Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa địa phương

KHÁNH LINH - XUÂN HIỀN 26/11/2022 16:36

(QNO) - Sáng nay 26/11, tại TP.Hội An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”.

 
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: V.L

Tham dự diễn đàn có các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Về phía tỉnh Quảng Nam có các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo 62 tỉnh thành và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa “sức mạnh mềm” di sản và đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, quốc gia làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế.

Đông đảo đại biểu đến từ 63 tỉnh , tỉnh trong cả nước đã tham dự sự kiện. Ảnh: V.L
Đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: V.L

Mặc dù so với nhiều ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển. Dự báo có thể phát triển nhanh hơn trong thời gian tới khi Việt Nam đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, tầng lớp trung lưu gia tăng, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch. Tuy nhiên, tại một số nơi tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết. Dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập, hạn chế.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch, các địa phương cần tập trung 3 vấn đề. Bao gồm: xử lý hài hòa mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế trong quá trình phát triển.

Đồng chí Phan Việt Cường phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: V.L
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: V.L

Vấn đề thứ hai là tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng số…

Vấn đề thứ ba là phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...

“Chúng ta đều biết, văn hóa ngày càng trở thành yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, tạo nên sự khác biệt có sức hấp dẫn lớn nhờ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách và trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ở chiều ngược lại, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia và lan tỏa tầm ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy văn hóa phát triển thông qua việc tạo thu nhập có thể hỗ trợ và tái đầu tư cho các công trình, di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phân tích.

Diễn đàn là cơ hội tốt để Quảng Nam tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích để phát triển công nghiệp văn hóa địa phương. Ảnh: V.L
Diễn đàn là cơ hội để Quảng Nam tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích nhằm phát triển công nghiệp văn hóa địa phương. Ảnh: V.L

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, diễn đàn là cơ hội tốt để Quảng Nam tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích giúp nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức nhằm tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về du lịch văn hóa quan trọng của cả nước.

Để du lịch phát triển bền vững, Quảng Nam sẽ tiếp tục tìm tòi, đổi mới sáng tạo, không ngừng cải tiến, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của khoa học kỹ thuật, công nghệ; xây dựng đa dạng hơn các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát huy “sức mạnh mềm” của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phát triển du lich văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, khác biết. Ảnh: V.L
Phát triển du lịch văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, khác biệt. Ảnh: V.L

Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương” là sự kiện thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

KHÁNH LINH - XUÂN HIỀN