Sắc chàm Cơ Tu
(VHQN) - Ngày xưa, đồng bào Cơ Tu chủ yếu sử dụng trang phục được dệt từ bông vải rồi nhuộm chàm. Váy, áo chàm của đồng bào Cơ Tu được xem là bản sắc của tộc người sống hài hòa giữa đại ngàn.
Loại trang phục này được nhuộm từ lá chàm và các cây họ chàm mà người Cơ Tu và Tà Ôih gọi là cây ta râm kết hợp với một số nguyên liệu khác như vỏ ốc xoăn, củ nâu. Người ta cắt thân, lá chàm ngâm rồi vắt lấy nước hòa với vôi bột. Nước chàm để lắng, chắt bỏ phần trên, bột chàm còn lại sẽ là thuốc nhuộm.
Cũng như nhiều tộc người thiểu số khác, lúc đầu trang phục của đồng bào Cơ Tu còn khá thô mộc và giản dị, chủ yếu để che đậy, bảo vệ cơ thể, về sau họ mới chú trọng cái đẹp với việc gia công phối màu, sáng tạo hoa văn và kiểu dáng. Váy, áo chàm là trang phục nguyên sơ, cổ điển của nhiều dân tộc.
Khi họ biết đến nghề trồng bông dệt vải thì trang phục vải thô màu chàm là phổ biến. Ngày thường, phụ nữ Cơ Tu mặc chiếc váy ngắn và chiếc áo chàm dài, rộng. Họ thường mặc chiếc áo chàm thuần khiết, có điểm vài đường viền hoặc những hoa văn đơn giản bằng sợi được nhuộm nhạt màu hơn.
Tuy nhiên, màu chàm dễ gây sự đơn điệu, nghèo nàn nên đồng bào đã sáng tạo một loại hoa văn dựa trên sắc độ của nền vải chàm bằng kỹ thuật “nhuộm bao sợi” mà các nhà nghiên cứu gọi là ikat. Người ta dùng dây nhựa hay xơ thực vật, lá cây buộc bao chặt từng phần sợi.
Người Cơ Tu ở huyện Nam Giang và tỉnh Sê Kông, Salavan (Lào) từ lâu cũng biết đến kỹ thuật nhuộm vải chàm và dệt hoa văn kiểu dạng ikat. Đồng bào lấy lá a yâng - một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, bao vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần.
Với cách làm này, chỗ sợi được bao bằng lá a yâng sẽ không bị nhuốm màu. Quy trình buộc và nhuộm lặp lại nhiều lần với các vị trí buộc dây thay đổi và với các màu nhuộm khác nhau sẽ tạo cho sợi có nhiều đoạn màu sắc khác nhau. Khi dệt vải, người ta kết hợp khéo léo các sợi chàm đậm nhạt với nhau, tạo ra “hoa văn gợn sóng”. Đó là loại hình trang phục “thuần chủng” bằng vải chàm và trang trí hoa văn màu chàm, không lẫn lộn với các màu khác.
Tuy là gam màu tối nhưng màu chàm vẫn nổi bật trong không gian miền núi, hợp với khung cảnh thiên nhiên nơi những chủ nhân của loại hình trang phục này sinh sống. Váy, áo chàm của đồng bào Cơ Tu là bộ trang phục dân dã, họ có thể mặc hằng ngày trong lao động, trong hoạt động lễ hội hay các nghi lễ tâm linh thiêng liêng của cộng đồng.