Dáng Chăm
(VHQN) - Lễ hội Ramưwan năm ấy, khi tôi mới lên năm, lần đầu nhìn thấy bà nội trong bộ áo dài màu đà phối chút màu xanh, còn mẹ tôi thì áo dài màu tím. Khi ra đường chơi bắn xu với bạn trước cổng nhà, tôi lại thấy người hàng xóm vận bộ áo y hệt mẹ và bà nhưng lại màu trắng. Các đám lễ từ nhỏ đến lớn, cả lúc mẹ gánh nước hay lúc bà ngồi ăn trầu trước hiên, trang phục ấy luôn hiện diện trong mắt tôi. Không riêng gì bà, các mẹ Chăm thời đó mà cả thiếu nữ Chăm làng tôi không ai là không có bộ váy Aw kamei sẵn trong nhà. Tôi hỏi bà, bà bảo đó là y phục của tổ tiên.
Nhớ khi tôi lên mười, tôi được mẹ may cho bộ Aw kamei trắng. Kiểu dwa baung là kiểu áo được may ghép bởi bốn mảnh vải, phía trước, phía sau, và hai mảnh vải nhỏ ghép hai bên sườn.
Ống tay áo thường bó sát vào cánh tay, phần thân eo ôm sát người, tà dài tạo bước đi uyển chuyển cho người mặc. Đó là bộ áo dài đã có từ lâu trong ký ức tôi. Dịp này được xem là dịp quan trọng nhất đánh dấu đời người. Là đám lễ Ngak karớh - nghi lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bani hay còn gọi là lễ nhập đạo Bani.
Người con gái phải trải qua nghi lễ này mới thành phụ nữ Bani. Những bạn trang lứa cùng làm lễ với tôi, đứa nào cũng hào hứng khoe bộ áo mới với nhau, vì ai cũng lần đầu tiên vận đầy đủ trang phục nghi lễ.
Khi tôi bắt đầu vào lớp phổ thông, tất cả nữ sinh cả Kinh lẫn Chăm đến trường đều phải mặc đồng phục áo dài, nếu người Chăm thì mặc áo dài Chăm, người Kinh thì mặc áo dài Kinh.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận gồm: Áo dài, váy, dây thắt lưng dệt từ hoa văn thổ cẩm, tua tai, khăn hoặc khăn Njram với người Bani và chuỗi trang sức bằng mã não hay vàng. Đặc biệt màu áo với váy phải luôn được phối với nhau, hài hòa. Bất kỳ cô gái Chăm nào khi khoác lên người đầy đủ bộ phục trang đều toát lên nét đẹp huyền bí.
Khi lớn hơn chút nữa, tôi nhận ra rằng, trong cơn lốc thời trang và những du nhập mới, người trẻ Chăm dần quên đi Aw kamei truyền thống. Các bạn vào thành phố lớn, đi học, đi làm, trang phục Chăm ngày càng hiếm thấy. Đó là điều khiến tôi day dứt - “Tại sao không tô thêm sắc màu Chăm trên mọi nẻo đường?”.
Thời gian ấy, tôi bắt đầu như trở về kỷ niệm với áo dwa baung. Tôi vẽ lại ký ức bằng cuộc tổ chức buổi trải nghiệm trang phục Chăm - “Chăm đẹp trên mọi nèo đường” cho giới trẻ Chăm sinh sống và học tập tại các thành phố lớn. Rồi tôi bắt đầu đi tìm tôi trong mọi ngõ ngách làng quê Chăm, đi từ miền Trung qua đến làng Chăm Châu Đốc An Giang, rồi sang làng Chăm Campuchia.
Dù thời cuộc có thay đổi đi chăng nữa, thì hãy giữ lấy tấm áo dài - mẹ hay dặn chúng tôi như vậy. Để còn nhận được mặt nhau, nhận Chăm, giữa trời biển mênh mông.
Mỗi nơi mỗi ký ức, mỗi câu chuyện y phục khác nhau.
Tôi đến vùng Chăm Churu (Đơn Dương, Lâm Đồng). Tôi đến lúc trời vừa chập tối, chút se lạnh bởi sương mù mới ra khỏi đỉnh núi. Vợ chồng người Churu đón tôi với lời chào bằng giọng Chăm đặc sệt, bởi với bộ trang phục tôi đang vận trên người họ nhận ra ngay tôi là người Chăm từ đâu tới.
Tôi qua vùng Chăm Campuchia. Nhìn trang phục bà con vận trên người khiến tôi bật khóc vì xúc động. Tiếng Chăm, trang phục Chăm, áo dài Chăm vẫn còn! Trời vừa sáng, được thưởng thức thứ âm thanh quen thuộc của một vùng quê Chăm đúng nghĩa tại đất Campuchia.
Cậu bé học đếm số bằng tiếng Chăm. Các bà, ông và mẹ Chăm gọi nhau làm bữa sáng. Nhìn qua phía nhà hàng xóm, một phụ nữ trạc 60 tuổi vừa đi nhá cá sớm về, vận trên người bộ áo váy dài. Bà cởi bỏ áo, kéo váy lên ngang ngực che hết phần ngực, cuộn chắc đầu váy lại rồi dội nước tắm. Nhìn thao tác ấy, tôi như thấy mẹ tôi, bà tôi ở làng quê Chăm Phan Rang.
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Với phụ nữ Chăm trang phục là hồn cốt, là biểu tượng nét Chăm. Aw kamei Chăm, áo váy Chăm là trang phục đặc trưng nhất với phụ nữ, là dấu hiệu bề ngoài để nhận diện Chăm.
Dù kiểu áo, kiểu váy, cổ áo, hay tay áo có bó như thế nào, thì hình ảnh vẫn đẹp khi họ lại gọi nhau tới giúp kéo dây kéo, hay mở nút. Mẹ tôi mỗi lần vận áo dài đi lễ là hay réo gọi “Có ai không, phụ tao kéo dây kéo lên coi”. Vậy mà thành “nghi thức” gắn bó trong gia đình.
Dù thời cuộc có thay đổi đi chăng nữa, thì hãy giữ lấy tấm áo dài - mẹ hay dặn chúng tôi như vậy. Để còn nhận được mặt nhau, nhận Chăm, giữa trời biển mênh mông.