Chạp mả là chi vậy cha?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 27/12/2022 10:09

(VHQN) - Một trong những điều tôi còn nhớ về kỷ niệm ấu thơ và về cha tôi là câu hỏi “chạp mả là chi vậy cha?”, trong một lần theo cha tôi về bên nhà bà cố “ăn chạp mả”. 

Trẻ vui đón mùa xuân mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ vui đón mùa xuân mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quê bà cố nội tôi ở làng Phong Lục (Điện Thắng, Điện Bàn), cách làng tôi vài cây số về hướng tây. Đến đó phải qua những địa danh rất lạ với cái tuổi mới lên 10 của tôi: các cánh đồng Bắc Bằng, Lệ Thủy, đồng Rảnh, Miếu Trung, chia cắt những làng mạc Thanh Quýt, An Tự, Phong Lục ở phía bắc Điện Bàn…

Cha tôi chở tôi bằng xe đạp trên con đường đất chạy băng qua những cánh đồng ấy. Tháng 11 âm lịch, người ta bắt đầu đưa trâu ra cày ải, chuẩn vị cho vụ lúa tháng Ba (như vụ đông xuân bây giờ).

Đến nhà cố, đã thấy một mâm cúng đặt giữa sân, hướng ra cổng. Cha tôi giải thích, đó là mâm cúng đất, tức cúng thần hoàng bổn xứ, khuôn viên khuôn trạch, cúng cả những vong hồn lưu linh lạc địa để báo cáo hôm ấy gia đình có ngày “chạp mả”, đặng họ cho phép ông bà về dự với con cháu cuối năm.

Bên trong ngôi nhà chính ba gian lợp ngói, ở gian chính là bàn thờ tổ tiên bên bà cố tôi, trên tấm phản đặt trước bàn thờ đã có cái đầu heo và những món cúng đang được mang lên từ nhà bếp.

Trưởng nam của nhà cố đã sẵn sàng áo dài khăn đóng, cung kính trước bàn thờ gia tiên. Dưới căn nhà bếp, các bà, các cô tất bật nấu nướng, sắp đặt chén bát. “Sau khi cúng đất mới cúng ông bà” - cha tôi giải thích.

Đúng lúc đó, hơn cả chục người trai tráng do một ông lão dẫn đầu, trên vai nào là cuốc, rựa từ ngoài ngõ đi vào, đầu đội nón lá, chân tay dính đầy bùn đất. Cha tôi chỉ về phía họ và giải thích: Ngày chạp mả, tức là ngày con cháu nội tề tựu về nghĩa trang nơi ông bà yên nghỉ để dọn dẹp cây cỏ, đắp lại đất cho những ngôi mộ tổ tiên bị sạt lở, thắp hương vái lạy để báo cáo rằng con cháu đã tu sửa phần mộ để ông bà đón chào năm mới cùng tổ tiên. Sau đó họ quay về dự lễ giỗ.

Khi trưởng nam của nhà cố cúng xong, tất cả họ lần lượt vào thắp hương và khấn vái, tỏ lòng cảm kích đến ân nghĩa của các bậc tiền bối đã có công sinh thành, dưỡng dục lớp hậu thế và cầu mong được độ trì cho sức khỏe, hanh thông trên đường làm ăn, học hành…

Cha tôi là cháu ngoại nên được về chậm hơn, nhưng như thường lệ, cha còn mang theo một mâm bánh gói mà hôm qua, cả nhà đã nấu suốt đêm. Có năm, thay vì gói bánh, cha mẹ tôi lại nấu khay xôi đường mang về cúng.

Chạp mả tộc ở Thanh Quýt. Ảnh: T.C.Q
Chạp mả tộc ở Thanh Quýt. Ảnh: T.C.Q

Sau lễ cúng, các bậc lớn tuổi ngồi vào mâm trên, tức cái phản lớn ở chính giữa gian thờ. Các con cháu ngoại cũng được ưu tiên ngồi vào các bàn ở hai bên tả hữu. Phía ngoài sân, người ta che mấy tấm tranh rạ trên bộ khung bằng tre cây. Ở dưới nền sân gạch là khoảng 5 - 6 cái nong phơi lúa. Đó là các mâm cho cháu nội và con nít.

