Ăn cỗ đi trước...

BẢO ANH 11/12/2022 07:08

Đám giỗ thời nay phần lớn ngon, sang, gọn, ít cầu kỳ. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi vào mâm, tôi lại cứ rưng rưng nhớ và thèm không khí đám giỗ quê xưa, ước lại được vừa đi đám giỗ vừa lẩm nhẩm câu phương ngôn “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”...

Một mâm giỗ của người Quảng. Ảnh: C.N
Một mâm giỗ của người Quảng. Ảnh: C.N

Ăn cỗ…

Người Quảng Nam hình như không ai không biết câu phương ngôn “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi có lần giảng nghĩa câu này cho anh em chúng tôi nghe.

Mẹ bảo, lội nước theo sau là để biết được chỗ nào nước sâu mà người đi trước mình gặp phải để tránh. Còn ăn cỗ (ăn tiệc, ăn đám giỗ, chạp mã…), “đi trước” có phải là để... ăn được nhiều và được ăn những món ngon nhất hay không? Mẹ hỏi, anh em chúng tôi hí hửng gật đầu, cái bụng thiếu đói kinh niên của những năm khốn khó sôi lên ùng ục, mắt mơ màng mường tượng về những mâm cỗ đầy ắp món ngon.

Nhưng mẹ tôi gạt đi, bảo “ăn cỗ đi trước” không phải vì mục đích “tồi tàn” ấy (mẹ đọc thêm câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Ai không ăn được lộn gan lên đầu”), mà “đi trước”, đi sớm trước hết, chủ yếu là để được gặp gỡ bà con ruột thịt, trò chuyện hỏi thăm lẫn nhau, cùng ôn chuyện cũ, nói chuyện và một phần không thể thiếu là nếu bữa cỗ là đám giỗ thì cùng nhau kể những kỷ niệm về người đã khuất được giỗ hôm ấy.

Là con út trong gia đình, tôi được mẹ dắt đi đám cỗ ở quê ngoại nhiều nhất. Từ nhà tôi tới quê ngoại phải băng qua mấy quãng đồng, mùa hè khô cong, nắng cháy da; mùa mưa thì sùi sụt bùn lầy. Nhưng cái sự khó nhọc ấy có là gì so với niềm vui được đi ăn cỗ - đồng nghĩa với việc được nhảy nhót vui chơi và đặc biệt là được ăn no cành hông những món ngon mà ngày thường của những năm đói khó ấy không dễ gì có được.

Sau này, khi đã trưởng thành, tôi nhận ra rằng nhiều lần được mẹ dắt về quê ngoại ăn cỗ, ngoài việc được ăn ngon và no, tôi còn học được bao điều hay. Từ việc biết nhận mặt được đâu là cây lúa, đâu là cây cỏ mật; phân biệt được sự khác nhau giữa cây lác và cây năng... cho tới việc nghe tiếng nước kêu rổn rảng trong ruộng lúa biết đó là tiếng quẫy của con cá rô hay cá tràu... Các xứ đồng vì sao có tên thế này thế kia, đất nào chỉ đề trồng khoai hoặc rau màu và đất nào chỉ nên trồng lúa,... cũng nhờ mẹ chỉ dạy mà tôi nhớ mãi đến bây giờ.

… và ăn giỗ

Luôn coi trọng cái sự “đi trước” nên mỗi khi được mời ăn cỗ, nhất là ăn đám giỗ, mẹ tôi luôn rời nhà từ rất sớm (mà không chỉ riêng mẹ tôi, ở quê ngày trước, hầu như ai cũng đi đám giỗ từ rất sớm).

Món góp giỗ thường được người đi ăn giỗ chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước, mùa nào thức nấy, khi là chục bánh rò, khay xôi đường, lúc là con gà, cặp vịt... Mẹ tôi bảo, có thể đi trễ một chút cũng được, nhưng như thế sẽ khó cho gia đình có giỗ, vì các món bà con mang đến đều phải được chế biến, dâng cúng và đãi khách, nếu đem tới trễ quá thì sẽ làm không kịp, việc tính toán cơ cấu, số lượng món ăn trên từng mâm cỗ cũng khó hơn...

Với số món góp luôn đa dạng, khác biệt và... bất ngờ nên đám giỗ ngày trước ở quê luôn có rất nhiều món nhưng số lượng mỗi món lại không nhiều, được bày trên những chiếc đĩa nho nhỏ. Mâm cỗ vì vậy mà vừa có vẻ lộn xộn, vừa dân dã và cũng rất “đầy đặn”. Nhìn vào mâm cỗ có thể đoán được mức độ sung túc hay khó nghèo của gia đình có giỗ, rộng ra là của cả xóm giềng, tộc họ...

Nói thêm một chút, khi mang đồ đi “góp giỗ”, mẹ tôi không bao giờ để trong giỏ xách mà luôn cho vào cái thúng nhỏ, rồi đội lên đầu suốt từ nhà tôi cho tới nhà có giỗ. Mẹ nói, đồ để cúng không xách đi tung tẩy được mà phải đội trên đầu thì mới thành tâm. Đôi lần tôi xin mẹ đội thử nhưng mẹ không cho, vì con nít con nôi lơ ngơ hư sự...

Đến nhà có giỗ, sau khi thưa trình đường hoàng mẹ mới chuyển món góp giỗ cho gia chủ, sau đó xin phép thắp nhang bái vọng người quá cố rồi xuống bếp phụ việc, ngồi nói chuyện hoặc đi loanh quanh thăm bà con, thăm người quen.

Bây giờ, đám giỗ ở quê đã đổi khác rất nhiều, cả cách đi ăn giỗ cũng khác. Hiếm thấy ai kỳ công gói bánh nấu xôi hay mang những món “của nhà làm được” góp giỗ nữa; thay vào đó là thùng bia, gói bánh khô cao cấp, thậm chí có thể là chiếc phong bì bên trong có một ít tiền. Cơ cấu món ăn trên mâm cỗ đám giỗ không còn phụ thuộc sự chung góp của những người được mời nữa, mà hoàn toàn do gia chủ tự chọn, tự quyết.

Mâm giỗ cũng vì thế mà ít món hơn, ít lộn xộn hơn và tất nhiên, hình như không còn dáng vẻ của mâm giỗ nữa mà hoàn toàn là mâm tiệc. Và cũng vì thế, bây giờ đi đám giỗ/ đám cỗ cũng ít có ai “đi trước”, đi sớm như ngày xưa nữa; chỉ cần áng chừng sắp đến giờ lên mâm bát thì đến là vừa...

BẢO ANH