Theo chân thổ cẩm Chăm...
(VHQN) - Họ mang cả khung dệt từ làng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) về với Mỹ Sơn. Giữa không gian u tịch của tháp cổ, những phụ nữ Chăm như đang thủ thỉ cùng đất trời với âm vọng ngàn năm thổ cẩm...
Ngồi dệt giữa đền đài
Ngư Thị Thượng Uyện và Quảng Thị Thu Lợi, từ xứ dệt Mỹ Nghiệp theo chồng về xứ Quảng độ hơn 5 năm nay. Cũng từng ấy thời gian, hai phụ nữ Chăm này mang khung cửi làng mình đến vùng đất của đền tháp cổ Mỹ Sơn.
Mỗi ngày, ở nơi dừng nghỉ chân trên đường dẫn vào tháp cổ, họ phô bày kỹ thuật điêu luyện để dệt nên những tấm khăn, những vuông thổ cẩm đầy sắc màu. Không lẫn với bất cứ sản phẩm lụa hay thổ cẩm nào khác, thổ cẩm Chăm là thế giới của sắc màu với sự tan hòa của đất trời, gió trăng… thể hiện trong những hoa văn đầy kiêu sa.
Ngư Thị Thượng Uyện nói, dệt không chỉ là nghề nghiệp mà còn thể hiện đức tính, là tiêu chuẩn đạo đức của mỗi người phụ nữ Chăm. Cả nhà Uyện có 6 chị em, thì cả 6 người đều rành rẽ các kiểu thức và làm nên những vuông thổ cẩm hoàn chỉnh.
Nhà nghiên cứu Thập Liên Trưởng cho biết, từ khung cửi Indonesia cổ truyền và khung dệt bản địa, phụ nữ Chăm đã chế tác ra trang phục và các bộ lễ phục, không những thể hiện giá trị thẩm mỹ bên ngoài mà còn là biểu hiện đức hạnh của người Chăm thông qua trang phục. Điều này cũng được nhìn thấy trên các phù điêu và tượng thờ. Trên các đền tháp, vì thế, không thấy dấu vết của trang phục được chế tác từ da thú, lông chim, vỏ hay lá cây.
Ông Thập Liên Trưởng - nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết, từ rất lâu đời, người Chăm đã biết trồng bông vải, kéo sợi và dệt. Thư tịch cổ Chăm ghi lại, trong dân gian, có truyền thuyết Bà mẹ xứ sở (Po Inâ Nâgar), từ thuở hồng hoang đã vâng mệnh trời giáng thế, một thời gian qua đất Trung Hoa lấy chồng rồi trở về đất nước Champa. Bà đã dạy cho mọi người biết trồng lúa nước, trồng bông và dệt vải.
Tác phẩm “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn viết vào năm 1773 cũng mô tả rằng: “Ở Lâm Ấp có trồng cây cát bối, khi chín hoa cây giống như lông ngỗng, kéo sợi làm chỉ để dệt khăn không khác gì loại gai”.
Người Chăm còn có một chiếc áo dài truyền thống với thân trên bó sát người, từ eo hông trở xuống mở rộng ra. Khác với áo dài truyền thống của phụ nữ Việt, áo dài của phụ nữ Chăm không mở tà để tôn lên vẻ đẹp hình thể, đồng thời thể hiện sự kín đáo thùy mị. Ngoài chiếc áo dài truyền thống, phụ nữ Chăm còn có váy tấm và khăn đội đầu. Trang phục của họ đều sử dụng sản phẩm dệt trên khung cửi rời truyền thống.
Giữ nghề như một đức hạnh
Phụ nữ Chăm rất tinh thông trong việc bắt go ngay trên khung dệt Indonesia khi đã mắc vòng thảm sợi dọc để dệt nên hàng chục hoa văn khác nhau. Hoa văn trên trang phục của người Chăm thể hiện tầng lớp địa vị của người mặc.
Riêng với nghề dệt thổ cẩm thì theo kiểu mẹ truyền con nối và là một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (bà tổ quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm, là phải thông thạo nghề dệt. Đó cũng là lẽ cố nhiên của người mẹ dạy con gái, bên cạnh đức hạnh với gia đình còn phải luôn nhớ và tri ân cội nguồn, giữ lấy giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại.
Và đó cũng là cơn cớ để những phụ nữ Chăm theo chồng về xứ Quảng, mang theo cả khung dệt của nhà mình, luôn vận những bộ áo truyền thống của dân tộc mình ngồi trước khung cửi.
Chồng của Thượng Uyện và Thu Lợi đều là diễn viên của Đội văn nghệ dân gian Chăm tại Mỹ Sơn. Họ đã có gần 20 năm làm nghề tại đây. Còn những phụ nữ làng dệt Mỹ Nghiệp đang ngồi dệt giữa khung cảnh đền đài này, thì chỉ chưa đầy 6 năm được trình diễn nghề của làng mình ở không gian này.
Gần như từng công đoạn cho ra đời một sản phẩm thổ cẩm truyền thống đều từ đôi bàn tay. Từ việc tạo hoa văn bằng những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt hay câu chuyện phải tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống... mới cho ra được một vuông thổ cẩm nhiều màu.
Khác với các sản phẩm thổ cẩm của nhiều dân tộc khác, thổ cẩm Chăm phát triển trên 2 màu chủ đạo là đen và đỏ, các kiểu hoa văn đều được biến tấu từ những khối hình học cơ bản, và cách điệu thành những hình ảnh đặc trưng văn hóa của họ.
Phụ nữ Chăm ở nơi nào cũng biết nghề dệt. Nếu phụ nữ Chăm ở An Giang nổi tiếng với “lụa Tân Châu” và “biết dệt và dệt khéo là đức tính của phụ nữ Chăm” ở đây thì người Chăm H’roi ở 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định nổi tiếng với hàng chục hoa văn trên váy tấm “Siém mbec” có miếng “ba-nal” đắp phía sau cũng đầy ắp hoa văn, trong đó có hoa văn “Benga Brâng” - tức ngôi sao.
Trong khi đó, người Chăm ở Bình Thuận lại nổi tiếng với khăn choàng Bàni, cũng là chiếc khăn đội đầu của chức sắc và phụ nữ được các mẹ các chị dệt nhiều hoa văn màu vàng đỏ trên 2 đường viền chiếc khăn trắng với tên gọi “Tuk Parik” - tức hoa văn Phan Rí.
Mỗi ngày, hai nghệ nhân dệt người Chăm làm chừng 2 - 3 sản phẩm thổ cẩm, bao gồm cả khăn choàng và thậm chí là váy áo truyền thống. Du khách đến thăm Mỹ Sơn, dừng chân và ngắm nhìn say sưa đôi tay thoăn thoắt của họ trên khung cửi cổ truyền. Như thêm một đốm sắc màu tươi sáng giữa đền đài...