Ở mâm trên, các vị cao niên đang ngồi lúc này còn có một hai vị là trưởng tộc, trưởng phái được mời dự, một anh thanh niên luân phiên rót rượu từ cái chai cầm trên tay, các chị cháu nội gái mang thêm những món ăn đưa vào.

Các cụ vừa nhấm nháp vừa kể chuyện ông bà, nào là “ngày trước…”, nào là “ông tổ nhà mình hồi xưa…”, nào là “để làm ngôi nhà này ông bà tổ đã bán mấy con trâu…”.

Cả chuyện ông bà cố tôi ở khác làng nhưng lấy được nhau là do ông cố tôi lên đây hát bội và hò nhân nghĩa rất hay mà nên… Một ông khác lại kể hồi ông Hường Hiệu đi chống Tây “ nhà ta cũng có mấy người tham gia rồi chẳng biết biền biệt phương nào…”.

Tôi đi “ăn chạp” ở nhà bà cố, được nghe thêm nhiều chuyện cũ của ông bà mình, khi ra về còn được cho miếng thịt heo, mấy cái bánh và đặc biệt còn có thêm mấy trái ổi hái ngoài vườn bà cố tôi…

Cũng những năm ấy, vào tháng 10 âm lịch, đúng vào lúc còn nông nhàn thì cả bảy tộc tiền hiền ở làng tôi đều tiến hành chạp mả. Hôm ngày Đông chí là giỗ chạp của tộc ở nhà thờ chính. Đây là ngày đi chăm sóc mồ mả và hiệp kỵ tiền hiền, các bậc hậu hiền và ông bà các đời đã được thỉnh về nhà thờ chung sau mỗi 25 năm, thường là ông bà tằng, sinh ra ông cố.

Trước đó là chạp mả của từng phái và chi rồi đến chạp ở từng nhà. Tục lệ ở quê tôi, mỗi nhà thờ từ ông bà cố trở xuống, nên “chạp nhà” chỉ chăm sóc mồ mả và cúng giỗ từ bậc cố trở xuống, do vậy con cháu nội ngoại, dâu rể cũng đều trong phạm vi hẹp hơn…

Từ 10 tuổi, vì là trưởng nam, tôi bắt đầu được cha tôi giải thích kỹ lưỡng nhiều nghi thức về các ngày giỗ chạp. Có lẽ cụ kỳ vọng sẽ có đứa con nối nghiệp mình, không chỉ lo toan cho ngày giỗ chạp của tộc họ, chi phái, hai bên nội ngoại, mà là phải có mặt ở cả bên bà nội, bà cố trong những dịp như vậy, để giữ gìn truyền thống “Kính như tại” (yêu kính ông bà như là họ vẫn ở quanh ta) mà ông đã gìn giữ…

Ngày nay, ngày chạp mả đơn giản hơn nhiều vì những ngôi mộ đều được dựng bia, ghép đá, ghi rõ danh tính nên con cháu đỡ vất vả, mồ mả khó xiêu tán. Ngày trước, đa số mộ phần đều đắp đất, chỉ có nhà giàu mới dựng được bia đá nên mỗi lần chạp mả là một dịp vất vả tu sửa.

Thế hệ tôi 70 năm trước còn nhớ mãi khi theo các cụ ra nghĩa trang. Mồ mả ông cha không có một tấm bia, ai nhớ đến đâu hay đến đó. Người lớn cứ chỉ vào một ngôi mộ nào đó rồi chỉ lớp trẻ: “Đó, cái đó là của ông bà đàng mình, giẫy đi!”. Chuyện vậy, nên rất dễ thất lạc, nhất là sau một cuộc chiến tranh dai dẳng.

May thay, xã hội tiến bộ đã giữ gìn được một tục lệ chạp mả nhân văn trong văn hóa Việt. Tục lệ ấy ngày nay lại được các lớp trẻ tiếp bước, bởi tính nhân văn và đạo lý ngàn đời trong văn hóa Việt!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG