"Lược sử" xiêm y người Quảng

HỨA XUYÊN HUỲNH 10/12/2022 08:54

(VHQN) - Ở nơi từng là vùng sản xuất vải vóc, lụa là như xứ Quảng, dù chưa hẳn là cái nôi trang phục nhưng cũng lắm điều kiện để may đo. Chuyện cũ lùi xa, xiêm y vẫn còn in bóng…

Hình mẫu “khung cửi Cửu Diễn” trưng bày tại Làng lụa Hội An. Ảnh: H.X.H
Hình mẫu “khung cửi Cửu Diễn” trưng bày tại Làng lụa Hội An. Ảnh: H.X.H

Thẩm mỹ người xưa

“Huyện Điện Bàn”, nơi đất đai liền với phương Nam, cương giới bên ngoài châu Ô hồi đầu thế kỷ 16, có nhắc chuyện “làng Lang Châu dệt nhiều lụa trắng”. Mô tả rộng hơn, huyện Điện Bàn khi ấy “phụ nữ mặc quần vải Chiêm, đàn ông tay cầm quạt Tàu”.

Chỉ chừng đó thôi, trong tổng số chưa đến 120 chữ mà “Ô châu cận lục” viết tổng luận về phong tục huyện Điện Bàn, cũng đủ hé lộ về nguồn vải vóc lụa là ở làng Lang Châu và phong cách ăn mặc của người xưa.

Những gì “Ô châu cận lục” viết cho cả “huyện Điện Bàn” có thể xem như đang mô tả ngắn gọn cho vùng trọng tâm của Quảng Nam. Bởi “huyện Điện Bàn” có đến 66 làng, phạm vi bao gồm các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Hội An (Quảng Nam) và Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu (Đà Nẵng) bây giờ.

Lang Châu ngày ấy nay vẫn giữ nguyên tên gọi, thuộc xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên), cách không xa quê lụa Chiêm Sơn (xã Duy Sơn bây giờ) của Bà chúa Tàm tang Đoàn quý phi, người sinh hồi đầu thế kỷ 17.

Cả Lang Châu và Chiêm Sơn đều thấy ghi trong “Ô châu cận lục”, ắt hẳn xứ sở này đầy ắp vải vóc lụa là. Đến giữa đầu thế kỷ 17, giáo sĩ người Ý Cristophoro Borri khi viết về cách ăn mặc của người Đàng Trong cũng nhìn nhận tơ lụa nhiều đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hằng ngày.

Dĩ nhiên trong du ký “Xứ Đàng Trong năm 1621”, Cristophoro Borri chỉ đánh giá chung về xứ Đàng Trong, dải đất “trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11 cho tới vĩ tuyến 17, chỗ bắt đầu quốc gia của chúa Đàng Ngoài”.

Khi ấy, Quảng Nam có tên Cacciam. Có điều, Cristophoro Borri từng ở Hội An trước khi vào Quy Nhơn bằng đường biển, nên những ghi chép về tơ lụa của ông cũng bắt nguồn từ góc quan sát kỹ lưỡng từ xứ Quảng.

Ông chủ Làng lụa Hội An bên một số mẫu trang phục lụa. Ảnh: H.X.H
Ông chủ Làng lụa Hội An bên một số mẫu trang phục lụa. Ảnh: H.X.H

Ông đã thấy gì? Với nữ giới, từ thắt lưng xuống dưới họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả mùa nóng bức. Họ mặc 5 - 6 váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia, màu sắc khác nhau.

Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, không thấy đầu ngón chân. Cái thứ hai ngắn hơn chừng 4 - 5 đốt ngón tay. Những cái còn lại cứ lần lượt ngắn dần đều như vậy, để màu sắc được phô bày.

Còn phần trên, thân mình phái nữ được khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan mịn mỏng “cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sắc sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng”.

Mô tả váy áo nhiều tầng, nhiều lớp và màu sắc như vậy mà Cristophoro Borri vẫn khen phụ nữ Đàng Trong ăn mặc giản dị, thậm chí cho rằng cách mặc ấy “vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ”, kể cũng lạ.

Đàn ông thì khác biệt chút ít. Không nai nịt, nhưng quàng cả tấm vải (lụa), sau đó thêm 5 - 6 áo dài lụa màu sắc khác nhau, ống tay rộng và dài... Từ thắt lưng trở xuống được sắp đặt các màu rất khéo và đẹp, “nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là một con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình” (Sđd, NXB TP.Hồ Chí Minh 1998, trang 55).

Biến cách theo thời gian

Nhà sử học Phan Khoang từng nhận xét rằng, xem “Ô châu cận lục” (viết từ trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa không lâu), ở 2 phủ Tân Bình, Triệu Phong có làng còn ăn mặc theo kiểu Chàm.

“Từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng, người Việt vào đông thêm, và y phục, khí dụng, phong tục cố nhiên là y theo kiểu họ đã sống ở Bắc” (“Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777”, Khai Trí 1969, trang 615). Lúc đó, Điện Bàn là 1 trong 6 huyện của phủ Triệu Phong.

Tương truyền, chính Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đã khuyên chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên bắt dân Đàng Trong thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ quần đen mặc quần nâu, đàn bà bỏ yếm 4 thân mà mặc áo 5 thân gài khuy, bỏ váy để mặc quần… Đến đời chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát, lại bắt dân cải cách y phục, châm chước theo kiểu Trung Quốc trước khi người Mãn Thanh vào làm chủ.

Trang phục người Nam Hà cuối thế kỷ 18, tranh in trong sách của J.Barrow.
Trang phục người Nam Hà cuối thế kỷ 18, tranh in trong sách của J.Barrow.

