Đạo thờ cúng tổ tiên
(VHQN) - Người Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đều thờ cúng tổ tiên. Dù nghèo hay giàu, nơi thờ tổ tiên là nơi trang trọng nhất có được trong nhà.
Đã có nhiều người cho đây là “đạo thờ cúng tổ tiên” của người Việt, mặc dù không có kinh sách, khải thị, lời tiên tri,… Tôi cho rằng với các tôn giáo, thì tín đồ đủ màu da, đủ chủng tộc và có quyền tin hay không tin.
Nhưng với đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt thì chỉ là những người cùng chung huyết thống và không thể nói không tin. Đây là điểm khác biệt giữa đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt và các đạo khác du nhập đến Việt Nam.
Theo lịch sử truyền giáo, bất cứ đạo nào muốn tồn tại và phát triển thì phải hòa quyện với tín ngưỡng dân gian nơi ấy. Phật giáo, Thiên chúa giáo không gạt bỏ được sự thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Trong sách Luận ngữ, Quý Lộ hỏi về cái chết, Khổng Tử trả lời: “Vị tri sinh, yên tri tử” (Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết), nhưng khi vào Việt Nam, Nho giáo cũng góp phần cho đạo thờ tổ tiên có tính nguyên tắc và hệ thống hơn.
Từ thời nhà Chu, tháng 12 là dịp nhà vua nghỉ ngơi săn bắn, còn đặt lệ: lễ tế tất niên gọi là “đại lạp”. Và chính từ 2 chữ “Lạp nguyệt” này, người Việt đã đọc chệch từ Lạp thành Chạp.
Nhưng “chạp” trở thành “chạp mả” chắc chắn là chỉ có người Việt. “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, chứ không phải là tháng dành cho con cháu thăm và sửa sang lại mồ mả tổ tiên như ở ta.
Trong tháng Chạp, ngoài việc thăm và sửa sang mồ mả tổ tiên, người Quảng Nam còn có lễ Nghĩa trủng, thường sau ngày 23 tháng Chạp. Nghĩa là xong việc ông bà, dân từng xóm, từng làng đi thăm và sửa sang mồ mả những người có hoàn cảnh “Kẻ thân thích vắng sau vắng trước/ Biết lấy ai bát nước nén nhang?”, rồi chung hùn kẻ ít người nhiều làm mâm cơm cúng vong linh những vị ấy.
Tháng Chạp đối với người Việt nói chung là như thế, nhưng ở Quảng Nam có những vùng trũng, ngày xưa đường sá tháng Chạp vẫn còn bùn lầy. Con cháu nội ngoại về chạp mả ông bà, nhiều người trượt ngã, áo quần lấm như con cá nhét, bánh trái văng xuống bùn… Thương lắm!
Từ thực tế đó, bà con ở những vùng này chuyển sang chạp mả kết hợp với lễ Tế xuân (Kỳ yên) vào tháng Ba khô ráo. Ở quê tôi, thời điểm này, các đám ruộng đều đã cuốc bệ. Con cháu chỉ cần mang vài đôi trạc ra đồng, gánh mỗi đầu mấy cục đất bệ về các phần mộ. Số con cháu không phải gánh đất thì giẫy mả, rồi đem những cục đất bệ ấy đắp lên phần mộ.
Việc sửa sang phần mộ dù tháng Chạp hay tháng Ba, thì khoảng 10 giờ sáng, mọi việc phải cố gắng cho xong để còn phải về nhà thờ tộc hay nhà vị tộc trưởng, hay nhà nào đó được phân công dự lễ cúng tổ tiên.
Nhưng trước khi rời các phần mộ đều có thắp hương cám ơn thành hoàng bổn cảnh, thần linh thổ địa gìn giữ để người nằm dưới được yên mồ yên mả và xin được rước vong linh ông bà về nhà để con cháu báo hiếu (dự lễ cúng).
Nhiều gia đình khá giả, thì trong lúc thăm, sửa sang phần mộ có mang theo con gà giò luộc, hoặc tợ thịt, đĩa xôi, hương hoa, giấy tiền vàng bạc… để lễ bái trước khi về. Nhưng điều này không bắt buộc. Tất cả tùy tâm trên tinh thần “lễ tuy bất túc tâm rày hữu dư”.
Dù đã là tháng Chạp, nhưng không ai “giữ” ông bà lại nhà ăn Tết luôn với con cháu, mà phải chờ đến cuối tháng Chạp mới làm lễ rước ông bà (thường 30 Tết).
Những năm gần đây, con cháu có xu hướng đi làm ăn xa, nhất là học hành xong tìm việc ở thành phố, sắp xếp thời gian hợp lý nhất mới về được, trước chạp mả, sau thăm bà con dòng họ, chòm xóm. Với những người lớn tuổi thì luôn đau đáu nhớ quê, bởi nơi đó còn phần mộ ông bà, còn ký ức của thuở thiếu thời. Và nếu sức khỏe cho phép, không ai không về.
Đường làng ở Quảng Nam bây giờ hầu như đã bê tông hóa hết thảy, nhưng khi được đi trên đó, họ vẫn nhớ về cái thời chân đất, nhớ tới những ngày lội bùn lút ống quyển, nhớ những đêm lạnh với nồi than sưởi ấm dưới sạp giường…
Bây giờ, cuộc sống đã khác xưa, nhưng cái ngày thăm và sửa sang mồ mả, không ai có thể quên. Đạo thờ cúng tổ tiên, trong đó có ngày chạp mả mãi mãi trường tồn, bởi “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.