bên chồng. Cha mẹ và dòng tộc phải tạo điều kiện thuận lợi (không bắt buộc các khoản đóng góp) để con gái thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ làm tốt nghĩa vụ đối với phía gia tộc bên chồng thì cha mẹ và dòng tộc cũng được thơm lây.

Một điều thực tế và tế nhị nữa là ngày trước con cháu bên nội thường sống quây quần trong làng nên ở gần, còn con cháu bên ngoại thường là người làng khác nên ở xa. Cho con cháu ngoại ăn trước vừa thể hiện sự “tử tế” cũng là tạo điều kiện cho các cháu kịp về lại nhà mình. Con cháu bên nội ở gần ăn sau một tí và nếu rủi có thiếu cũng không sao, “còn chi ăn nấy”!

Việc ăn uống ngày nay không còn quan trọng như cái thời “một miếng thịt làng bằng một sàng xó bếp”, việc ưu tiên tuyệt đối cho con cháu bên ngoại cũng giảm dần. Bản thân con cháu bên ngoại cũng không muốn được ưu tiên.

Tham dự ngày chạp mả bên ngoại là để họ thể hiện đạo hiếu, chia sẻ trách nhiệm và chung vui cùng dòng tộc nên phần lớn tham gia mọi công việc và con cháu hai bên nội, ngoại cùng quây quần vui vẻ với nhau trong một mâm.

Nhiều con cháu bên ngoại có điều kiện còn “cúng hương” cho phía bên nội những khoản đáng kể và dòng tộc đều hoan hỷ nhận ân tình từ phía con cháu bên ngoại!

LÊ THÍ