Đến khi Hoàng Ngũ Phúc kéo vào chiếm Thuận Hóa năm 1776, lại đổi kiểu y phục, quy định rõ thường phục, lễ phục… Tác giả Phan Khoang cho rằng “chỉ năm sau, Tây Sơn chiếm Thuận Hóa, chính quyền Lê - Trịnh không còn, chắc là nhân dân lại dùng y phục cũ”.

Dẫn thêm một số mô tả khác từ nhà bác học Lê Quý Đôn, tác giả Phan Khoang tiếp tục dự đoán: Có lẽ đó là phong tục của thành Phú Xuân, nơi trở thành phồn hoa từ đời chúa Thế Tông nhà Nguyễn, “chứ các nơi khác ở Quảng Nam và trong dân gian thì không thể xa hoa như vậy” (Sđd, trang 618).

Quãng 20 năm sau, John Barrow, nhà du ký người Anh, có ghi chép khác về trang phục của xứ Nam Hà, tức Đàng Trong, Cochinchina hay Cochinchine trong 2 năm ngắn ngủi. Thời điểm tàu của J.Barrow cập cảng Turon (Đà Nẵng), y phục của người Nam Hà nói chung, người xứ Quảng nói riêng được ông ghi nhận “không chỉ đã trải qua một cuộc biến cách, mà còn được rút bớt đi rất nhiều” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793, NXB Thế giới 2011, trang 72).

Lúc đó, người dân không xỏ những đôi giày nặng nề, không đi những đôi tất chần bông hoặc ủng sa tanh thô vụng, cũng không mặc váy chẽn nhồi bông. Trong mắt J.Barrow, quần áo của giới nữ “không có gì là hấp dẫn”.

Y phục thông thường có áo vải bông dài lụng thụng màu nâu hoặc xanh, buông rủ xuống tận giữa bắp đùi, quần đen bằng vải thô dày, may rộng. Với lễ phục, nữ thường mặc 3 - 4 chiếc áo, màu sắc, dài ngắn khác nhau; còn nam có thể có thêm chiếc áo khoác và đôi ống quần dài, một số chít khăn quấn đầu giống khăn xếp của người Hồi giáo…

 “Thời trang” một thuở

Hơn 4 thế kỷ kể từ ngày “làng Lang Châu dệt nhiều lụa trắng” được ghi vào sách, mạch nguồn quê lụa vẫn tiếp nối với những làng dệt bên sông Thu Bồn, Vu Gia. Người làng dệt luôn thao thức với nghề, để rồi đến đầu thế kỷ 20 có cụ Cửu Diễn ở Duy Xuyên biết “tham khảo” máy dệt bằng sắt của người Pháp để chế tác ra máy dệt gỗ, cải tiến sản lượng.

Cụ Cửu Diễn đã nghiên cứu khung cửi giật của người Hoa, máy dệt đạp chân của người Pháp, Nhật để sáng tạo nên máy có hệ thống tự động dệt hoa văn (gọi là bỏ lát) trên mặt lụa…

Ở Làng lụa Hội An bây giờ, ông chủ Lê Thái Vũ cho trưng bày trang trọng “khung cửi Cửu Diễn”. Khung cửi này thực sự đi vào đời sống thợ dệt xứ Quảng những năm 1935 - 1936, để hàng tơ lụa Quảng Nam xuất sang Nam Vang, Hồng Kông...

Thời kháng chiến chống Pháp, xứ Quảng cũng từng có loại vải mang tên Xi-ta gắn liền với tên tuổi bà Trần Thị Khương ở La Thọ (Điện Bàn). Gọi là vải Xi-ta vì loại vải của thợ dệt Quảng Nam chắc bền, mịn trơn, phơi mau khô không thua gì chất lượng của vải Socièté Industrielle de Textile d’Annam (S.I.T.A) do Pháp sản xuất tại Việt Nam.

Nhưng đó là nguồn hàng. Còn muốn nhắc đến phong cách và mẫu trang phục trong quá khứ, có một người đặc biệt: cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh. Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc, cụ Phan rất có ý thức dùng hàng nội hóa. Cụ cũng là người đổi mới phong cách, vừa thực hành vừa vận động người khác đổi mới theo.

“Đứng ở góc độ này, các nhà fashion hiện đại phải tôn cụ làm “ông tổ” của cái nghề còn mới mẻ này tại Việt Nam”, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc viết trong cuốn “Người Quảng Nam” (NXB Trẻ 2012, trang 200).

“Mốt Tây Hồ” của cụ Phan Châu Trinh, ra đời từ đầu thế kỷ 20, lan rộng và hình thành Hội mặc đồ Tây. Vượt ra khỏi khuôn khổ một kiểu thời trang, “mốt Tây Hồ” từng là một phần của phong trào Duy tân, gây chấn động cùng với phong trào cắt tóc ngắn, bỏ tục nhuộm răng, tìm đọc tân thư.

Lúc ấy, khi cộng đồng vẫn đang để tóc dài, dùng sa-sô của Tàu… thì “mốt” của cụ Phan đúng nghĩa thời trang: chiếc áo bành tô và quần may bằng vải nội địa nhuộm đen, cà vạt đen, giày “dôn” (da vàng) mỏ vịt, đội nón “cát” trắng.

Theo thời gian, ngành công nghiệp thời trang đã xóa nhòa ranh giới vùng miền, thậm chí ranh giới quốc gia. Mọi sự tồn tại, nhất là với lĩnh vực thời trang, cũng đều nương theo thị hiếu. Có khác chăng, với “lược sử” xiêm y xứ Quảng, ngoài thị hiếu còn thấy in hằn bóng dáng thời gian với dặm dài Nam tiến, níu giữ ngành nghề và cổ vũ cái mới trên vùng đất mở.

HỨA XUYÊN HUỲNH