Bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào Co trước ngưỡng cửa mai một
(VHQN) - Trang phục được xem là sợi dây để kết nối truyền thống văn hóa, bản sắc của một tộc người, nhưng với người Co ở xã Tam Trà (Núi Thành), sợi dây đó đang rất mong manh.
Sắc màu phai nhạt
Đời sống người dân Tam Trà gần đây đã đổi thay đáng mừng, không quá lo về “cái ăn”. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hồng (ở thôn Phú Tân), “cái ăn” và “cái mặc” cần phải cân đối, hài hòa nhau. “Cái mặc, cái tinh thần quan trọng lắm, là nguồn cội, gốc rễ mà!” - ông nói.
Ông Hồng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tam Trà, người được xem là “già làng” của đồng bào Co. Việc thành lập câu lạc bộ này là một trong những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn, níu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Hồng nói, văn hóa của đồng bào Co ở địa phương dần mai một cũng do quá trình du canh du cư. Người Co ở đây không ai gọi những người có uy tín trong cộng đồng là già làng cả.
Ông giải thích: “Nguyên gốc là ở Trà My và Quảng Ngãi kia, ông nội tôi nói gốc là họ Đinh chứ không phải họ Nguyễn, nhưng qua thời gian du canh du cư, có lẽ đã thay đổi để chan hòa với người bản địa. Vì thế, có nhiều nét văn hóa rất riêng của đồng bào người Co bị pha lẫn”.
Để minh chứng cho điều mình nói, ông Hồng lên nhà trên lấy bộ trang phục “được cất rất kỹ” của mình, sau đó trần tình rằng, bộ này không đúng “mốt” của người Co.
Đó là bộ áo và khố có nền đen làm chủ đạo, viền màu đỏ trắng đan xen chạy dọc tới thắt lưng với họa tiết đơn giản. Ông nói, đúng ra là trang phục nam người Co phải là tấm xà pôn phủ dài đến bắp chân, có nhiều hoa văn ngang dọc. Khố cũng khác, rộng hơn, hoa văn cầu kỳ hơn...
Bắt đầu từ trang phục
Bộ trang phục mà “già làng” Nguyễn Văn Hồng cho chúng tôi xem nhìn kỹ có nhiều nét giống với trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mà ông nói hao hao với trang phục người Co nguyên bản.
Anh Châu Cao Cường (cán bộ văn hóa - xã hội) xã Tam Trà cho biết, đây là bộ trang phục được huyện tặng những người có uy tín trong dịp lễ hội đồng bào Co ở Tam Trà cách đây hơn 10 năm rồi, sau này xã thành lập đội cồng chiêng thì các thành viên nam trong đội “tận dụng” lại.
Bởi, theo lời anh Cường, “hiện xã chỉ sắm 8 bộ trang phục nữ cho thành viên đội cồng chiêng. Ngoài ra, chỉ sắm một số bộ cho học sinh cấp 2 trên địa bàn để tham gia lễ hội các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh”.
Trang phục của đồng bào Co ở Tam Trà lâm vào cảnh “khan hiếm” bởi theo ông Hồng, lâu lắm rồi ở đây không còn nghề dệt thổ cẩm và cũng không có thợ may trang phục. Và điều quan trọng là do kinh tế khó khăn nên người dân không có ý định sắm riêng cho mình bộ trang phục của đồng bào.
“Ở đây rất ít người muốn mặc trang phục, ngay như tại lễ hội ngã rạ truyền thống của đồng bào Co, chỉ vài chục người mặc trang phục. Còn đám cưới, đám ma thì không thấy ai mặc” - ông Hồng nói.
Đề án bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tam Trà giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cụ thể là có 15% trở lên người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình vào các ngày hội, lễ, tết. Một mục tiêu khá khiêm tốn, nhưng theo anh Cường, rất khó thực hiện bởi nhiều nguyên nhân, nhất là nguồn lực hạn chế.
“Địa phương đề xuất hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó có việc bước đầu mua sắm thêm nhiều bộ trang phục của đồng bào Co nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - anh Cường cho biết.
Người Co ở Tam Trà chiếm khoảng 45% dân số, được nhận định là đang đứng trước ngưỡng cửa mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Biện pháp bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cấp bách, hiệu quả và khả dĩ nhất, theo cách nghĩ đơn giản là làm sao để người dân có nhiều cơ hội mặc những bộ trang phục của đồng bào mình.
Bởi, lúc đó, những tiềm thức văn hóa mới có thể bật ra trong cách nghĩ, quan niệm, và hành vi, hoạt động của mỗi con người trong không gian của cộng đồng. Ở Tam Trà, nỗ lực ấy được anh Châu Cao Cường chia sẻ rằng, cần phải “xã hội hóa” mạnh mẽ hơn.